Nếu nhìn nhận hoạt động đầu tư chứng khoán là lĩnh vực “kinh doanh có điều kiện”, thì phải được các doanh nghiệp (DN) đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh. Tuy nhiên, tìm hiểu về lĩnh vực hoạt động kinh doanh trên các báo cáo thường niên của các DN niêm yết không tìm thấy lĩnh vực kinh doanh chứng khoán được cơ quan nào cấp phép. Phải chăng các DN này đang hoạt động kinh doanh trái luật hoặc kinh doanh lĩnh vực không được phép?
DN được kinh doanh chứng khoán?
Lấy đơn cử một DN lớn trên thị trường chứng khoán (TTCK) là Vinamilk (mã VNM), rất dễ dàng nhìn thấy hoạt động kinh doanh chứng khoán rất sôi động và chiếm một lượng vốn đáng kể. Thế nhưng, trong thuyết minh báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2012, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn trị giá trên 1.000 tỷ đồng có đến hơn 100 tỷ đồng đầu tư vào chứng khoán niêm yết và chưa niêm yết; đầu tư tài chính dài hạn có gần 200 tỷ đồng đầu tư vào chứng khoán niêm yết…
Chính phủ nên xem xét chấn chỉnh lại hoạt động kinh doanh chứng khoán bằng việc chấn chỉnh lại hoạt động của các DN, muốn kinh doanh chứng khoán phải được ủy thác vốn đầu tư vào các công ty quản lý quỹ. Đưa đối tượng công ty đầu tư tài chính vào đối tượng hoạt động như công ty quản lý quỹ. |
Theo Điều 29 Khoản 1 Mục b của Luật Đầu tư 2005 có quy định: “Lĩnh vực kinh doanh có điều kiện” là lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Chiếu theo điều khoản này DN phải được sự chấp thuận của một cơ quan trong lĩnh vực chuyên ngành mới được hoạt động.
Luật Chứng khoán 2006 và sửa đổi 2010, tại Điều 2 nêu rõ: Hoạt động kinh doanh chứng khoán là “lĩnh vực kinh doanh có điều kiện”, các tổ chức tham gia đầu tư chứng khoán phải chịu sự quản lý bởi Luật Chứng khoán.
Tuy nhiên, Luật Chứng khoán lại không có một hướng dẫn nào khác đề cập đến các DN kinh doanh chứng khoán sẽ bị quản lý như thế nào. Thực ra đây là lĩnh vực không cấm nhưng là loại hình kinh doanh có điều kiện, nhưng điều kiện này chưa được hướng dẫn chi tiết.
Tại Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 24 “Báo cáo luân chuyển tiền tệ” (VAS 24), có liệt kê các dòng tiền vào và ra đối với hoạt động đầu tư của một DN, trong đó không có đề cập đến dòng tiền thu vào và dòng tiền chi ra khi DN chi tiền mua cổ phiếu hoặc thu về do bán cổ phiếu.
Vậy dòng tiền này nếu có phát sinh không được đưa vào dòng tiền đầu tư? Thế nhưng, báo cáo tài chính của các DN niêm yết có hoạt động đầu tư tài chính lại đưa dòng tiền thu chi này vào dòng tiền đầu tư. Phải chăng các DN này phát sinh một nghiệp vụ mới mà chuẩn mực kế toán chưa lường trước?
Có thể thấy, xuyên suốt trong Luật Đầu tư đến Chuẩn mực kế toán Việt Nam đều nhất quán không xem hoạt động kinh doanh chứng khoán là hoạt động của các DN. Chính vì vậy, các DN đầu tư kinh doanh chứng khoán ngắn hạn hay dài hạn đều vi phạm pháp luật và điều lệ công ty.
Năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2010, hướng dẫn các cổ đông và nhóm cổ đông chỉ cần sở hữu ít nhất 1% cổ phần của công ty, có thể khởi kiện các nhà quản lý khi thực hiện kinh doanh trái pháp luật và điều lệ công ty gây tổn thất cho DN, cho cổ đông công ty. Nhưng cho đến nay chẳng thấy cổ đông hay nhóm cổ đông nào kiện DN vì hoạt động đầu tư chứng khoán.
Các công ty chuyên ngành mất tác dụng
![]() |
Hoạt động kinh doanh đầu tư chứng khoán là lĩnh vực kinh doanh phải chịu chi phối của Luật Chứng khoán, các công ty hoạt động trực tiếp trên TTCK là các công ty chứng khoán (CTCK) và công ty quản lý quỹ. Điều 60 và 61 của Luật Chứng khoán 2006 và sửa đổi năm 2010 quy định về nghiệp vụ kinh doanh của 2 chủ thể này.
Theo đó, hoạt động đầu tư chứng khoán thì CTCK được phép tự doanh chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán; đối với công ty quản lý quỹ được quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán.
Như đã phân tích, một DN sản xuất kinh doanh tham gia đầu tư kinh doanh chứng khoán như đề cập trên là họ tự tham gia đầu tư, không cần thiết thực hiện nghiệp vụ tư vấn của CTCK hay phải thông qua công ty quản lý quỹ đầu tư. Hơn nữa, bản thân DN đi đầu tư kinh doanh chứng khoán sẽ tốt hơn khoản tự doanh của CTCK, vì hoạt động tự doanh của CTCK bị ràng buộc bởi chứng chỉ hành nghề, quy mô vốn và mức độ đầu tư, trong khi DN tham gia vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh chứng khoán sẽ không có bất kỳ rào cản nào.
Chính các DN trong nền kinh tế tự tham gia kinh doanh chứng khoán vô hình trung đã đè bẹp hoạt động của CTCK và công ty quản lý quỹ, CTCK chỉ trông chờ vào hoạt động môi giới chứng khoán mà không thể tư vấn đầu tư hay trông chờ vào tự doanh.
Trong nền kinh tế còn có một loại hình công ty khác là công ty đầu tư tài chính. Công ty đầu tư tài chính tham gia đầu tư tài chính nhưng lại không nằm trong đối tượng quản lý của Luật Chứng khoán hiện hành, trong các lĩnh vực đăng ký kinh doanh của các công ty này cũng không có nghiệp vụ đầu tư kinh doanh chứng khoán. Vậy có thể kết luật họ hoạt động sai luật?
Trong khi đó loại hình công ty này đã đè bẹp công ty quản lý quỹ. Nếu một công ty quản lý quỹ nhận tiền ủy thác của nhà đầu tư tổ chức hay cá nhân để đầu tư kinh doanh chứng khoán, thì không được phép rút tiền mặt hoặc khi đầu tư kinh doanh chứng khoán không được cầm cố thế chấp hay sử dụng hình thức margin để gia tăng đòn bẩy. Trong khi đó, một tổ chức cá nhân lập nên công ty đầu tư tài chính đi vay vốn ngân hàng, phát hành trái phiếu để đầu tư kinh doanh chứng khoán.
Sau khi đầu tư kinh doanh chứng khoán họ có thể mang chứng khoán này thế chấp ngân hàng để tiếp tục vay vốn đầu tư. Như vậy, ngoài việc dễ dàng quản lý tiền mặt tùy ý, công ty đầu tư tài chính có thể gia tăng số vốn đầu tư của mình lên rất nhiều lần, tùy thuộc vào mối quan hệ với các tổ chức tài chính. Chính vì những lợi thế lớn nhất của công ty đầu tư tài chính so với công ty quản lý quỹ, nên công ty quản lý quỹ ở Việt Nam hoạt động trong trạng thái… không có việc làm.