Ấn Độ trước cơ hội khẳng định vị thế phương Nam

(ĐTTCO) - Với việc được giữ chức chủ tịch G20 trong 3 năm tới, Ấn Độ có cơ hội “ngàn năm có một” để xác định và định hướng lại chương trình nghị sự của G20.
Ấn Độ trước cơ hội khẳng định vị thế phương Nam

Ngoại giao toàn diện

HĐBA Liên hợp quốc đã chứng kiến tình trạng bế tắc do yếu tố địa chính trị gây ra và G7 được coi là câu lạc bộ của nhóm các nước tinh hoa giàu có. Trong bối cảnh ấy, G20 được coi là một diễn đàn đầy hứa hẹn với sự kết hợp giữa các nền kinh tế đã và đang phát triển và mang nhiều tính đại diện hơn cho sự cân bằng quyền lực và ảnh hưởng toàn cầu hiện nay.

Là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và là quốc gia đông dân thứ 2 trên thế giới, Ấn Độ theo đuổi chính sách tự chủ chiến lược trong thời gian gần đây và có đủ năng lực cũng như uy tín để hành động như một sức mạnh tạo ra sự đồng thuận.

G20 tuy là khối kinh tế lớn của thế giới, song hiện nay cũng đang chứng kiến sự mâu thuẫn và chia rẽ trong nội tại của khối

G20 tuy là khối kinh tế lớn của thế giới, song hiện nay cũng đang chứng kiến sự mâu thuẫn và chia rẽ trong nội tại của khối

Vào buổi tối trước khi nhận quyền chủ tịch G20, Thủ tướng Modi đã phát biểu rằng Ấn Độ đã đạt được một số thành tựu đáng chú ý. Trong đó bao gồm khả năng mở rộng của các công nghệ kỹ thuật số; mô hình quản trị quan tâm đến việc hỗ trợ những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, đồng thời khuyến khích sức sáng tạo của giới trẻ. Ấn Độ đang tận dụng thành công các công nghệ để tạo ra các sản phẩm công nghệ kỹ thuật số mở, tài chính toàn diện và thanh toán điện tử.

Ấn Độ là quốc gia duy nhất trong G20 đang đi đúng hướng để đạt được những đóng góp do quốc gia tự quyết định để hạn chế biến đổi khí hậu theo Thỏa thuận Paris. Thủ tướng Modi đã phát động phong trào LiFE (lối sống vì môi trường) ở Ấn Độ nhằm biến việc áp dụng lối sống thành công trở thành một phong trào quần chúng. Đây sẽ là những hình mẫu có ích khi các ưu tiên trong năm chủ tịch G20 của Ấn Độ.

Ấn Độ có kế hoạch tổ chức các cuộc họp G20 toàn diện nhất với đại biểu từ 19 quốc gia và Liên minh Châu Âu cộng với hơn 800 khách mời đặc biệt từ Bangladesh, Ai Cập, Nigeria, Oman, Singapore, Mauritius, Hà Lan, Tây Ban Nha và UAE, cũng như nhiều tổ chức quốc tế và các lãnh đạo doanh nghiệp sẽ tới tham dự khoảng 200 cuộc họp tại 55 thành phố trong năm tới.

Những sáng kiến mới

Ấn Độ đã vạch ra tầm nhìn về việc định hướng mô hình mới cho toàn cầu hóa lấy con người làm trung tâm. Theo Thủ tướng Modi, điều này phải được thực hiện bằng cách khuyến khích lối sống bền vững và thân thiện với môi trường; phi chính trị hóa nguồn cung cấp thực phẩm, phân bón và sản phẩm y tế toàn cầu để tránh các cuộc khủng hoảng nhân đạo; khuyến khích đối thoại thẳng thắn về việc giảm thiểu rủi ro do vũ khí hủy diệt hàng loạt gây ra nhằm góp phần đảm bảo an ninh toàn cầu.

Nhưng quan trọng nhất, theo Bộ trưởng Ngoại giao S.J aishankar, Ấn Độ muốn nhấn mạnh vai trò đặc biệt của công nghệ trong việc quyết định tình hình địa chính trị của Ấn Độ khi quốc gia này ngày càng có vai trò quan trọng trong việc tạo ra các liên minh chiến lược và công nghệ trong một thế giới đa cực.

Với vai trò là Chủ tịch của G20, Ấn Độ đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trong việc kết nối và định hướng phát triển G20 theo những mục tiêu cụ thể, trong đó trọng tâm là "hướng Nam bán cầu"

Với vai trò là Chủ tịch của G20, Ấn Độ đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trong việc kết nối và định hướng phát triển G20 theo những mục tiêu cụ thể, trong đó trọng tâm là "hướng Nam bán cầu"

Ấn Độ đã xác định một số vấn đề ưu tiên trong năm chủ tịch G20 bao gồm tăng trưởng và thịnh vượng; nguồn cung ứng toàn cầu linh hoạt; cải cách trong các thể chế đa phương như WTO, IMF và WB và sự phát triển do phụ nữ lãnh đạo.

Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh sức khỏe toàn cầu, sản xuất cũng như phân phối vắc xin và có thể đóng vai trò là tiếng nói đáng tin cậy của thế giới đang phát triển trong vấn đề an ninh lương thực, mục tiêu phát triển bền vững và tài chính khí hậu. Ấn Độ cùng Nam Phi đã dẫn đầu WTO thông qua việc miễn trừ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với các công nghệ y tế liên quan đến Covid-19 cũng như các thiết bị liên quan.

Chương trình nghị sự Nam - Nam

Ở châu Phi và châu Mỹ Latinh và rộng hơn nữa là các nước phương Nam, có rất nhiều bên quan tâm đến các nền tảng dịch vụ kỹ thuật số do Ấn Độ phát triển, cho thấy an sinh xã hội không chỉ là đặc quyền của một xã hội giàu có.

Các nước phương Nam đã có ví dụ chứng minh tính hữu ích của tiến bộ kỹ thuật số bằng cách phân phối lương thực miễn phí cho 800 triệu người nghèo và chuyển khoản trực tiếp cho 450 triệu người thụ hưởng. Công dân của hầu hết các nước đang phát triển không có bất kỳ dạng định danh kỹ thuật số nào. Gần 2 tỷ người không có tài khoản ngân hàng và khoảng 130 quốc gia không có cơ chế thanh toán nhanh.

Trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của mình, Ấn Độ quyết tâm tạo ra các cơ chế giúp tăng cường năng lực của các nước đang phát triển để giải quyết các cuộc khủng hoảng y tế như đại dịch Covid-19. Ấn Độ sẽ làm việc cùng với các nước đang phát triển để tạo ra một cấu trúc sức khỏe toàn cầu toàn diện có thể ứng phó tốt hơn với các cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai.

Ấn Độ hy vọng sẽ nổi lên từ chức Chủ tịch G20 với tư cách là nước thiết lập chương trình nghị sự toàn cầu, nước thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu vì lợi ích toàn cầu và là nước tạo sự đồng thuận mang tính xây dựng. Nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ sẽ đại diện cho những bên dễ bị tổn thương nhất trên thế giới và sẽ nhằm mục đích nâng cao tính bao trùm và hội nhập kinh tế nội khối phương Nam.

Nhưng để tất cả những điều này có thể kết hợp với nhau và thành công, Ấn Độ sẽ cần đảm bảo chính phủ, doanh nghiệp, giới học thuật, các tổ chức giáo dục, những người đóng góp ý kiến, phương tiện truyền thông và công chúng nói chung làm việc hòa hợp với nhau.

Các tin khác