Năm 2012 đã đi qua, song những khó khăn của năm cũ chưa hết, đặt ra nhiều thách thức đối với kinh tế các châu lục năm 2013, đòi hỏi việc hoạch định chính sách của các quốc gia phải có những bước đi hợp lý, đưa nền kinh tế vững vàng trên con đường hồi phục.
Sự trỗi dậy ngọt ngào của châu Phi
Trong khi thế giới đang phải vật lộn chống chọi lại những cơn bão của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tại châu Phi nhiều quốc gia được tận hưởng “hương vị ngọt ngào“ của giai đoạn tăng trưởng kinh tế chưa từng có trong nhiều thập niên qua: 6/10 nước có tốc độ phát triển nhanh nhất trong năm 2012 đến từ lục địa đen.
Khai thác vàng ở Nam Phi. |
Nợ nước ngoài trung bình của khu vực đã giảm từ 63% GDP năm 2000 xuống 22,2% năm 2012, lạm phát bình quân giảm còn 8% từ mức 15% vào năm 2000. Về dài hạn, xu hướng tăng trưởng tích cực vẫn được duy trì trong những năm tiếp theo vì châu Phi có các thế mạnh về vị trí địa lý, các nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào và các yếu tố về dân số.
Năm 2012, tốc độ tăng trưởng bình quân GDP của toàn bộ khu vực ở mức 6%. Định hướng cởi trói nền kinh tế nội địa và thúc đẩy tiến trình hội nhập khu vực, thay vì tiếp tục lệ thuộc vào sự thống trị của châu Âu và Bắc Mỹ, đang phát huy hiệu quả rõ rệt.
Các nước châu Phi khu vực cận Sahara đang tăng cường theo đuổi các chính sách thân thiện với các nước láng giềng. Chính sách này đã phát huy hiệu quả và giúp tăng trưởng thương mại của các nước châu Phi khu vực cận Sahara từ 7% vào năm 1990 lên gần 20% vào năm 2012.
Châu Á giảm áp lực lạm phát
Năm 2012 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm, châu Á vẫn là khu vực có tốc độ phát triển cao 6% và mức tăng trưởng này sẽ khả quan hơn với khoảng 6,6% trong năm 2013.
Tuy nhiên, 2 quốc gia đông dân nhất khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ, dù đã có sự điều chỉnh tốc độ tăng trưởng trước đây được coi là “nóng”, nhưng vẫn có sự suy giảm cùng với sự suy giảm kinh tế toàn cầu.
Kinh tế châu Á năm 2013 được dự báo sẽ sáng sủa. |
Tăng trưởng của Đông Á được dự báo ở mức 6,5% trong năm 2012 và tăng lên 7,1% trong năm 2013. Khu vực Đông Nam Á được cho là ổn định hơn cả khi áp lực lạm phát đang dịu xuống.
Nhìn chung nền kinh tế châu Á tương đối sáng sủa. Tăng trưởng yếu làm dịu áp lực lạm phát, với dự báo khoảng 3,9-4% trong năm 2012 và 2013.
Lạm phát nhìn chung được kiểm soát nhưng giá hàng hóa tăng cao gần đây là một mối quan ngại. Châu Á cần tìm thêm nguồn lực phát triển mới như đẩy nhanh công cuộc tái cân bằng, cải thiện năng suất và nâng cao hiệu quả.
Châu Âu không quá u ám
Những thống kê mới nhất cho thấy kinh tế châu Âu không đến nỗi quá u ám. Châu Âu nếu như vẫn tiếp tục khó khăn trong năm 2013, cũng đã nhìn ra những điều kiện cần để thoát khỏi khủng hoảng. Đó là nội dung toát lên trong các diễn văn đầu năm của lãnh đạo các quốc gia châu Âu.
Thất nghiệp khu vực Eurozone đang có dấu hiệu giảm. |
Lạc quan nhất là Tổng thống Pháp: “Khối các quốc gia sử dụng đồng tiền chung đã được cứu, châu Âu đã thiết lập được cơ chế bình ổn và tăng trưởng”.
Bi quan nhất lại là thủ tướng của nền kinh tế mạnh nhất châu Âu, bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức, khi cho rằng: “Chúng ta cần kiên nhẫn thêm một thời gian nữa, cuộc khủng hoảng còn lâu mới kết thúc”.
Ông Mariano Rajoy, Thủ tướng Tây Ban Nha, phát biểu: “Chúng ta sẽ có một năm rất khó khăn, phải kiên trì cải cách và sẽ tiến triển vào cuối năm 2013”. Thủ tướng Anh David Cameron cũng bày tỏ: “Chúng ta hướng tới tương lai một cách thực tiễn và lạc quan.
Thực tiễn không thể có giải pháp thần kỳ nhưng chúng ta cũng cần lạc quan”. Ông Herman Van Rompuy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, nói: “Tôi hoàn toàn tin rằng những cố gắng mà chúng ta tiến hành trong năm 2012 sẽ mang lại kết quả và tương lai tốt đẹp hơn”.
Mỹ Latin vượt khủng hoảng
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng tiêu cực nhưng không tới mức “kịch tính” tại Mỹ Latin và khu vực này đã chứng tỏ khả năng vượt qua tác động của khủng hoảng từ bên ngoài. Điều này được thể hiện khi kinh tế Mỹ Latin năm 2012 đạt tăng trưởng 3,1%, cao hơn so với mức dự kiến 2,2%.
Xuất khẩu cà phê ở Brazil. |
Trong số các “điểm sáng” của kinh tế Mỹ Latin và Caribe năm 2012 phải kể đến việc tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đô thị giảm từ 6,7% năm 2011 xuống 6,4%, trong khi đầu tư tăng bình quân 4%, đặc biệt một số nước như Chile, Bolivia, Ecuador, Peru, Uruguay và Venezuela đạt mức tăng trên 10%.
Nhiều dự báo Mỹ Latin và Caribe sẽ đạt tăng trưởng 3,8% trong năm 2013 do kinh tế Brazil và Argentina phục hồi và một số nước tại khu vực duy trì được nhu cầu tiêu thụ nội địa. Các nước đạt mức tăng trưởng cao nhất trong năm 2013 là Paraguay (8,5%), Panama (7,5%), Peru (6%), Haiti (6%), Bolivia (5%), Guyana (4,9%), Chile (4,8%)...
Trong khi đó, 3 nền kinh tế lớn nhất khu vực là Brazil, Mexico và Argentina sẽ đạt lần lượt 4%; 3,5% và 3,9%.
(Tổng hợp)