Mặc dù Chính phủ đã giao cho Ngân hàng nhà nước (NHNN) thành lập công ty mua bán nợ xấu quốc gia (AMC) trực thuộc NHNN để gấp rút xử lý nợ xấu, nhưng đến nay vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều về hiệu quả cơ chế này. Để rộng đường dư luận, ĐTTC đã trao đổi với TS. LÊ XUÂN NGHĨA, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, xoay quanh vấn đề này. Ông Nghĩa nhận định:
Vì sao phải có AMC
Trước đây do tăng trưởng tín dụng nóng, lãi suất thấp đã dẫn đến tình trạng lạm phát cao. Khi Chính phủ bắt tay chống lạm phát dẫn đến tình trạng lãi suất rất cao, tổng cầu giảm, tiêu dùng cộng với đầu tư đều giảm rất mạnh, kéo theo hàng tồn kho và nợ xấu gia tăng.
Nợ xấu dần trở thành “ung nhọt” thật sự của nền kinh tế và điều này đã được các chuyên gia kinh tế cảnh báo từ nhiều năm nay. Nợ xấu lớn cũng khiến “đóng băng” tín dụng và suy kiệt dòng vốn do không ai muốn vay mượn.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đói vốn thực tế là những doanh nghiệp không đạt chuẩn tín dụng, gây rủi ro rất lớn cho ngân hàng. Đây là căn bệnh đã giết chết nhiều nền kinh tế, cả với nền kinh tế lớn như Nhật Bản.
Thí dụ, Nhật Bản giống Việt Nam báo cáo tình hình nợ xấu ban đầu không đúng thực tế, chỉ 2.000 tỷ yên, làm Chính phủ quyết định đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế bằng chính sách tài khóa. Nhưng 5 năm sau “kích” tài khóa mãi không thấy kinh tế phục hồi, Nhật Bản xem xét lại vấn đề tiền tệ, mới phát hiện nợ xấu lên đến 40.000 tỷ yên, tập trung xử lý đã quá muộn, vì khi đó giữa các ngân hàng thương mại (NHTM) và doanh nghiệp không còn lòng tin. Kết quả, Nhật Bản rơi vào tình trạng 16 năm tăng trưởng GDP bằng 0. Đây là bài học để Việt Nam tránh lặp lại.
PHÓNG VIÊN: - Giả định Chính phủ không ra tay xử lý nợ xấu mà để các NHTM tự giải quyết, liệu “bức tranh” của nền kinh tế trong thời gian tới sẽ như thế nào? Theo ông còn cách nào khác ngoài việc thành lập AMC?
Muốn tạo ra thị trường mới, việc đầu tiên là phải làm NHTM và doanh nghiệp thoát khỏi nợ nần. Có 2 cách để tạo thị trường mới là tăng bảo lãnh cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, AMC tham giá quá trình tái cấu trúc và cung cấp các chứng chỉ bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay. AMC có thể thanh lý tài sản để doanh nghiệp có nguồn lực, có tiền thế chấp vay vốn ngân hàng. Thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp có tài sản rất lớn thế chấp tại ngân hàng, món vay nhỏ nhưng không thể rút ra để vay ngân hàng khác. Khi đó phải có AMC giải quyết. Trong xử lý nợ xấu, có thể có những khoản AMC chấp nhận lỗ để lành mạnh hóa nền kinh tế. |
-TS. LÊ XUÂN NGHĨA: - Nếu để các NHTM tự xử lý, giả định nợ xấu bằng 10% GDP, tương đương 10%/tổng dư nợ, chắc chắn các NHTM không thể xử lý cùng lúc mà phải kéo dài thời gian, ít nhất từ 7-10 năm. Mỗi năm các NHTM xử lý 1,5-2% nợ xấu. Khi đó sẽ có 3 vấn đề xảy ra: Thứ nhất, GDP sẽ giảm mỗi năm tương ứng 1,5-2%.
Thứ hai, trong 7-10 năm đó các NHTM sẽ rà soát lại toàn bộ tín dụng, kiểm soát tín dụng chặt và gần như không cho vay mới.
Thứ ba, trong thời gian này dù NHNN có kéo lãi suất giảm để kích tăng trưởng nhưng các NHTM không giảm, chỉ giảm “chiếu lệ” vì họ cần phải có 1,5-2%/năm biên lãi suất cao hơn thông thường để bù lại vốn huy động trong dân phải trả lãi trong khi nợ xấu bị đình đốn, chôn vốn trong 7-10 năm.
Cũng giống như cục “máu đông” trong mạch máu, nếu không mổ lấy ra mà chỉ uống thuốc sẽ không giúp máu lưu thông tốt được.
Hiện nay có 3 cách xử lý nợ xấu. Thứ nhất, được thực hiện từ thời Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy là giãn nợ 3-5 năm thành 5 năm, 5 năm thành 10 năm và nợ nhóm 3 đổi thành nhóm 2. Nhưng cách này không đồng nghĩa cho vay mới, doanh nghiệp cũng chết. Khoanh nợ, không tính lãi đưa ra ngoài bảng và cho vay mới hoặc xóa nợ, thanh lý.
Cách thứ nhất này chủ yếu áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) còn đại bộ phận doanh nghiệp tư nhân tự sống tự chết. Cách làm này khó phù hợp với thời điểm hiện nay khi nhiều con nợ tư nhân lớn gấp nhiều lần con nợ DNNN.
Vì thế chỉ có thể áp dụng với DNNVV và các NHTM tự làm bằng dự phòng rủi ro (các NHTM đang có lượng tiền dự phòng rủi ro khoảng 38.000-40.000 tỷ đồng). Thứ hai, quốc hữu hóa NHTM nào có nợ xấu lớn. Cách này có thể thực hiện trong 9 NHTM yếu kém hiện nay, nhưng nợ xấu nằm rất lớn trong các NHTM quốc doanh chứ không chỉ NHTM nhỏ yếu kém.
Vì vậy, chỉ còn cách duy nhất là thành lập AMC. Cách này đã có từ năm 1992 của Thụy Điển, sau đó toàn thế giới làm theo thông lệ này.
- Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng tại sao phải dùng tiền thuế của dân để cứu người giàu là các NHTM? Theo ông cơ chế mua bán như thế nào là hiệu quả và bảo toàn vốn cho AMC?
- Tôi cũng nghe có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Nhiều người cứ nghĩ rằng tại sao NHTM gây ra nợ xấu rồi bắt Chính phủ cứu. Nhưng thực tế Chính phủ chắc chắn sẽ không mua hết 100% nợ xấu. Nợ 10 có thể Chính phủ chỉ mua 3-4, còn lại chủ nhà băng phải bỏ tiền (tăng vốn) để xử lý, còn nếu không phải hạ toàn bộ vốn tự có xuống.
Theo đó, cơ chế mua theo 2 cách: có thể NHTM chuyển nợ qua AMC, AMC bồi hoàn khoản tiền hoặc mua đứt khoản nợ đó. Có thể có quy định tỷ lệ mua bao nhiêu cho từng nhóm nợ (3, 4, 5).
NHTM nào không bán cho AMC, NHNN bắt tăng dự phòng gấp đôi trích dự phòng rủi ro, kiểm soát tăng trưởng tín dụng, không cho mở chi nhánh. Ngoài ra, khi mua nợ, AMC có thể không trả hết bằng tiền mặt, mà trả một nửa bằng tiền mặt, một nửa trả bằng trái phiếu, các NHTM cầm trái phiếu bán cho NHNN.
Với doanh nghiệp, AMC cũng làm như vậy. Tỷ lệ chiết khấu giữa nợ thật và nợ được mua cũng tùy vào tính chất của khoản nợ đó. Như vậy, có thể việc xử lý nợ xấu phải nhanh chứ không thể tùy theo ý muốn NHTM hay doanh nghiệp.
Bởi cả “đoàn xe” đang đi, xe đầu tiên là nợ xấu nằm ngáng giữa đường các xe sau sẽ không đi được. Các NHTM cũng có nhu cầu cho vay thực sự, khi thanh toán nợ xấu nhẹ nhàng họ sẵn sàng chấp nhận cho vay mới, vì nếu không thì lấy lợi nhuận đâu để sống và hoạt động.
Theo tôi, khi NHNN có đề án, có thể đưa ra thảo luận ở Hội đồng Chính sách tiền tệ và Hội đồng Cố vấn Chính phủ, để góp ý cẩn thận nhằm xây dựng cơ chế AMC thực sự có đủ nguồn lực để xử lý nợ xấu.
Kích thích phục hồi kinh tế
- Theo ông có nên cho tư nhân tham gia việc thành lập AMC và tại sao không mở rộng AMC có Bộ Tài chính tham gia giải quyết nợ xấu?
![]() |
Ụ nổi No.83M - một trong những dự án |
- Công ty mua bán nợ xấu nổi tiếng của Hàn Quốc hiện nay có 40% sở hữu của Chính phủ, 40% còn lại của khu vực tư nhân (cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài).
Nhưng quy chế hoạt động của công ty này tối thượng là Chính phủ, để tránh tình trạng các công ty tư nhân sa vào mục tiêu lợi nhuận thay vì xử lý dứt điểm nợ xấu.
Đặc biệt nợ nhóm 1, nhóm 2 cần phải thanh lý dứt điểm. Hiện nay có nhiều phương án về AMC ở nước ta. Có phương án Chính phủ chiếm tỷ lệ 30%, tư nhân 70% nhưng có vẻ quan điểm nổi trội là Chính phủ vẫn nắm quyền kiểm soát tuyệt đối.
Trong cuộc họp tuần qua với Hội đồng Chính sách tiền tệ, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng mô hình AMC Việt Nam phải có trên 50% vốn của Chính phủ. Hiện nay 14 NHTM lớn cũng rất muốn đầu tư góp vốn vào thành lập công ty này cùng NHNN.
Về vấn đề tại sao AMC không trực thuộc Bộ Tài chính thì có thể thấy ở Thụy Điển, Quốc hội bỏ phiếu thành lập AMC trực thuộc NHNN. Bởi lâu nay NHNN là cơ quan quản lý về tiền tệ, tín dụng nên hiểu rõ về nợ xấu và cấu trúc của nó.
NHNN là đơn vị được Chính phủ giao việc tái cấu trúc ngân hàng, chia làm 3 giai đoạn: củng cố thanh khoản, tái cơ cấu nợ và mua bán tài chính. Chính phủ đã cân nhắc và coi đây là nhiệm vụ của NHNN trong chương trình tái cấu trúc. NHNN hoàn toàn có điều kiện thuận lợi và linh hoạt để thực hiện hiệu quả việc này.
- Nhưng mấu chốt hiện nay của nền kinh tế là hàng tồn kho bán không được? Liệu giải quyết nợ xấu có làm kinh tế tăng trưởng?
- Cầu hay cung đang bế tắc đều do chúng ta. Vấn đề không phải là con gà có trước hay trứng có trước. Khi NHTM cho doanh nghiệp vay sản xuất ra hàng, có nhiều nguồn cung cấp khác vô tình hưởng lợi từ khoản vay này.
Khi NHTM rót tiền vào ngành xây dựng, lập tức ngành xây dựng phải rót tiền vào nhiều lĩnh vực khác, tức tự nó đã đẻ ra cầu. Khi không sản xuất được, vòng quay của tiền chỉ vay 0,9 vòng, sản xuất bình thường quay 2-3 vòng, vòng quay đồng tiền tăng lên.
Với AMC của NHNN vốn 5-7 tỷ USD có thể tác động lớn làm sôi động thị trường bất động sản. Vì phần lớn nợ xấu lớn hiện nay là bất động sản. Có ý kiến cho rằng AMC mua nợ xấu và bán ra sẽ kéo giá bất động sản giảm thêm. Nhưng AMC mua sẽ không bán ngay để làm “choáng”, mà phải có lộ trình bán ra phù hợp.
Nếu bắt tay sớm giải quyết nợ xấu có luồng vốn khá lớn sẽ làm tăng thanh khoản, trên cơ sở thanh khoản tăng việc mua bán giao dịch thuận lợi hơn, phục hồi kinh tế sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn.
- Xin cảm ơn ông.