Thiên thời
Lãi suất trên toàn thế giới dự báo được giữ ở mức thấp trong một thời gian dài để kích thích kinh tế. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) gần như chắc chắn không tăng lãi suất cho đến ít nhất giữa năm 2022. Ngoài ra Mỹ cũng sẽ bơm tiền mạnh qua các gói kích thích tài khóa.
Đồng USD vì vậy sẽ rất khó tăng giá, thậm chí như điều đang xảy ra trong những tháng qua là giảm giá. Chỉ số Dollar Index tính từ đầu năm đã giảm 5,8%, còn tính từ mức đỉnh xác lập vào tháng 3 đã giảm 11,8% xuống sát 90 điểm, mức thấp nhất 2,5 năm.
Đồng USD yếu sẽ làm VNĐ yếu đi so với các đồng tiền khác, đặc biệt là đồng nhân dân tệ (CNY), giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh hàng Việt Nam xuất khẩu mà không phải chủ động điều chỉnh cặp tỷ giá VNĐ/USD. Tính từ đầu năm, đồng CNY đã lên giá 6,9% so với VNĐ.
Địa lợi
Địa lợi
Việc giảm lãi suất là nhu cầu tất yếu của nền kinh tế trong bối cảnh 2 cân đối vĩ mô quan trọng là lạm phát và tỷ giá của Việt Nam được dự báo sẽ rất ổn định. |
Trong đó, với lương thực là nước nông nghiệp và xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động trong việc ổn định giá lương thực thông qua kiểm soát hạn ngạch xuất khẩu và bình ổn giá. Giá gạo tăng đầu năm 2020 do nhu cầu nhập khẩu lớn của các nước bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng sau đó đã giảm nhanh.
Về thực phẩm, giá lợn giống có xu hướng giảm trong khi giá thịt lợn hơi còn tương đối cao đã thúc đẩy ngành chăn nuôi lợn. Ước tính tổng số lợn trong tháng 11-2020 đã tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lý do chính khiến giá thịt lợn giảm kể từ giữa năm.
Còn với năng lượng, giá dầu thế giới sẽ rất khó tăng do nhu cầu đi lại trong thời gian dịch bệnh thấp. Trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn hay xuất hiện các bất ổn địa chính trị tại Trung Đông, sản xuất dầu đá phiến Mỹ và thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC sẽ ngay lập tức được nới lỏng khiến giá dầu hạ nhiệt.
Tỷ giá VNĐ chắc chắn được giữ ổn định nhờ nguồn cung USD dồi dào. Sự thay đổi của cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển kinh tế tư nhân đã giúp gia tăng giá trị xuất siêu trong 5 năm qua, từ đó kéo nguồn cung USD.
Năm 2020 dự báo NHNN sẽ mua thêm 15 tỷ USD cho dự trữ ngoại hối, nâng giá trị dự trữ lên 95 tỷ USD. Với xu hướng như hiện nay, dự trữ ngoại hối sẽ vượt 100 tỷ USD trong năm 2021.
Thanh khoản hệ thống ngân hàng - công cụ thường thấy của NHNN khi điều tiết thanh khoản hệ thống ngân hàng là thị trường mở. Tuy nhiên, NHNN còn có công cụ hữu hiệu khác là hạn mức tín dụng.
Theo đó, từ bài học đắt giá được rút ra trong cuộc khủng hoảng 2008-2010, NHNN đã bắt đầu áp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng NH kể từ năm 2012. Tăng trưởng huy động và tín dụng nhờ vậy đã trở nên cân bằng hơn, tác động trực tiếp đến thanh khoản hệ thống.
Trong những năm gần đây, tăng trưởng tín dụng có xu hướng giảm dần, nhưng tăng trưởng kinh tế lại ngày một cải thiện. Đây là minh chứng cho thấy mô hình tăng trưởng chỉ dựa vào kích cầu thông qua bơm tín dụng như 2008-2010 hoàn toàn sai lầm.
Kích cầu hay nới lỏng tiền tệ trong thời gian tới sẽ tập trung vào giảm lãi suất và hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên (sản xuất, nông nghiệp, xuất khẩu…). Mục tiêu tăng trưởng tín dụng vì vậy được sử dụng với sứ mệnh chính là ổn định thanh khoản để giảm và giữ lãi suất ở mức thấp. Mô hình tăng trưởng dựa vào kích cung, thông qua nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường (đặc biệt thị trường xuất khẩu), sẽ là chìa khóa tăng trưởng cho Việt Nam trong tương lai.
Với lãi suất thấp, hàng hóa Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh tốt hơn. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), lãi suất cho vay trung bình tại Việt Nam trong năm 2019 là 7,71%, tại Trung Quốc chỉ 4,35%, trong khi lạm phát tại 2 nước tương đương 2,8 và 2,9%.
Nhân hòa
Trong nhiều năm qua, chính sách tiền tệ đã luôn đi đúng hướng trong nhiệm vụ kép vừa ổn định vĩ mô vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Giảm dần chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ 17% trong năm 2017 xuống 14% trong năm 2019 là minh chứng.
Với lãi suất, mặc dù thông điệp của NHNN là “điều hành linh hoạt”, nhưng qua những động thái thực tế có thể tự tin chính sách tiền tệ sẽ đi theo hướng giảm và giữ lãi suất ở mức thấp trong thời gian dài, thậm chí sẽ có một “bình thường mới” của mặt bằng lãi suất.
Về phía doanh nghiệp lãi suất giảm là tin vui. Với tổng dư nợ của cả nền kinh tế hơn 10 triệu tỷ đồng, chỉ cần giảm lãi suất 1%, các doanh nghiệp đã tiết kiệm được tới 100.000 tỷ đồng, bằng 50% số trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm 2020.
Về phía người dân, việc giảm lãi suất sẽ có tác động 2 chiều. Chiều có lợi là giảm chi phí vay mua nhà hay tiêu dùng, tạo điều kiện cho người dân có được cuộc sống dễ chịu hơn. Ở chiều ngược lại là giảm thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm.
Giảm thu nhập do giảm lãi suất sẽ khó bù đắp ngay bằng đầu tư nhưng về lâu dài, việc dịch chuyển dòng vốn từ tiết kiệm sang đầu tư là tất yếu. Điều này đặt ra nhu cầu cấp thiết phải có thị trường vốn đủ lớn để hấp thụ luồng tiền tiết kiệm, nếu không luồng tiền này sẽ bị hút vào các kênh đầu tư mạo hiểm, tạo ra các hệ lụy khó lường.
Thị trường vốn cũng có điều kiện thuận lợi với mặt bằng lãi suất thấp. Tuy nhiên với hạ tầng thị trường trái phiếu còn quá sơ khai, sản phẩm cũng như mức độ hiểu biết của người dân/nhà đầu tư về trái phiếu cũng như các sản phẩm chứng chỉ quỹ còn thấp, thị trường vốn đang tỏ ra chậm chân để chớp được thời cơ này.
Dù vậy, sự hụt đi của nguồn thu tiết kiệm sẽ được bù đắp bằng lợi ích lớn hơn từ tăng trưởng kinh tế, kéo theo gia tăng thu nhập và việc làm. Với đặc thù dân số trẻ, tỷ trọng người trong độ tuổi lao động lớn, đời sống người dân sẽ ở chiều hướng tốt lên.