Giá vàng năm 2012 được dự báo tiếp tục “nóng”. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng vàng sẽ theo chiều hướng tăng, có thể vượt ngưỡng 1.700USD/ounce, nhưng cũng có chuyên gia nhận định theo chiều hướng hạ, dưới 1.300USD/ounce. Vậy giá vàng sẽ biến động theo chiều hướng nào? TS. LÊ ĐẠT CHÍ, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, phân tích:
> Thị trường vàng: Đầu năm, khan hàng
Trong tháng 9-2011, giá vàng giảm tới 400USD/ounce, rơi khỏi mức cao kỷ lục 1.920,3USD khiến nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi phải chăng đà tăng 11 năm liên tiếp của thị trường vàng đã đến hồi kết thúc. Nhưng trong tháng 1-2012, giá vàng đã phục hồi, mỗi ounce vàng tăng 11% giá trị, mức tăng mạnh nhất của tháng đầu tiên trong năm kể từ năm 1983.
Có thể thấy giá vàng tăng mạnh trong tháng đầu năm 2012 và đặc biệt trong thời gian Việt Nam nghỉ Tết Nguyên đán là do Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) bất ngờ tuyên bố sẽ giữ ổn định lãi suất cơ bản USD ở mức 0-0,25% từ nay đến cuối năm 2014 thay vì đến năm 2013. Tuyên bố này của FED khiến USD tạm thời yếu và thúc đẩy sự tăng giá của vàng.
Và đến nay giá vàng đang đụng đến ngưỡng kháng cự dài hạn về mặt phân tích kỹ thuật, ở mức 1.746USD/ounce. Ngoài ra, một thông tin đang được chờ đợi là kết quả đàm phán giữa chủ nợ đối với Hy Lạp. Khó có thể đánh giá tác động của thông tin này.
Nếu Hy Lạp đạt được thỏa thuận tốt, có khả năng làm cho cuộc khủng hoảng nợ châu Âu không đến mức tồi tệ, trước mắt có thể cầm cự.
Nếu không đạt được thỏa thuận này sẽ có đợt bán tháo và cuộc khủng hoảng nợ châu Âu sẽ bùng nổ, thêm ngòi nổ lớn tiếp sức cho giá vàng rớt. Gần đây giá vàng biến động tương quan với các tài sản có rủi ro, nhưng đôi lúc vẫn tăng giá nếu nhà đầu tư nhận thấy bất ổn rủi ro toàn cầu gia tăng.
Sự trở lại của thị trường Trung Quốc sau Tết Nguyên đán là một lý do hỗ trợ cho sự đi lên của giá vàng. Tuy nhiên, theo tôi về dài hạn cả năm 2012 vàng vẫn chịu xu hướng giảm giá về mức 1.000 -1.300USD/ounce.
PHÓNG VIÊN: - Cơ sở nào ông dự đoán giá vàng sẽ về mức trên?
TS. LÊ ĐẠT CHÍ: - Có nhiều yếu tố hỗ trợ giá vàng giảm trong năm 2012. Thứ nhất, giá vàng giảm do USD tăng giá. USD tăng giá không phải do nền kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng mà do đến nay khủng hoảng nợ khu vực châu Âu vẫn chưa được giải quyết, nên EUR tiếp tục giảm giá, làm USD tăng giá.
Điều đó cũng trùng với dự báo tỷ giá, người ta cũng dự báo tỷ giá cặp đồng tiền USD/EUR cuối năm sẽ ngang ngửa 1:1 hoặc 1:1,1.
Thứ hai, khi nền kinh tế thế giới suy thoái thì tiền mặt là tài sản cần nhất. Đầu năm 2012, tất cả tổ chức kinh tế thế giới như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 2,8% xuống còn 2,3%.
Khi nền kinh tế chưa phục hồi, tiền mặt vẫn là tài sản nắm giữ, khi đó người dân sẽ bán vàng ra. Khủng hoảng nợ châu Âu chưa giải quyết nên người dân sẽ không mua EUR mà sẽ mua USD, càng làm cho USD tăng giá.
Khi lạm phát, nhà đầu tư mới mua vàng cất trữ để né tránh sự mất giá đồng tiền, nhưng hiện nay nền kinh tế thế giới đối mặt với giảm phát vì sức cầu yếu nên vàng không còn là tài sản cần nắm giữ. Nền kinh tế thế giới đang chuyển qua một giai đoạn mới là giai đoạn suy thoái và giảm phát.
Thứ ba, châu Âu sẽ tiếp tục dùng chính sách giảm lãi suất để mở rộng tiền tệ chứ không bơm thêm vốn, nhưng làm như thế đồng EUR vô tình suy yếu càng củng cố cho USD tăng giá.
Thứ tư, đến nay các chính phủ không còn chính sách tiền tệ mở rộng. Sau QE1, QE2 và chương trình tái cấu trúc danh mục đầu tư kết thúc 30-6-2012, FED giảm lãi suất 0-0,25% thì chính sách lãi suất bị vô hiệu hóa, cung tiền cũng không thể bơm được. Vừa rồi có một số đồn đoán FED sẽ có QE3 vào cuối năm nay, khi đó tiền ra sẽ lạm phát, nhà đầu tư sẽ mua vàng.
Nhưng FED không muốn đối mặt với điều đó nên khả năng FED đưa QE3 ở thời điểm hiện tại hay ít nhất trong 6 tháng tới là khó xảy ra. Dự đoán giá vàng sẽ giảm nên quỹ đầu tư vàng tín thác lớn trên thế giới đến nay không mua vàng sau đợt bán ra gần đây.
Có nhiều yếu tố hỗ trợ giá vàng giảm trong năm 2012. Ảnh: LÃ ANH |
- Các tổ chức quốc tế dự báo giá dầu thế giới sẽ tăng 20-30% so với năm 2011 nếu chiến tranh Iran xảy ra. Như vậy sẽ kéo theo hàng loạt mặt hàng khác đều tăng giá, trong đó có giá vàng?
- Trước đây hay có dự đoán giá dầu tăng giá vàng sẽ tăng. Nhưng thời kỳ tăng trưởng dự đoán khác, thời kỳ khủng hoảng thì khủng hoảng giai đoạn 1, giai đoạn 2 cũng có nhiều dự đoán rất khác nhau.
Nếu giá dầu càng tăng thì càng làm cho nền kinh tế thế giới vốn suy giảm càng suy giảm hơn, kinh tế thế giới tăng trưởng yếu đi. Khi đó, giá dầu có tăng giá vàng cũng không thể tăng tương ứng.
- Vậy giá vàng trong nước sẽ theo xu hướng như thế nào. Và theo ông người dân mua vàng thời điểm này có rủi ro?
- Giá vàng trong nước biến động theo xu hướng giá vàng thế giới, nhưng với quy cách hiện nay không loại trừ tình trạng giá vàng thế giới sụt giảm, giá vàng trong nước vẫn treo ở mức giá cao để thu được lợi nhuận cho nhóm G5+1.
Điều này thể hiện rõ khi giá vàng trong nước có những lúc chênh lệch đến 4 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới, gây thiệt hại cho người dân mua vàng giá cao và lợi ích đó rơi vào túi của nhóm G5+1. Vai trò của NHNN là phải điều tiết làm sao để đưa 2 mức giá này sát lại với nhau.
Vàng là một kênh đầu tư nên rủi ro là điều đương nhiên. Không chỉ rủi ro nếu giá vàng thế giới có thể giảm mà người mua vàng còn đối mặt với rủi ro về cách điều hành giá vàng trong nước. Trên thị trường hiện nay, số người mua vàng cất trữ không lớn nhưng số lượng người đầu tư, mua đi bán lại vàng rất lớn.
Do vậy, Nhà nước phải tính đến chuyện tạo sân chơi cho những người mua đi bán lại vàng. Họ chỉ cần xem xét giá vàng thế giới và nhìn giá vàng tại Việt Nam. Khi giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới họ bán ra, giá vàng thế giới xuống thấp họ mua vào…
Thực tế, giới đầu tư chứng khoán, bất động sản chuyển sang gia nhập thị trường vàng khá đông trong bối cảnh hai thị trường trên không còn tạo ra lợi nhuận.
- Xin cảm ơn ông.