Chuyện gì đã xảy ra?
Chuyến bay định mệnh mang số hiệu 17 cất cánh từ Amsterdam vào đúng ngày 17 tháng 7 năm 2014. Trong số các hành khách có chuyên gia về HIV/AIDS người Hà Lan Joep Lange, đang trên đường tới một hội nghị ở Melbourne, cùng Jeroen và Nicole Wals cùng bốn đứa con của họ, những người đang đi nghỉ ở Malaysia.
Vào lúc 4:19 chiều (13:19 GMT), khi đang bay qua vùng Donetsk phía đông Ukraine, nơi quân nổi dậy ly khai thân Nga đang chiến đấu với lực lượng Ukraine, chiếc máy bay đã phát nổ giữa không trung, ở độ cao 33.000 feet (10,1 km).
Tất cả 298 người trên máy bay đều thiệt mạng, trong đó có 196 người Hà Lan, 43 người Malaysia và 38 người Úc. Việc tái dựng hiện trường sau đó bằng cách sử dụng một số mảnh vỡ đã tiết lộ sự kinh hoàng trong những giây phút cuối cùng của chiếc máy bay.
Một cuộc điều tra quốc tế do Hà Lan dẫn đầu cho biết: “Phần phía trước của máy bay đã bị hàng trăm vật thể năng lượng cao phát ra từ đầu đạn xuyên thủng. Do cú va chạm và vụ nổ sau đó, ba thành viên phi hành đoàn trong buồng lái đã thiệt mạng ngay lập tức và máy bay vỡ tung trên không".
Các nhà điều tra cho biết một số hành khách có thể đã phải kinh hoàng suốt 90 giây vì biết rằng họ sắp chết.
Ai phải chịu trách nhiệm?
Nga và Ukraine ngay lập tức đổ lỗi cho nhau về vụ bắn rơi máy bay. Cuộc điều tra quốc tế năm 2016 đã tìm thấy “bằng chứng không thể chối cãi” cho thấy chiếc máy bay đã bị hệ thống tên lửa đất đối không BUK do Nga sản xuất bắn rơi. Hệ thống này được vận chuyển từ Nga đến miền Đông Ukraine do phe ly khai kiểm soát.
Các nhà điều tra sau đó xác định rằng tên lửa có nguồn gốc từ một lữ đoàn quân sự Nga đóng tại thành phố Kursk phía tây. Nhưng Nga phủ nhận việc có bất kỳ tên lửa phòng không nào vượt qua biên giới.
Vào tháng 6 năm 2019, bốn nhân vật cấp cao của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng ở miền Đông Ukraine, Igor Girkin, Sergei Dubinsky và Oleg Pulatov của Nga và Leonid Kharchenko của Ukraine đã bị buộc tội giết người. Họ bị cáo buộc đưa hệ thống tên lửa đến bãi phóng ở miền Đông Ukraine (nhưng thực tế không hề nhấn nút).
Có ai bị kết án không?
Sau phiên tòa kéo dài hai năm rưỡi, tòa án Hà Lan vào tháng 11 năm 2022 đã kết án Girkin, Dubinsky và Kharchenko vắng mặt về tội giết người và cố ý khiến máy bay rơi và kết án họ tù chung thân.
Cả ba từ chối tham gia tố tụng hoặc thừa nhận vai trò của họ trong vụ việc. Torng khi đó, Pulatov được trắng án. Nga bác bỏ phán quyết của tòa án, cho rằng nó có động cơ chính trị.
Vào tháng 1 năm 2024, Girkin bị bỏ tù 4 năm ở Nga vì liên tục chỉ trích Điện Kremlin không theo đuổi một cuộc tấn công quyết liệt hơn ở Ukraine. Năm 2023, các nhà điều tra vụ tai nạn MH17 đình chỉ công việc vì không có đủ bằng chứng để truy tố thêm nghi phạm.
Công lý đã được thực thi chưa?
Một cuộc điều tra chống lại Nga vẫn đang được tiến hành tại Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế, một cơ quan của Liên Hợp quốc. Hà Lan và Ukraine cũng đã cùng nhau khởi kiện Nga tại Tòa án Nhân quyền Châu Âu ở Strasbourg.
Tuy nhiên, ở Hà Lan, hy vọng rằng bất kỳ ai trong số những kẻ chịu trách nhiệm sẽ bị đưa ra công lý đang mờ dần.
Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof nói với đài truyền hình NOS vào đêm trước lễ kỷ niệm 10 năm thảm họa: “Cuối cùng, chúng ta không thể đưa bất kỳ ai vào tù”. Ông nói thêm: “Cảm giác về công lý vẫn còn đó, nhưng cuối cùng lại không như lẽ ra phải có”.