Tết "Khu Cù Tê" hay còn được gọi là Tết uống rượu tháng Bảy của người dân tộc La Chí, thường được tổ chức vào tháng Bảy Âm lịch hàng năm. Đầu năm 2015, khi năm mới Ất Mùi đang đến gần, trong chuyến công tác tới xã Bản Díu (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang), chúng tôi may mắn được cùng đồng bào La Chí ở đây chung vui những nét văn hóa đặc sắc nhất của Tết Khu Cù Tê, lễ hội được tái hiện nhân dịp vừa nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người La Chí ở Việt Nam có dân số 13.158 người, cư trú tại 38 trên tổng số 63 tỉnh, thành. Người La Chí cư trú tập trung tại tỉnh Hà Giang (12.072 người, chiếm 91,7% tổng số người La Chí tại Việt Nam), ngoài ra còn có tại Lào Cai (619 người), Tuyên Quang (100 người)... |
Khu Cù Tê là ngày tết có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng người La Chí để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân bản có cuộc sống bình yên. Theo phong tục truyền thống, để chuẩn bị tết, những người đứng đầu trong các làng bản, hội đồng già làng gồm các tộc trưởng của các dòng họ Vương, Long, Lù, Nông tập trung tại nhà già làng (Mủ Cốc) để chọn ngày tốt, ngày đẹp thông qua cách tính mười hai con giáp và bằng hình thức xem chân gà để làng tổ chức ăn tết.
Sau khi đã chọn được ngày tốt, già làng sẽ giao nhiệm vụ cho “Sú Vé” là người giúp việc cho hội đồng già làng đi thông báo cho các gia đình trong bản biết thời gian tổ chức tết.
Khi chúng tôi tới Nhà văn hóa thôn Díu Thượng (xã Bản Díu), dân bản đã tập trung đông đảo trước khoảng sân rộng. Thầy cúng của các dòng họ ngồi xếp bằng ở vị trí trang trọng, trước mặt mỗi người là chiếc giỏ trong đó đựng thịt trâu, thịt lợn chua và một chiếc sừng trâu để uống rượu. Đây là phong tục truyền thống có từ rất lâu đời, bởi trong ngày tết Khu Cù Tê của người La Chí không bao giờ được thiếu thịt trâu.
Loại rượu được dùng trong ngày tết được các trưởng tộc đích thân làm là rượu “hoẵng”, đây là loại rượu rất đặc trưng của người La Chí. Khi lễ cúng bắt đầu, rượu “hoẵng” được lần lượt đổ vào các sừng trâu để trưởng họ làm lễ. Lưng đeo một miếng da trâu, một tay cầm sừng trâu, một tay cầm một sợi dây treo củ gừng, các trưởng họ lẩm nhẩm cúng gọi ba đời tổ tiên về ăn tết với con cháu.
Mời xong, các trưởng họ uống hết rượu trong sừng trâu. Sau lễ cúng, trống, chiêng nổi lên rộn rã cùng với các màn hát, múa, ném còn, kéo co... Lần lượt từng thầy cúng nhảy múa theo nhịp trống chiêng để mời các thần và tổ tiên về ăn tết.
Khách được mời cùng hát giao duyên với người dân tộc La Chí trong tết Khu Cù Tê. |
Rượu "hoẵng" được đổ vào sừng trâu để các trưởng họ làm lễ. |