Thiếu quỹ đất phù hợp khiến nhiều doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) mất cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để khắc phục tình trạng này, TPHCM đang chạy nước rút trong việc thiết lập khu công nghiệp với quỹ đất phù hợp để hỗ trợ DN ngành CNHT đầu tư hoặc mở rộng quy mô phát triển sản xuất, từng bước đáp ứng yêu cầu cạnh tranh giá, chất lượng sản phẩm, công nghệ mà DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất sản phẩm đầu cuối đặt ra.
Thiếu quỹ đất phù hợp
Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, hiện quỹ đất dành cho DN ngành CNHT có 18 khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Tuy nhiên, diện tích đất cũng như tiêu chí, đối tượng nhà đầu tư cần thu hút không phù hợp với DN ngành CNHT.
Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM chỉ rõ, với tiêu chí DN phải là ngành sản xuất ra sản phẩm công nghệ cao, có chất lượng, tính năng vượt trội, đủ các điều kiện quy định về tỷ lệ chi cho nghiên cứu, tỷ lệ lao động có trình độ đại học phù hợp… thì chỉ có DN lớn, doanh nghiệp FDI mới thực hiện được.
Còn lại các DN nhỏ và vừa, hầu như chưa đủ lực để phát triển công nghệ cao, mà chỉ có thể ứng dụng từng phần bằng cách mua thiết bị công nghệ cao để sản xuất sản phẩm bình thường như mua sắm máy wash vải jean bằng laser, máy cắt vải, cắt đế giày… bằng chương trình phần mềm định mẫu có độ chính xác cao và năng suất vượt trội.
Không những thế, với mặt bằng sản xuất là các khu công nghiệp, khu công nghệ cao hiện hữu của thành phố cũng cơ bản đã được lấp đầy. Nếu còn mặt bằng thì cũng không chấp nhận các ngành có nguy cơ ô nhiễm.
Trong khi các khu mới thì chưa triển khai. Còn quỹ đất trong địa bàn dân cư thì không thể phát sinh thêm các cơ sở sản xuất mới - đặc biệt là các nhà máy sản xuất thuộc những ngành trọng yếu của thành phố.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí điện TPHCM, cho biết, các DN ngành CNHT không chỉ gặp khó về mặt bằng mà còn khó bởi nhiều yếu tố khác như vốn; quỹ phát triển công nghệ trước thuế được phép thành lập nhưng quy mô DN nhỏ, thủ tục kiểm soát khá chặt chẽ nên không hấp dẫn DN sử dụng.
Còn về lựa chọn công nghệ, DN khá lúng túng do thiếu sự giới thiệu tin cậy. Hay như về lao động, thị trường… rất khó tìm kiếm và giữ chân công nhân lao động lành nghề.
Cần an cư để tạo nội lực
Cũng theo Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, tháo gỡ khó khăn cho DN ngành CNHT nói riêng, DN nhỏ và vừa nói chung là rất cấp thiết. Trước hết, thành phố cần bổ sung cơ chế chính sách kêu gọi vào khu công nghiệp phải thêm đối tượng sản xuất sản phẩm thường nhưng sử dụng vật liệu, thiết bị, giải pháp công nghệ cao.
Mặt khác, cho phép DN được thụ hưởng các chính sách ưu đãi và góp phần tăng nhanh tỷ trọng công nghệ cao, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế thành phố.
Riêng về vấn đề an cư, hiện thành phố dự kiến thành lập khu công nghiệp mới với tên gọi “Khu CNHT ứng dụng công nghệ cao”. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến DN, thành phố cần trợ giá một phần tiền thuê đất cho các DN ngành CNHT đầu tư tại khu công nghiệp mới này.
Kế đến, xác lập mục tiêu chính của khu là tạo điều kiện để các DN liên kết sản xuất. Điều này có nghĩa là cần có cả người mua, người bán sản phẩm CNHT cùng sản xuất tại chỗ. Chỉ có liên kết sản xuất mới có thể tạo ra chuỗi giá trị và hiệu quả kinh tế cao. DN vào đầu tư cần đáp ứng điều kiện phải có ứng dụng công nghệ cao.
Nếu có nhu cầu về sản phẩm CNHT thì được đáp ứng nhu cầu mặt bằng, được giới thiệu DN có năng lực trong nước để hợp tác. Trường hợp không chọn được đối tác thì DN vẫn được khu công nghiệp dành đất cho họ chọn nhà đầu tư.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, với tình hình hiện nay, DN ngành CNHT sẽ không dám đầu tư để sản xuất ra sản phẩm phụ trợ nếu chưa biết sẽ bán cho ai. Doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ có thể sản xuất theo đơn hàng, và cần phải có thêm sự trợ giúp nhiều mặt thì sản xuất CNHT mới thành công.
Ngoài ra, thành phố cần phân công một cơ quan nghiên cứu, cung cấp thông tin chính xác, tin cậy và có trách nhiệm về công nghệ cao cho DN lựa chọn và ứng dụng. Bởi hiện nay DN khá lúng túng việc chọn công nghệ, địa chỉ nhà cung ứng tin cậy để mua, chế độ bảo hành, huấn luyện, chuyển giao công nghệ… Nếu không có sự giới thiệu tin cậy thì DN không dám đầu tư.
Ở góc độ khác, TS Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, cho rằng, để giảm thiểu chi phí thuê mặt bằng cho DN ngành CNHT, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ chi phí cho các chủ đầu tư hạ tầng để đổi lại sự ràng buộc về giá cho thuê thấp.
Cơ chế hỗ trợ và ràng buộc có thể thực hiện như hỗ trợ giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng từ nguồn kinh phí thuộc chương trình kích cầu của thành phố. Khi nhà đầu tư hạ tầng nhận hỗ trợ phải cam kết chịu các ràng buộc về giá cho thuê bởi hội đồng thẩm định của thành phố.
Có như vậy mới kỳ vọng an cư và tạo nội lực để DN ngành CNHT phát triển mạnh trong thời gian tới.