Chế biến tôm xuất khẩu ở Cà Mau
Giá tăng cao
Những ngày này, các nhà máy chế biến ở ĐBSCL thu mua tôm thẻ chân trắng với mức cao. Hiện giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg có giá 100.000 đồng/kg, loại 50 con/kg giá 132.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 158.000 đồng/kg… Ông Trần Văn Việt, Giám đốc HTX Nuôi tôm công nghiệp Thành Công (xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), cho biết, thời điểm này, các ao tôm của bà con đều được thả nuôi chứ không còn “treo” như lúc giá xuống thấp trước đây. Dù mới có vài tháng đầu năm, nhưng vụ tôm khá thuận lợi, tôm nuôi ít dịch bệnh, giá khá cao, nên ngươi nuôi có lời. Còn theo ông Huỳnh Thanh Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến, dịch vụ thủy sản Cà Mau, tình hình xuất khẩu cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 thuận lợi nên các công ty chế biến tôm đẩy mạnh thu mua nguyên liệu. Giá tôm cao đã kích thích người nuôi thả giống trở lại.
Thống kê cho thấy, những tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tôm ở ĐBSCL khả quan. Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2022, tỉnh Cà Mau xuất khẩu đạt 165 triệu USD, bằng 15,4% kế hoạch, tăng 101% so cùng kỳ. Còn xuất khẩu tôm của tỉnh Bạc Liêu trên 113 triệu USD, đạt gần 13% kế hoạch, tăng trên 6% so với cùng kỳ. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 550 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ. Dự báo xuất khẩu tôm năm 2022 vượt mốc 4 tỷ USD…
Trong khi đó, nhiều hộ nuôi cá tra ở An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, TP Cần Thơ… vui mừng khi giá cá nguyên liệu tăng mạnh sau thời gian dài ảm đạm. Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc HTX Sản xuất dịch vụ thủy sản Châu Thành (Đồng Tháp), cho hay: “Giá cá tra đang ở mức 30.000-32.000 đồng/kg, người nuôi lãi từ 5.000-6.000 đồng/kg. Đây là mức lãi cao nhất trong hơn 2 năm qua”.
Liên kết phát triển bền vững
Các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL nhận định, từ đợt Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến nay, thị trường tiêu thụ các sản phẩm cá tra của nước ta trên thế giới có những chuyển biến tích cực với đơn đặt hàng tăng liên tục, giá xuất khẩu cũng tăng theo. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phi lê sang một số thị trường châu Âu với giá khoảng 3,5 USD/kg, thị trường Trung Quốc khoảng 3,2-3,4 USD/kg, riêng thị trường Hoa Kỳ do đòi hỏi chất lượng cao nên giá xuất từ 6 USD/kg trở lên… Đây là mức giá xuất khẩu thuộc dạng cao nhất trong khoảng 2 năm qua. Nguyên nhân do nguồn cung giảm, trong khi nhu cầu của thế giới tăng nên giá tăng theo.
Giá cá tra tăng và xuất khẩu tốt là đáng mừng, nhưng theo Tổng cục Thủy sản, cần cẩn trọng việc tăng trưởng nóng trở lại về sản lượng bởi tiềm ẩn nhiều hệ lụy như: lạm dụng trong sản xuất, kinh doanh nên chất lượng sản phẩm có thể bị giảm sút; gây mất ổn định ngành hàng... Ngoài ra, các hiệp định tự do thương mại mà nước ta tham gia vừa là cơ hội cũng là thách thức để sản phẩm cá tra Việt Nam tiếp tục xuất khẩu vào các thị trường EU, Hoa Kỳ... Trong đó, lưu ý các yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường nhập khẩu, đòi hỏi ngành hàng cá tra phải nỗ lực để đáp ứng.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị, các địa phương ĐBSCL cần rà soát lại quy hoạch và đưa ra định hướng phát triển cá tra thời gian tới một cách hợp lý, không để phá vỡ quy hoạch, không ào ạt mở rộng diện tích nhằm tránh tình trạng “cung vượt cầu” dẫn tới giá rớt trở lại. Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản và các tỉnh ĐBSCL cần nhanh chóng đảm bảo nguồn giống, đầu tư nâng cao chất lượng giống cá tra; chủ động các giải pháp phòng bệnh cho cá; đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi nhằm hình thành chuỗi sản xuất khép kín để đảm bảo ổn định đầu vào, đầu ra; đồng thời giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng cá; tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới…
Đối với con tôm, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản An Khoa (Cà Mau) Trần Văn Trung lưu ý: “Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào thị trường Trung Quốc gặp khó khăn bởi chính sách kiểm soát dịch Covid-19 của nước này. Trong khi thị trường Nga đóng băng; các thị trường khác thuận lợi nhưng gặp vấn đề là thiếu tàu, thiếu container và giá thuê cao”. Còn Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến và Dịch vụ thủy sản Cà Mau Huỳnh Thanh Tân chia sẻ: “Tình hình xuất khẩu tôm từ đầu năm đến nay là khả quan. Tuy nhiên, chặng đường phía trước còn dài nên các doanh nghiệp vẫn phải nỗ lực, cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu mới có thể trụ vững được. Ngoài ra, tăng cường liên kết để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu nhằm chủ động đơn hàng xuất khẩu”.
Bộ NN-PTNT dự báo, năm 2022 vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn và thách thức. Vì vậy, các địa phương cần tăng cường liên kết tham gia chuỗi ngành tôm, đảm bảo việc sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm được vận hành liên hoàn, thích ứng với điều kiện mới về dịch Covid-19; nhanh chóng tìm giải pháp tiết giảm chi phí trong bối cảnh các loại vật tư, thức ăn, thuốc thủy sản… ở mức cao. |