Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng 2020, Việt Nam xuất siêu gần 17 tỷ USD và đây là một trong những con số rất đáng ghi nhận, có đóng góp rất lớn vào tốc độ phát triển kinh tế trong 9 tháng qua.
Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê bày tỏ xuất siêu sẽ góp phần không nhỏ trong tăng trưởng kinh tế 2020 trong bối cảnh Chính phủ xác định xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng là ba mũi giáp công, ba động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam trong năm 2020.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trung Tiến về xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay.
- Ông đánh giá như thế nào về con số xuất siêu kỷ lục của 9 tháng năm 2020. Kết quả đạt được sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế của cả năm 2020 như thế nào?
Ông Nguyễn Trung Tiến: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cẩ nước trong 9 tháng qua đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu đạt 71,83 tỷ USD, tăng 20,2%, chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu và trở thành động lực cho tăng trưởng xuất khẩu.
Tính riêng quý 3, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 80,07 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu quý 2 đạt 68,54 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng Việt Nam xuất siêu 16,99 tỷ USD. Đây là một trong những con số rất đáng ghi nhận, có đóng góp rất lớn vào tốc độ phát triển kinh tế trong 9 tháng của năm mà chúng ta đã đạt được là 2,12%. Kết quả này cũng sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế của cả năm 2020.
Theo tôi, có ba yếu tố để chúng ta xuất siêu. Thứ nhất, là sự tăng trưởng mạnh mẽ xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước, tăng 20,2% (9 tháng năm 2019 tăng 16,4%).
Thứ hai, mặc dù, một số mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn và truyền thống của Việt Nam giảm do tác động của dịch COVID-19.
Cụ thể là xuất khẩu điện thoại và thiết bị 9 tháng của năm giảm 5,5%, xuất khẩu dệt may giảm trên 10,3% và xuất khẩu da giày giảm 8,8% nhưng Việt Nam lại tăng trưởng kỷ lục vào những mặt hàng mới và mặt hàng có giá trị gia tăng cao như: điện tử máy tính và linh kiện tăng 25,9%; máy móc, thiết bị và dụng cụ tăng 39,8%; sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ tăng 57,4%; đồ chơi, dung cụ thể thao tăng 59,5%.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tất cả các mặt hàng xuất khẩu đều giảm nhưng trong 9 tháng của năm chúng ta xuất khẩu gạo được 2,5 tỷ USD. Mặc dù về lượng giảm 0,6% nhưng lại tăng tới 12% về giá trị. Đây là một trong những tín hiệu rất mừng cho nông sản Việt Nam.
Hiện, Việt Nam có 6 thị trường xuất khẩu chính là: Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN. Theo đó, chúng ta tiếp tục giữ được mức tăng trưởng cao ở hai thị trường hàng đầu là Mỹ tăng 22,9% và Trung Quốc tăng 12,7%.
- Thưa ông, 9 tháng qua, sự đóng góp của các doanh nghiệp trong nước vào xuất siêu đã có sự thay đổi. Ông đánh giá như thế nào về sự thay đổi này?
Ông Nguyễn Trung Tiến: Thực tế đóng góp vào xuất siêu cho đến nay chủ yếu vẫn là từ khu vực đầu tư nước ngoài. Con số xuất siêu gần 17 tỷ USD của năm 2020 đến thời điểm này đều có sự đóng góp tích cực từ hai khối: khu vực trong nước và khu vực đầu tư nước ngoài.
Trong 9 tháng của năm, mặc dù, xuất khẩu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài giảm 2,9% nhưng xuất siêu lại tăng 2 tỷ USD so với năm trước. Trong khi đó, khối doanh nghiệp trong nước có những bước tiến đáng kể, tuy vẫn còn nhập siêu. Theo đó, nhìn lại 9 tháng năm 2019 cho thấy, khu vực trong nước nhập siêu 19 tỷ USD, trong khi đó 9 tháng năm 2020 khu vực trong nước chỉ nhập siêu trên 10 tỷ USD.
Như vậy năm nay, nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước giảm 9 tỷ USD so với năm ngoái. Chính vì vậy, con số xuất siêu kỷ lục gần 17 tỷ USD là do tác động tích cực cả khu vực kinh tế trong và ngoài nước.
- Những năm gần đây, Việt Nam liên tục xuất siêu và năm sau cao hơn năm trước. Vậy, xuất siêu sẽ đem lại những tác động tích cực như thế nào đối với tăng trưởng kinh tế năm 2020, thưa ông?
Ông Nguyễn Trung Tiến: Việt Nam là một trong những nước ký nhiều hiệp định Thương mại tự do (FTA) trong thời gian vừa qua. Khi chúng ta gia tăng việc ký kết hiệp định FTA với các nước thì cán cân xuất siêu sẽ nghiêng về phía Việt Nam.
Cho đến thời điểm này, đã có 13 hiệp định FTA đã có hiệu lực; trong đó hiệp định có hiệu lực mạnh nhất, được kỳ vọng nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) vừa có hiệu lực. Nhập siêu và xuất siêu mang tính chất vừa tích cực, vừa tiêu cực.
Đối với nhập siêu, nếu nhập máy móc và khoa học kỹ thuật thì chúng ta sẽ tiếp thu được những công nghệ tiên tiến của thế giới, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao và cạnh tranh được với sản phẩm của các nước. Tuy nhiên, nhập siêu nhiều sẽ dẫn đến tiêu dùng của ta sùng ngoại, có nghĩa là dùng nhiều hàng ngoại hơn hàng trong nước.
Hơn nữa, nhập siêu cũng sẽ nguy hiểm bởi nó ảnh hưởng đến nợ công, vì khi nhập siêu trong một thời gian dài, chúng ta phải sử dụng nhiều ngoại tệ dẫn tới Chính phủ phải sử dụng trái phiếu để bù đắp vào sự thiếu hụt đó dẫn đến nợ công.
Chúng ta luôn luôn mong muốn xuất siêu bởi xuất siêu luôn tác động tích cực hơn, khi xuất siêu chúng ta sẽ có ổn định tỷ giá hối đoái và dự trữ ngoại tệ. Cùng với đó, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang muốn giữ ổn định đồng nội tệ để khôi phục và phát triển kinh tế khi dịch COVID-19 kết thúc.
- Thời gian qua, khối doanh nghiệp trong nước đã chủ động tìm mọi giải pháp để thích ứng và có ứng phó rất phù hợp khi dịch COVID-19 xảy ra. Ông có thể cho biết đâu là những cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tăng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Trung Tiến: Qua theo dõi cho thấy, xuất siêu của chúng ta là do khối doanh nghiệp trong nước đã chủ động tìm mọi giải pháp để thích ứng và có ứng phó rất phù hợp khi dịch COVID-19 xảy ra. Các doanh nghiệp đã chủ động khai thác tất cả các nguồn nguyên liệu đầu vào để phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, sản xuất ở các ngành như dệt may, da giày... đã giảm, nhưng giảm không phải do chúng ta không nhập được nguyên liệu, mà nguyên nhân chính là do cho đến nay các đơn hàng ở các nước bị dịch bệnh chúng ta chưa ký kết được.
Theo tôi, điều này không đáng lo, vì theo con số mà chúng tôi thu thập được cho đến thời điểm này, trong tổng kim ngạch nhập khẩu chúng ta nhập khẩu tư liệu sản xuất chiếm 93,5%, có nghĩa chỉ giảm 0,3 điểm phần trăm (nhóm hàng nguyên, nhiên vật liệu chỉ giảm 1,1% điểm phần trăm) so với cùng kỳ năm trước. Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp đã tự chủ động khai thác nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.
Có một điểm đáng chú ý là vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu một số mặt hàng nông sản như càphê, gạo và trái cây vào thị trường EU.
Chúng tôi tin tưởng rằng khi khống chế được dịch COVID-19 từ nay đến cuối năm, thì dư địa để xuất khẩu vào thị trường châu Âu là rất lớn. Điều này có nghĩa chúng ta tiếp tục giữ được xuất siêu kỷ lục và sẽ góp phần không nhỏ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm nay trong bối cảnh Chính phủ xác định xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng là ba mũi giáp công, ba động lực tăng trưởng chính của kinh tế 2020.
-Xin cảm ơn ông!