2015: Dự báo kinh tế thế giới

Năm 2014 dường như khá u ám vì sự ì ạch của cỗ xe kinh tế toàn cầu, cùng với sự trỗi lên của thế lực Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và dịch Ebola bùng phát. Liệu năm nay mọi sự sẽ sáng sủa hơn? ĐTTC tổng hợp 5 dự báo hàng đầu nền kinh tế thế giới 2015.

Năm 2014 dường như khá u ám vì sự ì ạch của cỗ xe kinh tế toàn cầu, cùng với sự trỗi lên của thế lực Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và dịch Ebola bùng phát. Liệu năm nay mọi sự sẽ sáng sủa hơn? ĐTTC tổng hợp 5 dự báo hàng đầu nền kinh tế thế giới 2015.

Trung Quốc giảm tốc, EU chật vật

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ tiếp tục giảm tốc do các chính sách hỗ trợ từ chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ không đủ để vực dậy tăng trưởng. HIS dự báo kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc còn 6,5% trong năm 2015, trong khi Conference Board dự báo mức tăng 5,5% giai đoạn 2015-2019. Goldman Sachs dự báo Trung Quốc tăng 7% trong năm nay. IMF, Ngân hàng UBS và hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Rating cùng dự báo Trung Quốc sẽ tăng 6,8% trong năm nay.

Dù dự báo tiếp tục chật vật trong năm nay, nhưng nền kinh tế khu vực Eurozone dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ sự kết hợp giữa giá dầu giảm sâu, đồng EUR yếu, những thách thức về tài khóa giảm bớt, sức ép từ nợ nước ngoài nhẹ đi và chính sách tiền tệ nới lỏng. IHS dự báo kinh tế Eurozone sẽ tăng 1,4% trong năm 2015. Trong khi đó, hãng nghiên cứu Conference Board dự báo GDP Eurozone tăng 1,6%; BofA Merrill Lynch dự báo mức tăng 1,2%. Cá biệt, Goldman Sachs chỉ dự báo mức tăng 0,9% cho khu vực này.

Tại Nhật Bản, các nhà phân tích tin rằng chính sách nới lỏng của Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) và gói kích thích khổng lồ của Chính phủ nước này, cùng với giá năng lượng thấp, sẽ là những yếu tố đưa nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới trở lại với tăng trưởng trong năm nay. IHS dự báo GDP Nhật Bản sẽ tăng 1% năm nay; Goldman Sachs dự báo mức tăng 0,9%.

 Vẫn nhiều điểm nóng

Năm 2015 vẫn tồn tại nhiều điểm nóng. Dự báo  quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây vẫn chưa lắng dịu. Kinh tế Nga sẽ đuối so với các nền kinh tế mới nổi khác do tác động tiêu cực của lệnh trừng phạt, giá dầu lao dốc và sự tháo chạy của các dòng vốn. Trong khi đó, mối nguy đến từ IS và chủ nghĩa khủng bố vẫn tiếp tục lan rộng. Dù đã làm suy giảm sức mạnh của nhóm này tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng ở Syria, Iraq, song chiến dịch không kích do Hoa Kỳ cầm đầu chưa thể xóa sổ IS ra khỏi bản đồ thế giới.

Ngoài ra, một mối nguy khác đang hiện hữu là việc các chiến binh tham gia chiến đấu cùng IS đang quay trở về nhà ở châu Âu, Bắc Mỹ cũng như các quốc gia phương Tây khác để âm mưu tấn công khủng bố.

Tại châu Á, sự gây hấn của Trung Quốc khiến nhiều người lo ngại. Những tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới đang phần nào phản ánh vấn đề trong khu vực. Với thế giới, sự leo thang căng thẳng giữa các đối thủ ở Đông Á là một mối nguy hại với chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu bởi vị trí quan trọng mà các quốc gia này án ngữ trong hệ thống vận tải quốc tế.

Hoa Kỳ hồi phục

Đa số dự báo đều tin rằng Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn các nền kinh tế hàng đầu khác nhờ nhu cầu thị trường nội địa mạnh lên, đặc biệt nhu cầu tiêu dùng. Hãng nghiên cứu IHS dự báo nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng 2,5-3% trong năm 2015. Ngân hàng BofA Merrill Lynch dự báo GDP Hoa Kỳ tăng trưởng 3,3% và toàn cầu tăng 3,7% trong năm 2015; khu vực kinh tế mới nổi tăng 4,5%; chỉ số S&P 500 Index của chứng khoán Hoa Kỳ sẽ đạt 2.200 điểm.

Goldman Sachs dự báo GDP Hoa Kỳ tăng 3,1% trong năm nay; toàn cầu tăng 3,4%, trong đó khu vực đang phát triển tăng 4,9% và các nước phát triển tăng 2,2%. Báo Economist dự kiến tăng trưởng 3% ở Hoa Kỳ, trong khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo mức tăng 3,6%. Tuy nhiên, thế giới vẫn thiếu một thế lực đủ uy tín để dẫn dắt toàn cầu, theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).

 Nhiều ngân hàng trung ương tăng lãi suất

FED, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), và Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) được IHS dự báo sẽ bắt đầu tăng lãi suất trở lại trong năm 2015, tương ứng vào tháng 6, 8 và 10, ngoại trừ trường hợp có sự giảm mạnh trong tốc độ lạm phát. Ngược lại, ECB, BOJ, và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) được nhận định sẽ hạ thêm lãi suất và/hoặc bơm thêm thanh khoản vào thị trường thông qua việc mua tài sản cùng với các công cụ khác.

Việc các ngân hàng trung ương lớn tăng lãi suất trong bối cảnh giá hàng hóa cơ bản tụt dốc và tăng trưởng toàn cầu yếu ớt, các yếu tố giảm phát đang xuất hiện mạnh nhất ở các nền kinh tế phát triển.

Dầu tiếp tục giảm, USD vẫn là vua

BofA Merrill Lynch dự báo giá dầu thô Brent và WTI lần lượt ở mức 77USD/thùng và 72USD/thùng vào năm nay; Morgan Stanley dự báo mức giá 43USD/thùng. Trong khi đó, IHS dự báo giá cả của các loại hàng hóa cơ bản, trong đó có dầu thô, sẽ giảm bình quân 10% trong năm tới do sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc.

USD sẽ tiếp tục mạnh lên nhờ triển vọng tăng trưởng khả quan của nền kinh tế Hoa Kỳ và kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang (FED) tăng lãi suất. Trong khi đó, khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tăng cường bơm thanh khoản vào thị trường đồng nghĩa với việc cả đồng EUR và yen sẽ tiếp tục xuống giá trong năm 2015.

IHS dự tỷ giá EUR/USD sẽ giảm về ngưỡng 1,15-1,2USD/EUR trước mùa thu năm nay, còn USD/yen sẽ giao dịch trong khoảng 120-125yen/USD trong năm tới. BofA Merrill Lynch dự báo tỷ giá EUR/USD là 1,2USD ăn 1EUR vào cuối năm 2015.

Các tin khác