Ajay Banga - Từ CEO Mastercard đến Chủ tịch WB

(ĐTTCO) - Ngày 23-2, cựu CEO Mastercard Ajay Banga đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cử làm người đứng đầu Ngân hàng Thế giới (WB). Nếu được xác nhận, ông Banga sẽ là người Mỹ gốc Ấn đầu tiên đứng đầu 1 trong 2 tổ chức tài chính quốc tế hàng đầu là WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Ajay Banga - Từ CEO Mastercard đến Chủ tịch WB

Được đánh giá cao

Để xác nhận ông Banga là Chủ tịch WB đòi hỏi việc bỏ phiếu từ các giám đốc của WB, nhưng với tư cách là cổ đông lớn nhất, đề cử của Mỹ được xem như quyết định cuối cùng. Theo truyền thống, Chủ tịch WB do Mỹ đề cử, trong khi Giám đốc IMF do châu Âu đề cử. Chủ tịch WB cũng mặc nhiên là Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD), và Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA). Chức vụ này cũng sẽ đảm đương vị trí chủ trì các cơ quan khác của Liên hiệp quốc, như HĐQT của Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), Cơ quan Bảo lãnh đầu tư đa phương (MIGA) và Hội đồng Hành chính của Trung tâm Giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế (ICSID).

Theo tuyên bố của Tổng thống Biden, ông Banga được mô tả “được trang bị đặc biệt để lãnh đạo WB vào thời điểm quan trọng này trong lịch sử”. Tuyên bố nói thêm: “Lớn lên ở Ấn Độ, Ajay có quan điểm độc đáo về các cơ hội và thách thức các nước đang phát triển phải đối mặt và cách WB có thể thực hiện chương trình nghị sự đầy tham vọng của mình, nhằm giảm nghèo và gia tăng sự thịnh vượng”. Tài năng của ông Banga cũng được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ghi nhận: “Những nỗ lực của ông ấy đã giúp đưa 500 triệu người không có tài khoản ngân hàng vào nền kinh tế kỹ thuật số. Trong những năm qua, ông thường nhấn mạnh đến tài chính toàn diện cho người nghèo thông qua các phương tiện kỹ thuật số”.

Rachel Kyte, cựu Phó Chủ tịch WB và đặc phái viên về biến đổi khí hậu (BĐKH), nói với The New York Times, dù Banga không có kinh nghiệm dày dặn về chính sách tài khóa và khí hậu, nhưng ông có kỹ năng quản lý vững vàng và thực sự quan tâm đến BĐKH. Đáng chú ý, cựu Chủ tịch WB David Malpass đã từ chức sau những ồn ào về quan điểm mơ hồ của ông về BĐKH. Ông này nói mình không phải là người phủ nhận BĐKH, hay từ chối chấp nhận thực tế rằng BĐKH đã tăng nhanh do các hoạt động của con người. Nhưng khi được hỏi về sự đóng góp của nhiên liệu hóa thạch trong việc làm tăng thêm BĐKH vào tháng 9-2022, Malpass nói: “Tôi không phải là nhà khoa học”. Câu nói này đã dẫn đến phản ứng dữ dội. Theo một báo cáo trên Thời báo New York, WB là nhà cung cấp tài chính toàn cầu lớn nhất cho các dự án khí hậu, chi khoảng 68 tỷ USD cho những nỗ lực đó trong 5 năm qua, dựa trên dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.

Trước đó, WB cho biết đã lên kế hoạch phỏng vấn khoảng 3 ứng cử viên để chọn ra nhà lãnh đạo mới vào đầu tháng 5. WB cũng cho biết thêm “rất khuyến khích” các ứng viên nữ. Không rõ liệu các quốc gia khác có đưa ra các đề xuất khác hay không. Bất cứ ai trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của WB sẽ đối mặt với thách thức về việc cân bằng nhu cầu tài chính trước mắt của các quốc gia có thu nhập thấp, nhiều quốc gia đang đối mặt với khủng hoảng nợ, đồng thời chuyển sang giải quyết các vấn đề như BĐKH, xung đột toàn cầu và rủi ro đại dịch - tất cả đều chắc chắn sẽ làm hao tài hao lực.

Bà Amanda Glassman, Phó Chủ tịch điều hành tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, nói: “Có rất nhiều việc phải làm trong giai đoạn tiếp theo trong chiến lược của WB. Đây là thời điểm WB có thể bước lên để trở nên thực sự phù hợp hoặc bị gạt ra ngoài lề và trở thành định chế không quan trọng". Mặc dù có sự đồng thuận chung rằng WB cần phải phát triển, nhưng phát triển như thế nào lại có ít sự đồng thuận.

Ajay Banga là ai?

Ông Banga sinh ra và lớn lên ở Ấn Độ. Sau khi học xong trung học tại Trường Công lập Hyderabad, ông lấy bằng Cử nhân Kinh tế tại Trường Cao đẳng St. Stephen's thuộc Đại học Delhi; sau đó lấy bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Học viện Quản lý Ấn Độ, Ahmedabad. Banga bắt đầu sự nghiệp của mình với Nestle ở Ấn Độ và tiếp tục làm việc với Citigroup ở Ấn Độ và Malaysia. Cho đến nay, ông đã có hơn 30 năm kinh nghiệm kinh doanh, từng giữ nhiều vai trò khác nhau tại Mastercard và HĐQT của Hội Chữ thập đỏ Mỹ, Kraft Foods và Dow Inc. Ông nghỉ hưu vào tháng 12-2021.

Banga tiếp quản Mastercard ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Dưới sự lãnh đạo của ông, công ty đã chứng kiến doanh thu của bộ xử lý thanh toán tăng gấp 3 lần khi mua sắm trực tuyến trở nên phổ biến trên khắp thế giới. Banga, hiện là công dân Mỹ, đang là Phó Chủ tịch của General Atlantic, một công ty cổ phần tư nhân của Mỹ. Ông cũng là đồng chủ tịch của Tổ chức Hợp tác cho Trung Mỹ, nơi ông đã hợp tác chặt chẽ với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris để huy động các nguồn lực công cộng, tư nhân và phi lợi nhuận cho Bắc Trung Mỹ. Ông cũng là thành viên của Ủy ban 3 bên, ủy viên sáng lập Diễn đàn Đối tác chiến lược Mỹ-Ấn, cựu thành viên của Ủy ban quốc gia về quan hệ Mỹ-Trung và Chủ tịch danh dự của Quỹ Mỹ-Ấn.

Ông Banga cũng là người đồng sáng lập The Cyber Readiness Institute, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Kinh tế New York và từng là thành viên của Ủy ban Tăng cường an ninh mạng Quốc gia của Tổng thống Barack Obama. Ông từng là thành viên của Ủy ban Cố vấn về Chính sách thương mại và đàm phán của Tổng thống Mỹ. Năm 2016, Banga vinh dự được Tổng thống Ấn Độ trao tặng Giải thưởng Padma Shri. Ông được mệnh danh là Hình mẫu Trao quyền cho dân tộc thiểu số, nhận Huân chương Danh dự của Đảo Ellis, được Harvard Business Review xếp trong top 10 CEO có thành tích tốt nhất thế giới vào năm 2019.

Ông đã được trao tặng Huân chương Hiệp hội Chính sách đối ngoại vào năm 2012, danh hiệu Những người bạn xuất sắc của Ngôi sao Dịch vụ công Singapore năm 2021. Banga cũng góp mặt trong danh sách Doanh nhân hàng đầu thế giới của tạp chí Fortune, và nhận được Giải thưởng Lãnh đạo từ Hội đồng Kinh doanh vì Hiểu biết quốc tế. Năm 2019, Giải thưởng của báo Economic Times dành cho doanh nghiệp xuất sắc đã vinh danh Ajay Banga là Người Ấn Độ Toàn cầu của năm.

Các tin khác