Kết quả ấn tượng
Trong năm 2022, với sự tập trung chỉ đạo của Tỉnh ủy và sự ủng hộ của HĐND tỉnh, cùng toàn hệ thống chính trị đã vào cuộc mạnh mẽ, thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, An Giang đã có nhiều khởi sắc, tạo khí thế mới, động lực mới.
Cụ thể, có 15/15 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra (có 6 chỉ tiêu vượt và 9 chỉ tiêu đạt). Trong đó, về phát triển kinh tế, ước cả năm 2022 tốc độ tăng trưởng (GRDP) đạt 6,87%, vượt kế hoạch đề ra (5,2%). Khu vực nông, lâm, thủy sản duy trì ổn định, tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế.
Toàn tỉnh thu hoạch gần 3,94 triệu tấn lúa, năng suất bình quân đạt 65 tạ/ha. Sản xuất công nghiệp dần được khôi phục, ổn định và phát triển, ước tăng 8,3% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 33.378 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ.
Lãnh đạo tỉnh An Giang và Bộ NN-PTNT thăm vùng trồng chuối xuất khẩu của tỉnh. |
Tỉnh còn tập trung thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng như: Bệnh viện Sản-Nhi, công trình kiểm soát lũ vùng Tây sông Hậu, tuyến tránh TP Long Xuyên, tuyến nối Quốc lộ 91, đường tỉnh 949, tuyến đường liên kết vùng nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp...
Đặc biệt, tỉnh dành 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đối ứng thực hiện dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Về thương mại-dịch vụ, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 92.400 tỷ đồng, tăng 12,43% so với năm 2021. Hoạt động xuất khẩu ước đạt 1,15 tỷ USD, tăng 1,14% so với cùng kỳ.
Cánh đồng thơ mộng ở vùng Bảy Núi. |
Ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: “Trong năm 2022 toàn tỉnh tiếp nhận 46 dự án đầu tư đăng ký mới. Trong đó đã phê duyệt 9 dự án với tổng vốn đầu tư 860 tỷ đồng, bao gồm 2 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký 391 tỷ đồng; 7 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 469 tỷ đồng. Chấp thuận chủ trương đầu tư để thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 1 dự án, với tổng vốn 14.096 tỷ đồng…
Điểm sáng hoạt động du lịch ước đón hơn 7 triệu lượt khách tham quan, tăng 212% so với cùng kỳ, đạt 152% kế hoạch năm. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 4.300 tỷ đồng, cao gấp đôi cùng kỳ và đạt 143% so kế hoạch năm”.
Đưa kinh tế phát triển năng động, bền vững
Với những kết quả đạt được thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: “Đảng bộ tỉnh xác định đến năm 2030 phấn đấu đưa An Giang trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng ĐBSCL; kinh tế phát triển năng động, hài hòa, bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng phát triển, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững và mang bản sắc văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long; có trình độ phát triển khá so với cả nước; chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao”.
Lễ hội đua bò Bảy Núi của An Giang. |
Trước mắt, để thực hiện nhiệm vụ năm 2023, An Giang sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp theo chiều sâu; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để tạo nền tảng phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; khai thác lợi thế so sánh của tỉnh trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế.
|
Ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng chống thiên tai, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất, chế biến; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thúc đẩy chuyển đổi số trên 3 trụ cột “Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số”. Thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
Theo đó, tỉnh phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) từ 7-7,5%; GRDP bình quân đầu người 60,5-62 triệu đồng/người/năm; tổng vốn đầu tư xã hội 35.951-37.783 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 1,17 tỷ USD; thu ngân sách đạt 6.638 tỷ đồng...
Để hoàn thành các mục tiêu trên, An Giang tập trung triển khai quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó đẩy mạnh hình thức hợp tác công-tư và tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các nhóm sản phẩm chủ lực.
Tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu, kết hợp đầu tư nhà máy sơ chế, kho bảo quản, tồn trữ sản phẩm gần vùng nguyên liệu.
Khát vọng hướng đến phát triển bền vững, thịnh vượng
Để tiếp tục phát triển và có đóng góp to lớn hơn nữa vào sự phát triển chung của đất nước và địa phương, An Giang cần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng công nghệ, tri thức, đổi mới sáng tạo, hài hòa với thiên nhiên... Theo đó, An Giang cần đánh giá đúng tiềm năng, vị trí, vai trò của tỉnh trong tổng thể phát triển chung của vùng ĐBSCL và cả nước; xác định đúng các tiềm năng, thế mạnh, cũng như những cơ hội và thách thức của tỉnh; khai thác, huy động những dư địa mới, nguồn lực mới để tạo bước phát triển đột phá mới. Xây dựng các kịch bản, lựa chọn phương án phát triển và các định hướng phát triển ngành, lĩnh vực quan trọng; bố trí, sắp xếp các không gian phát triển mới của tỉnh; vừa cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
Ông TRẦN TUẤN ANH, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm 190 năm ngày thành lập tỉnh An Giang (1832-2022) ngày 22-11-2022.