LÀM THƯƠNG HIỆU BẤT ĐỘNG SẢN

2 đúng, 2 đủ

(ĐTTCO) - Cho đến trước năm 2015, Dream House (CTCP Đầu tư Căn nhà Mơ ước) là một thương hiệu đã xuất hiện khá lâu trên thị trường bất động sản (BĐS), nhưng dấu ấn tạo ra lại chưa thực sự rõ nét. Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi Dream House (mã chứng khoán DRH) có nhóm cổ đông mới cùng dàn lãnh đạo trẻ tuổi.

(ĐTTCO) - Cho đến trước năm 2015, Dream House (CTCP Đầu tư Căn nhà Mơ ước) là một thương hiệu đã xuất hiện khá lâu trên thị trường bất động sản (BĐS), nhưng dấu ấn tạo ra lại chưa thực sự rõ nét. Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi Dream House (mã chứng khoán DRH) có nhóm cổ đông mới cùng dàn lãnh đạo trẻ tuổi.

Chất lượng tạo nên thương hiệu

Ông Phan Tấn Đạt (ảnh), Tổng giám đốc DRH, chia sẻ: “DRH là một công ty niêm yết, tức đã được NĐT biết đến, có nhiều hơn các cơ hội để công bố thông tin, tiếp cận với các NĐT, các định chế tài chính. Vì vậy, nếu DRH thể hiện tốt trên thị trường chứng khoán (TTCK), sự quan tâm dành cho CP hay công ty cũng gia tăng. Nhưng ở đây tôi cũng muốn nhấn mạnh chiến lược phát triển của DRH trong 5-10 năm tới sẽ là chiến lược dài hạn, nên việc xây dựng thương hiệu cho DRH cũng phải có tầm nhìn tương tự”.

DRH cũng vừa xây dựng xong bộ nhận diện thương hiệu mới (logo và slogan), điều này phần nào thể hiện sự đổi mới trong kế hoạch, chiến lược cũng như quyết tâm, đồng lòng của tập thể DRH để đưa thương hiệu và công ty đạt được những mục tiêu đã đặt ra, đáp ứng sự kỳ vọng của khách hàng và NĐT. Với phương châm “Đồng lòng kiến tạo tương lai”, chúng tôi, tập thể DRH khẳng định sức trẻ nếu được gắn kết và nhận được sự chung sức, chung lòng sẽ mang thương hiệu Việt vươn cao và xa hơn nữa.

- Vậy đâu sẽ là mấu chốt để DRH xây dựng thương hiệu cho mình? ĐTTC đặt câu hỏi.

- Ông Phan Tấn Đạt phân tích: “Một thương hiệu vững mạnh phải dựa trên hai nền tảng, đó là khả năng nhận diện rộng rãi của công chúng và chất lượng của sản phẩm dịch vụ. Thiếu một trong hai điều sẽ khó tạo nên thương hiệu mạnh và ngay đến lợi thế sẵn có cũng mất đi. Thí dụ, nếu thương hiệu được công chúng biết đến rộng rãi nhưng chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu, thì chính đám đông sẽ quay lưng tẩy chay sản phẩm. Trong khi đó, nếu công ty quá trầm lặng, chỉ tập trung cho sản phẩm, mất đi cơ hội mở rộng thị phần, nguồn thu sẽ bị giới hạn và cơ hội để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, dịch vụ cũng bị thu hẹp”.

Tôi đang rất kỳ vọng, cuộc cạnh tranh về mặt thương hiệu giữa các công ty BĐS sẽ sôi động hơn nữa trong thời gian tới. Vì đó là chỉ báo cho thị trường đang ngày một được chuẩn hóa về chất lượng. Phương châm “2 đúng, 2 đủ” của DRH sẽ trở nên phổ biến và được nâng tầm hơn nữa. Điều này có lợi cho công ty và cho cả thị trường.

 Ông Phan Tấn Đạt, Tổng giám đốc DRH

Ngày 5-12-2015, DRH đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để thảo luận, thông qua các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh (KD). Sau khi được ban lãnh đạo giải thích cặn kẽ, các cổ đông của DRH cũng đồng thuận thông qua phương án phát hành riêng lẻ 30,6 triệu CP với giá tối thiểu 10.000 đồng/CP để tăng vốn điều lệ (VĐL) từ 184 tỷ đồng lên 490 tỷ đồng. Số tiền huy động sẽ được đầu tư vào Khu căn hộ 1177 Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TPHCM (quy mô 2.820,3m2 và tổng mức đầu tư dự kiến 333 tỷ đồng) và Resort tại xã Lộc An, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (quy mô 115.428 m2 và tổng mức đầu tư dự kiến 1.415 tỷ đồng), cũng như bổ sung vốn lưu động. 184 tỷ đồng là mức VĐL khá thấp và dù phương án tăng vốn của DRH gần gấp 3, nhưng 490 tỷ đồng vẫn là chưa đủ để công ty đầu tư một cách thoải mái. Trong trường hợp này, giải pháp tập trung cho hoạt động KD, sớm hoàn thành các dự án, bán hàng và thu tiền về sẽ được chú trọng và việc xây dựng thương hiệu được tạm thời chưa đẩy mạnh.

Tuy nhiên, vị tổng giám đốc (thế hệ 8X và cũng thuộc hàng trẻ nhất trong số các CEO của ngành BĐS) lại nghĩ khác: Giai đoạn 2012-2014, thị trường BĐS diễn ra cuộc thanh lọc dữ dội và chỉ những công ty có vốn mạnh, quỹ đất tốt mới có thể tồn tại được. Nhưng đến bây giờ, quỹ đất hay vốn lại không còn là lợi thế, vì công ty nào sống được đến bây giờ đều có đủ. Vì vậy, muốn vươn lên, DRH buộc phải tìm những lợi thế khác cho riêng mình. Sẽ là thiếu hợp lý, thậm chí muộn màng nếu đặt việc xây dựng thương hiệu phía sau hoạt động KD. Chúng ta có thể kết hợp cả 2 hoạt động cùng lúc để đưa hiệu quả tăng lên gấp bội.

Xây dựng thương hiệu, chất lượng sản phẩm

Ông Phan Tấn Đạt cho biết: “Lấy đơn cử về phân khúc căn hộ chung cư, trong khoảng 4 năm tới, DRH hướng đến khách hàng là các gia đình trẻ, tri thức, tầng lớp trung lưu với giá bán trong khoảng 1-2 tỷ đồng/căn tùy theo diện tích. Nhưng hiện giờ, không chỉ có DRH tham gia phân khúc này mà còn có nhiều đơn vị khác nữa. Vì vậy chúng tôi xây dựng lợi thế cạnh tranh gồm “2 đúng và 2 đủ”:

- 2 đúng nghĩa là DRH sẽ giao nhà đúng thời hạn, cố gắng sớm hơn thời hạn và đúng với cam kết về chất lượng ban đầu.  Với những người thuộc tầng lớp trung lưu, việc tích lũy tiền bạc để mua được một căn hộ không hề đơn giản, nếu để họ chờ đợi, phấp phỏng khi mua nhà là điều không đáng có. 

- 2 đủ nghĩa là các dự án của DRH sẽ có đầy đủ không gian công cộng, những tiện ích xung quanh khu căn hộ cho cư dân đồng thời sẽ do các công ty quản lý tài sản có uy tín đảm trách việc vận hành các khu căn hộ. Thêm nữa, trong quá trình triển khai dự án, với các cổ đông hay NĐT có quan tâm đến DRH, chúng tôi cũng sẽ bố trí các chương trình tham quan cụ thể để mục sở thị nỗ lực của công ty.

“Chúng ta nên nhìn nhận rằng, khách hàng có thể mua được một căn nhà thì cũng có thể mua căn tiếp theo và nếu chứng minh được chất lượng xem như đã tiết kiệm được một khoản chi phí cho việc quảng bá cho các dự án sắp tới. Trường hợp nếu khách không mua nhà, nhưng nếu hài lòng với chất lượng sống của khu căn hộ, thì họ cũng là một người bảo chứng cho chất lượng sản phẩm và giới thiệu rộng rãi đến với các khách hàng khác… để tạo ra sự lan tỏa cho thương hiệu” - ông Phan Tấn Đạt làm rõ. 

Một lợi thế rất lớn mà DRH đang có chính là công ty là một trong những đơn vị đầu tiên được Bộ Xây dựng cấp phép đào tạo KD BĐS. Trong 5 năm qua, công ty đã liên tục tổ chức những khóa đào tạo cho học viên, cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh BĐS, nhờ vậy đã xây dựng được đội ngũ nhân viên, cộng tác viên bán hàng rộng khắp. Đây có thể nói là “của để dành” của DRH và sẽ phát huy mạnh mẽ khi công ty mở bán các dự án của mình. Rõ ràng, ngoài chuyện làm thương hiệu, chú trọng chất lượng sản phẩm, đội ngũ bán hàng cũng chính là bộ mặt của công ty.

Trong khoảng hai năm qua, các công ty BĐS đã đẩy mạnh tiếp cận với khách hàng một cách trực diện hơn, đồng thời nâng cao các trải nghiệm cho khách hàng. Chẳng hạn như các buổi hội thảo về thị trường BĐS, các buổi mở bán căn hộ với sự xuất hiện của các ngôi sao ca nhạc, diễn viên điện ảnh và các tiết mục văn nghệ đặc sắc. Tại các siêu thị, sân bay, trung tâm thương mại lớn đều xuất hiện các phối cảnh dự án và đội ngũ nhân viên bán hàng để quảng bá. Các kênh tiếp thị, làm thương hiệu so với vài năm trước đã trở nên đa dạng hơn rất nhiều và các công ty trong ngành chắc chắn sẽ có nhiều “đất” để triển khai chương trình của mình.  Về điều này, DRH lại có thêm một lợi thế khi hiện đang sở hữu cổ phần tại CTCP Tri thức Doanh nghiệp Quốc Tế với chức năng đào tạo, tổ chức hội thảo, xuất bản các ấn phẩm…

Các tin khác