CỘNG ĐỒNG KINH TẾ CHUNG ASEAN

AEC-Trên khẩn trương, dưới thờ ơ

Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) là một trong những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất thời gian gần đây, từ cấp Chính phủ đến các bộ, ban, ngành trong việc triển khai; báo chí vào cuộc thông tin mạnh mẽ. Thế nhưng, đối với nhiều doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN nhỏ và siêu nhỏ vẫn tỏ ra thờ ơ trước sự kiện AEC sẽ  ra đời trong năm 2015.

Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) là một trong những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất thời gian gần đây, từ cấp Chính phủ đến các bộ, ban, ngành trong việc triển khai; báo chí vào cuộc thông tin mạnh mẽ. Thế nhưng, đối với nhiều doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN nhỏ và siêu nhỏ vẫn tỏ ra thờ ơ trước sự kiện AEC sẽ  ra đời trong năm 2015.

Gần 80% DN chưa quan tâm

Khi được hỏi về AEC, giám đốc một DN may mặc nhỏ ở quận 12 (TPHCM) cho hay ông không quan tâm nhiều đến thông tin này. Với quy mô vài chục công nhân, DN ông làm đến đâu hay đến đó, bàn đến chuyện cạnh tranh lúc này quá xa vời. “Cải tiến máy móc, nâng cao tay nghề công nhân, làm thương hiệu tôi chưa nghĩ đến vì vốn đâu ra mà làm” - ông bộc bạch.

Thực ra, không chỉ riêng vị giám đốc này mà rất nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ không hề biết những thông tin liên quan đến AEC. Nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước gần đây đã chỉ ra con số đáng báo động: trên 60% DN Việt Nam chưa quan tâm đến AEC.

Một số DN lớn có tầm hoạt động ở khu vực Đông Nam Á sẽ có nhiều thuận lợi khi cánh cửa hội nhập mở rộng. Ngược lại, khi tham gia AEC, đối tượng bị tổn thương nhiều nhất là DNNVV. Vì thế khu vực này cần đẩy mạnh tìm hiểu và nâng cao năng lực, xây dựng chiến lược mới để tạo ra lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh rào cản thuế quan sẽ về 0% vào cuối năm 2015.

Ông Trần Thanh Hải,
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương

Tại buổi đối thoại trực tuyến do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào giữa tháng đầu tiên của năm 2015, Chủ tịch Hội DN trẻ Hà Nội Lê Đức Sơn cho biết một khảo sát của Hội đã phát hiện có đến 80% DN được hỏi không hề quan tâm đến hội nhập, trong khi chỉ 20% DN quy mô lớn có quan tâm. Một khảo sát khác của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy có tới 60% DN không biết gì về AEC.

Nói về sự thờ ơ của DN trước sân chơi chung này, ông Nguyễn Ngọc Luận, Chủ tịch HĐQT Vietstarwindow, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn - ASEAN, chia sẻ: “Cuối năm 2015 AEC sẽ chính thức thành lập, nhưng tới nay hầu hết DN vẫn còn rất lơ mơ về sự kiện quan trọng này. Chỉ 30% DN hiểu biết đủ về AEC để lên kế hoạch kinh doanh. Đặc biệt, các DNNVV hầu như không biết gì về lộ trình khi Việt Nam tham gia AEC”.

AEC có 4 đặc trưng chủ yếu: thị trường đơn nhất và không gian sản xuất chung; khu vực kinh tế có khả năng cạnh tranh cao; khu vực có sự phát triển kinh tế cân bằng và hội nhập toàn diện nền kinh tế toàn cầu. Để chuẩn bị cho việc thành lập AEC vào năm 2015, tại hội nghị cấp cao lần thứ 14 ở Thái Lan năm 2009, các nước thành viên ASEAN đã thống nhất ký Hiệp định thương mại hàng hóa trong ASEAN (ATIGA), có hiệu lực từ ngày 17-5-2010.

Theo đó, các nước ASEAN-6 (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) xóa bỏ thuế suất đối với 100% dòng thuế thuộc danh mục thông thường; các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) cũng đang trong quá trình chuẩn bị đưa thuế suất về 0% đối với 93% danh mục thông thường từ năm 2015. Riêng đối với Việt Nam, để thực hiện ATIGA, chúng ta đã cắt giảm 6.859 dòng thuế (chiếm 72% tổng số trong biểu thuế xuất nhập khẩu) xuống thuế suất 0%.

Đặc biệt từ ngày 1-1-2015, Việt Nam tiếp tục đưa thêm 1.720 dòng thuế (khoảng 18% tổng số dòng thuế) xuống thuế suất 0%. Số còn lại bao gồm 687 dòng thuế (chiếm 7% biểu thuế) sẽ xuống 0% vào năm 2018, chủ yếu các mặt hàng như ô tô, xe máy, phụ tùng linh kiện ô tô - xe máy; sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa; dầu thực vật, hoa quả nhiệt đới; tủ lạnh, máy điều hòa; bánh kẹo; thức ăn gia súc; sản phẩm nhựa, phôi thép, lốp ô tô; tàu thuyền…

Mặt hàng xăng dầu có lộ trình riêng. Như vậy, từ năm 2015 thuế của hầu hết ngành hàng nhập từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ giảm về 0%.

Thách thức nhiều hơn cơ hội

Nói đến cơ hội từ AEC, điều đầu tiên được nhắc đến là thị trường chung với hơn 600 triệu dân và GDP hàng năm khoảng 2.000 tỷ USD của 10 nước thành viên. Không dừng lại ở thị trường rộng mở đó, việc ASEAN ký kết hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia - New Zealand, Ấn Độ… sẽ mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường rộng lớn hơn. Song hành với những cơ hội giao thương, việc AEC được hình thành sẽ thu hút một lượng lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài vào 10 nước thành viên.

Lúc này, các nhà đầu tư lớn sẽ nhìn ASEAN như một sân chơi chung, một công xưởng chung có nguồn nhân lực với mức giá tương đối rẻ. Ngay những ngày đầu năm 2015 này, một số báo chí quốc tế đã đưa thông tin xung quanh việc Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư vào khu vực Đông Nam Á.

Theo phân tích của một số chuyên gia, cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc với khu vực sẽ phát triển mạnh hơn khi AEC thành lập vào cuối năm nay. Không chỉ Nhật Bản, Trung Quốc cũng tỏ rõ tham vọng thúc đẩy quan hệ với ASEAN với mục tiêu đẩy mạnh thương mại song phương từ 444 tỷ USD của năm 2013 lên 1.000 tỷ USD vào năm 2020…

Điểm yếu của Việt Nam khi gia nhập AEC nằm ở chính hệ thống DN không chỉ lạc hậu về công nghệ, năng suất thấp, sức cạnh tranh kém, lao động trình độ thấp, quản trị kém… mà nhiều DNNVV dù đã nghe nói nhiều về AEC nhưng cụ thể như thế nào chưa biết rõ, chỉ thấy cờ thì “phất lung tung”.

TS. Võ Trí Thành

Cơ hội nhiều nhưng thách thức đối với DN Việt Nam cũng không ít. Trước hết phải nhìn nhận AEC tạo ra một thị trường có sự tương đồng ở mức cao của các nền kinh tế ASEAN. Tuy nhiên, hiện đang có sự chênh lệch khá lớn về trình độ phát triển của nhóm nước CLMV so với các nước ASEAN-6, thể hiện ở quy mô vốn của nền kinh tế và DN, trình độ khoa học kỹ thuật, tay nghề lao động.

Do vậy, khi AEC được thành lập chắc chắn DN Việt Nam sẽ chịu sức ép cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu, sản phẩm, dịch vụ, đầu tư của các DN có tiềm lực lớn, kinh nghiệm lâu năm trong ASEAN như Singapore, Malaysia, Indonesia… Sức ép lớn trong khi sự chuẩn bị quá khiêm tốn, nhiều DN, nhất là DNNVV và siêu nhỏ có thể bị sốc khi chỉ nỗ lực tồn tại hơn là tận dụng cơ hội để vượt qua thách thức.

Ông Nguyễn Ngọc Luận nhìn nhận khả năng chống đỡ các cú sốc của DN Việt Nam rất kém do thiếu chiến lược dài hạn; cơ quan chức năng cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong lựa chọn đối tượng, phương thức để hỗ trợ DN; khả năng phổ biến pháp luật của Việt Nam yếu, do hạn chế kinh phí và sự quan tâm của cơ quan quản lý chưa nhiều.

Với thực tế trên, hiện nay có nhiều quan ngại xung quanh việc nền sản xuất của Việt Nam có thể bị bóp nghẹt và như vậy, nếu chỉ còn tiêu dùng nền kinh tế không thể phát triển. Nhiều ý kiến cảnh báo nếu hàng Việt Nam không phát triển trên chính thị trường của mình làm sao đủ sức lấn sang thị trường hơn 600 triệu dân.

Không phủ nhận hiện có nhiều DN Việt đang đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ, nghiên cứu phát triển sản phẩm nhưng con số đó còn quá ít ỏi, chỉ chiếm chưa tới 30% tổng số DN. Và khi dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào AEC nói chung và Việt Nam nói riêng, liệu chúng ta sẽ tận dụng cơ hội này như thế nào vẫn đang là vấn đề đáng quan tâm.

Tạo dựng niềm tin

Trong khi những thông số liên quan đến cộng đồng DN rất đáng quan ngại, sự chuẩn bị của Chính phủ, các bộ, ban ngành cho AEC đang rất khẩn trương. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết tại buổi đối thoại trực tuyến do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, Việt Nam và Singapore đạt hơn 90 điểm trong thang điểm 100 về thực hiện các biện pháp ưu tiên cho hội nhập AEC, cao nhất trong ASEAN. Điểm số trung bình của ASEAN là 82.

Nói về niềm tin hội nhập ông Tú cho rằng: “Chúng ta hãy nhìn vào khối lượng công việc khổng lồ đã làm, từ không đến có để có niềm tin hội nhập”. Một vài thí dụ được Thứ trưởng đưa ra, như trước đây hàng hóa Trung Quốc tràn ngập Việt Nam, nhưng nay bia Trung Quốc không còn cửa ở Việt Nam; đường Thái Lan cũng bị đánh bạt.

“Khó khăn, thách thức là có, nhưng cơ hội cũng nhiều, đặc biệt là cơ hội để chúng ta học hỏi, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng quản trị DN. Hạ tầng xã hội, gồm cả hạ tầng cứng (giao thông, logistics), hạ tầng mềm (hệ thống hành chính, quản trị) sẽ phải thay đổi để thích nghi và phát triển” - ông Tú khẳng định.

Với các DN, một khuyến cáo quen thuộc là cần tìm hiểu kỹ thuế suất đối với sản phẩm của ngành mình, của Việt Nam dành cho nước ngoài và của nước ngoài dành cho Việt Nam; khả năng cạnh tranh từ các đối tác nước ngoài, quy tắc xuất xứ cần đáp ứng…

Ngoài ra, để hưởng được các ưu đãi về thuế suất, DN cần tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu của ngành, giảm thiểu phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài, tăng cường đầu tư và phát triển công nghiệp hỗ trợ, đầu tư vào các vùng trồng cây nguyên liệu…

Song hành với đó, DN cũng cần tăng cường mối quan hệ hợp tác với các nhà sản xuất nước ngoài có công nghệ tiên tiến; quan tâm đào tạo nguồn lực đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường; xây dựng chiến lược phát triển liên kết nội khối tạo chuỗi sản xuất để có khả năng nhận những đơn hàng lớn.

Sức ép cạnh tranh khi trình độ khoa học và tay nghề lao động của các DNNVV còn quá chênh lệch so với các nước trong ASEAN.

Sức ép cạnh tranh khi trình độ khoa học và tay nghề lao động của
các DNNVV còn quá chênh lệch so với các nước trong ASEAN.

Hiện nay, một số DN có tiềm lực đã chuẩn bị sẵn một đội ngũ luật sư, tư vấn chuyên tìm hiểu những thông tin liên quan đến ngành nghề sản xuất của DN mình để tận dụng các mức thuế ưu đãi. Còn với các DN khác cần sử dụng các dịch vụ tư vấn, hợp tác với các văn phòng luật để tìm hiểu thông tin cũng như được tư vấn kịp thời. Việc tìm kiếm sự trợ lực từ Nhà nước cũng như các cơ quan chức năng là cần nhưng chưa đủ.

Việt Nam đang hướng đến nền kinh tế thị trường, theo đó, sự tự lực của DN là yếu tố then chốt để hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới. 

Các tin khác