Những năm tháng không thể nào quên

Âm vang thề độc lập

Trải qua gần như toàn bộ những biến động của đất nước, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Cục trưởng Cục Văn hóa (Tổng cục Chính trị), Phó Tư lệnh kiêm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 2, cho rằng thế hệ của ông là thế hệ của lời thề độc lập, thế hệ mà ước vọng hòa bình và độc lập dân tộc trở thành khát khao mãnh liệt, cháy rực như ngọn đuốc.

Trải qua gần như toàn bộ những biến động của đất nước, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Cục trưởng Cục Văn hóa (Tổng cục Chính trị), Phó Tư lệnh kiêm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 2, cho rằng thế hệ của ông là thế hệ của lời thề độc lập, thế hệ mà ước vọng hòa bình và độc lập dân tộc trở thành khát khao mãnh liệt, cháy rực như ngọn đuốc.

Đã bước sang tuổi 89, Trung tướng Phạm Hồng Cư vẫn ngày ngày cần mẫn làm việc với sách vở trên căn gác nhỏ ở phố Liễu Giai, Hà Nội. Ông nói đó là cách để ông không lãng quên những điều thiêng liêng trong quá khứ, là cách giữ gìn những câu chuyện quý báu mà ông là chứng nhân suốt cả chặng đường dài của đất nước: Từ mùa thu độc lập đầu tiên, chàng trai 19 tuổi đã bật khóc trên quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 khi lần đầu tiên được nhìn thấy lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, rồi đến đêm đông Hà Nội rét căm căm tay nắm chặt báng súng lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, để rồi 9 năm sau nghẹn ngào đón vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc trở về Hà Nội trong cờ và hoa, trong “trùng trùng quân đi như sóng”, cho đến khoảnh khắc cuối cùng, khi lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay trên nóc Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975.

Trung tướng Phạm Hồng Cư giác ngộ cách mạng từ những ngày ông còn là cậu học sinh trường Bưởi. Những tờ truyền đơn được giấu kín, những tờ báo được chuyền tay nhau bí mật, những người thầy - những chí sĩ yêu nước như GS. Ngụy Như Kon Tum, GS. Nguyễn Mạnh Tường - đã nhen nhóm trong lòng cậu học sinh những cảm tình dành cho Việt Minh, dù lúc đó mọi thứ vẫn rất mơ hồ.

Nhưng 5 tháng trong lao tù thực dân vì tham gia phong trào học sinh sinh viên yêu nước, đã càng hun đúc thêm cho ông quyết tâm sắt đá phải đi theo con đường cách mạng, đi theo lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, ông Cư cùng các học sinh phá tù trở về Hà Nội hoạt động cách mạng. Ông về Đội tự vệ chiến đấu Thủ đô và vinh dự được đứng trong đội ngũ những người làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ trong ngày 2-9 lịch sử.

“Hà Nội ngày 2-9 năm đó đẹp lắm. Trời mùa thu trong xanh, cờ và hoa ở khắp nơi, từng dòng người bừng bừng trên mọi ngả đường. Lúc đó tôi chưa từng biết lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Khi đoàn đại biểu tiến lên lễ đài, ai cũng mặc lễ phục chỉ riêng một ông cụ cao gầy lại mặc bộ kaki màu trắng, tôi thấy lạ nhưng cũng không hề nghĩ đó là Bác Hồ. Cho đến khi đồng chí Hoàng Phương ghé tai tôi nói nhỏ “Ông cụ chính là Nguyễn Ái Quốc”, không hiểu từ đâu một niềm xúc động đột ngột dâng lên, tôi còn nhớ rõ là mắt mình nhòe đi” - ông bồi hồi nhớ lại.

Cho đến tận bây giờ, trong ký ức Trung tướng Phạm Hồng Cư vẫn không phai nhòa về “tiếng Người vang vọng như tiếng chuông trên quảng trường lộng gió”. Và khi cùng hàng vạn người giơ nắm tay thề “Cùng Chính phủ giữ quyền độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, chống mọi mưu mô xâm lược, dù phải chết cũng cam lòng…”, nước mắt ông tuôn ròng.

Theo Trung tướng Phạm Hồng Cư, đó là giây phút ông biết mình đã nguyện khắc lên tim Thề độc lập, lời thề sắt son, món nợ sông núi phải trả: “Thế hệ chúng tôi đã gác bút nghiên lên đường với một lời thề như thế trong tim, bắt đầu từ nắm tay tuổi trẻ giơ lên giữa quảng trường Ba Đình, hai chữ “Xin thề” vuột khỏi lồng ngực như mũi tên bay về phía trước”.

Trải qua những năm tháng kháng chiến chống Pháp oanh liệt, ngày 1-1-1955, cũng trên quảng trường Ba Đình, Trung tướng Phạm Hồng Cư một lần nữa được nghe bác Hồ đọc diễn văn mừng ngày chiến thắng. Cũng như 10 năm trước, không khí Hà Nội ngày hôm đó tưng bừng, náo nhiệt như ngày hội, người người nhà nhà đều nô nức. Sự nô nức của “9 năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”, sự nô nức được đón Bác Hồ và Trung ương Đảng trở về sau quãng thời gian dài tạm xa. Trong bầu không khí đó, người thanh niên tự vệ thành ngày nào nay đã trở thành người lính của Trung đoàn Thủ đô anh hùng, dấu chân đã in hết đèo cao vực sâu, ghi được những chiến công hiển hách nhưng niềm xúc động dường như vẫn vẹn nguyên như 10 năm trước:

“Có thể nói buổi mitting chào đón Bác và Chính phủ trở về Hà Nội là một mốc son đáng nhớ: Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng thời mở ra một thời kỳ mới: chiến đấu chống đế quốc Mỹ. Tôi nhớ nhất khát vọng thống nhất, khát vọng hòa bình trong bài diễn văn của Bác. Từ buổi lễ này, thế hệ chúng tôi đã mang lời Thề độc lập, mang khát vọng thống nhất đó bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ 20 năm, đi suốt dọc dài đất nước cho đến ngày miền Nam sạch bóng quân thù. Lời thề đó chưa bao giờ mờ phai trong trái tim chúng tôi” - Trung tướng Phạm Hồng Cư bộc bạch.

Các tin khác