Ấn Độ muốn “sửa luật chơi” thương mại
Trong bài thuyết trình tại hội thảo về thương mại tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Việt Nam trong quan hệ đối tác thương mại với Ấn Độ, được ví như “cửa ngõ” để Ấn Độ tiếp cận thị trường ASEAN.
Vị đại sứ cũng không giấu khát vọng phát triển Ấn Độ thành nền kinh tế đạt trị giá 5.000 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới trong 5 năm tới, với nguyên tắc xuyên suốt là tinh thần “Aatmanirbhar Bharat” (Ấn Độ tự cường).
Người đại diện ngoại giao Ấn Độ cũng nhấn mạnh đến việc Ấn Độ đang xem xét lại các điều khoản trong FTA với ASEAN theo hướng bình đẳng hơn, đồng thời để ngỏ một khả năng thương mại Việt Nam - Ấn Độ nên được ưu tiên theo khuôn khổ hợp tác song phương.
Thực tế, trong thời gian qua chính phủ nước này đang xem xét lại việc tiếp tục FTA với ASEAN. Thậm chí, Bộ trưởng Công Thương Ấn Độ đã yêu cầu đàm phán lại một số điều khoản theo cơ chế rà soát hiệp định, song ASEAN đã từ chối chấp thuận.
Tổng giá trị trao đổi thương mại của Ấn Độ với các nước ASEAN đạt khoảng 87 tỷ USD trong giai đoạn 2019-2020, trong đó xuất khẩu chỉ chiếm 32 tỷ USD và nhập khẩu lên tới 55 tỷ USD. Thâm hụt thương mại của Ấn Độ với các nước ASEAN ở mức 23 tỷ USD. Khách quan nhìn nhận, Ấn Độ hiện nay cũng đang chịu thâm hụt nặng nề với nhiều đối tác khác như Trung Quốc.
Do đó, điều chỉnh và hạn chế thâm hụt thương mại sẽ là ưu tiên hàng đầu trong hợp tác thương mại của chính phủ Ấn Độ hiện nay. Điều này cho thấy, cùng với sự trỗi dậy về kinh tế, Ấn Độ đang thể hiện lập trường cứng rắn hơn trong hoạt động thương mại toàn cầu.
Hiện tại, với các điều khoản FTA Ấn Độ - ASEAN, Việt Nam phải loại bỏ 80% số dòng thuế tính đến năm nay trong danh mục giảm thuế thông thường, và 10% số dòng thuế vào năm 2024 ở danh mục nhạy cảm và loại trừ.
Đến năm 2024, Việt Nam sẽ phải hoàn thành lịch trình cam kết giảm thuế tập trung vào các nhóm hàng như trà, cà phê, cao su, rau, giày dép, hải sản, hóa chất, thép, khoáng sản, máy móc, thiết bị và vật liệu xây dựng.
Các mặt hàng Việt Nam không cam kết bao gồm trứng, đường, muối, xăng dầu, phân bón, nhựa, cao su, kim loại quý, thép, máy móc, thiết bị điện, máy móc ô tô, phụ tùng và các mặt hàng an ninh.
Về phía Ấn Độ, đến nay Ấn Độ đã loại bỏ 80% số dòng và 10% số dòng thuế được cắt giảm một phần. Các hàng hóa Ấn Độ cam kết bãi bỏ thuế quan bao gồm động vật sống, thịt, cá, sữa, rau, dầu mỡ, bánh kẹo, nước ép trái cây, hóa chất, mỹ phẩm, dệt may, kim loại, thép, máy móc, thiết bị điện, đồng hồ…
Với cam kết cắt giảm thuế từ phía Ấn Độ, nhiều danh mục hàng hóa Việt Nam sẽ được hưởng lợi như hàng may mặc, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, hải sản, than, cao su, thép…
Năm 2018, Ấn Độ đã đồng ý giảm thuế xuống 45% đối với cà phê, trà đen và 50% đối với hồ tiêu. Đây là những sản phẩm nhạy cảm của Ấn Độ nhưng là lợi thế xuất khẩu của Việt Nam. Danh sách loại trừ của Ấn Độ bao gồm 489 dòng thuế, chiếm 5% tổng giá trị thương mại.
Hành lang kinh tế Mekong - Ấn Độ
Hành lang kinh tế Mekong - Ấn Độ
Hành lang Kinh tế Mekong - Ấn Độ sẽ cho phép các quốc gia tiểu vùng Mekong, trong đó có Việt Nam, hội nhập tốt hơn và nền kinh tế có tính cạnh tranh toàn cầu. Ở khía cạnh này, Ấn Độ không thể bỏ qua Việt Nam với vai trò là đối tác quan trọng của mình. |
Về đầu tư sang Ấn Độ, Việt Nam có 6 dự án với tổng vốn đầu tư ước tính 28,55 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực dược phẩm, công nghệ thông tin, hóa chất và vật liệu xây dựng.
Nhưng Ấn Độ mong muốn triển vọng hợp tác với Việt Nam không chỉ dừng lại ở thương mại và đầu tư các dự án đơn thuần. New Delhi còn muốn có sự kết nối chặt chẽ hơn nữa, trong đó xây dựng “xương sống” hành lang kinh tế Mekong - Ấn Độ, một hành lang kinh tế đa phương thức kết nối Ấn Độ với các nước tiểu vùng Mekong.
Hành lang Kinh tế Mekong - Ấn Độ đề xuất kết nối TPHCM với Dawei (Myanmar) qua Bangkok (Thái Lan) và Phnom Penh (Campuchia), kết nối với Chennai (Ấn Độ). Hành lang kinh tế này sẽ tăng cường thương mại giữa các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) và phần còn lại của thế giới, đặc biệt là Ấn Độ. Nó sẽ làm giảm khoảng cách đi lại giữa Ấn Độ và khu vực tiểu vùng Mekong.
Đối với Ấn Độ, khu vực tiểu vùng sông Mekong đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại, vì Ấn Độ chia sẻ ranh giới đất liền với một trong các nước CLMV, đó là Myanmar ở Vịnh Bengal.
Mặt khác, với sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc, các quốc gia ở tiểu vùng sông Mekong đang dần bị thu hút về phía “gã khổng lồ thương mại” này. Ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực đã khiến Ấn Độ tăng cường quan hệ với các nước này, khi thực hiện một số biện pháp kết nối để thúc đẩy hội nhập Ấn Độ - Đông Nam Á.
Theo đánh giá, hành lang kinh tế Ấn Độ - Mekong sẽ tạo cơ hội cho các quốc gia trong vùng xây dựng cơ sở kinh tế và công nghiệp mạnh mẽ và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng.