Cùng với xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội và thách thức. Đối với khu vực DNNVV, các cơ hội và thách thức này càng trở nên rõ nét, bởi DNNVV có đặc tính rất nhạy cảm với sự thay đổi môi trường kinh doanh. Làm thế nào để các DNNVV vượt qua khó khăn, biến thách thức từ các cam kết hội nhập trở thành cơ hội phát triển là vấn đề đang được đặt ra.
Thách thức 2015
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, các DNNVV của Việt Nam đang tồn tại trong một thế giới thay đổi nhanh, mạnh, sâu chưa từng có, sức ép cạnh tranh tăng lên. Xu hướng mong muốn tự do hóa thương mại đang được các nước theo đuổi với các FTA song phương đang được đàm phán thời gian qua tăng nhanh.
Có thể nói, châu Á đang dẫn đầu trong trào lưu FTA. Bên cạnh đó, cạnh tranh thu hút đầu tư trong khu vực châu Á và khối ASEAN cũng rất mạnh mẽ. Việt Nam là 1 trong 4 nước ASEAN đang tham gia đầy đủ các cuộc chơi của ASEAN, TTP, Hiệp định hợp tác đối tác kinh tế toàn diện của ASEAN+6, APEC - Hiệp định mậu dịch tự do đang được đàm phán.
Theo đó, dự kiến từ năm 2015, tốc độ cắt giảm thuế của Việt Nam sẽ rất nhanh sau khi tham gia các FTA có hiệu lực. “Chỉ cần đến 2015, mức thuế đối với các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam, mà cụ thể là Trung Quốc, sẽ tụt giảm nhanh còn 3,3% năm 2015 và 2023 về mức 2,25%” - bà Lan phân tích.
Hãy là doanh nghiệp nhỏ mà tốt, còn hơn là doanh nghiệp lớn mà... ọp ẹp! Trong bối cảnh hội nhập, bí quyết của thành công là “dựa vào thế của kẻ mạnh”. Để hợp tác được với “kẻ mạnh”, phải đáp ứng được những yêu cầu của họ. Do vậy, phải luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng để có thể bắt tay được với các đối tác lớn. Ông PHẠM ĐÌNH ĐOÀN, |
Hiện nay, kinh tế đang rất khó khăn, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang phải cố chống chọi để tồn tại. Thế nhưng, chỉ còn 2 năm nữa, “cơn bão” giảm thuế nhập khẩu, sự bảo hộ của Nhà nước không còn là bao, doanh nghiệp Việt sẽ phải làm sao để tồn tại?
Câu hỏi này không chỉ dành cho các nhà hoạch định chính sách mà còn đặt ra với chính các doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ (nếu có) cũng chỉ phần nào làm giảm bớt đi khó khăn trước mắt. Còn về lâu dài, chính bản thân các DNNVV phải tự tìm ra lối đi cho mình, tái cơ cấu mạnh mẽ để nâng cao sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập nếu không muốn “thua trên sân nhà”.
Theo ông Phạm Đình Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, sự thiếu chuẩn bị kỹ lưỡng khi hội nhập là yếu điểm dễ thấy nhất của DNNVV Việt Nam. Đặc biệt, doanh nghiệp thiếu sự chú trọng, đầu tư đúng mức trong khâu nghiên cứu thị trường. Trong khi trên thực tế, đây là khâu đặc biệt quan trọng giúp cho doanh nghiệp có hướng đầu tư đúng đắn, đảm bảo sự thành công. Đã vậy, doanh nghiệp Việt còn mắc một căn bệnh “ác tính” và khá phổ biến đó là “tính sĩ diện, hoành tráng và không tiết kiệm”.
Do vậy, muốn vươn lên, theo ông Đoàn, doanh nghiệp Việt phải chữa được căn bệnh này và phải biết lượng sức mình. Bởi hiện nay, căn bệnh này biểu hiện là năng lực quản lý, điều hành, tài chính... có hạn nhưng thích làm lớn, với những dự án to cho oai, vượt sức của mình. Điều này khiến phân tán nguồn lực, lãng phí, tốn kém... và dẫn đến thua lỗ, thậm chí phá sản.
Cơ hội nào từ TPP?
Hiện nay, một trong những cam kết thương mại đa phương được quan tâm nhiều nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, người vừa tham gia vòng đàm phán thứ 19 về TPP tại Brunei hồi cuối tháng 8-2013, cho biết TPP có lẽ sẽ là một hiệp định thương mại tự do đầu tiên có riêng một phần về DNNVV.
Do vậy, tất cả các nhóm đàm phán sẽ tiến hành đàm phán các điều khoản cụ thể ở các lĩnh vực dựa trên tinh thần này. Nhằm tận dụng các cơ hội do TPP mang lại, ông Khánh cho rằng bên cạnh việc hiểu thấu đáo về các quy định và lộ trình cam kết của hiệp định, các DNNVV Việt Nam cần củng cố, đào tạo, nâng cao trình độ và tay nghề đội ngũ nhân lực, đề ra các mục tiêu và phương thức hoạt động theo hướng xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần tận dụng cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài nhằm tranh thủ lợi thế về vốn, nhân lực và kỹ thuật của các đối tác.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, TS. Cao Sĩ Kiêm nhận định: Để đón nhận những cơ hội to lớn từ những hiệp định thương mại, trong đó có TPP, các DNVVN nước ta cần sự cố gắng phi thường. Một trong những lý do chúng ta phải cố gắng là bởi Việt Nam đang đàm phán với những đối tác có trình độ phát triển cao hơn (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Singapore…), nên tất yếu những yêu cầu đối với hàng hóa của Việt Nam cũng cao hơn.
Bên cạnh đó cũng phải thấy các DNNVV của Việt Nam công nghệ vẫn lạc hậu dẫn đến năng suất thấp và chi phí sản xuất cao, chất lượng nguồn lực thấp, đặc biệt khả năng tiếp cận và hiểu biết luật pháp quốc tế còn hạn chế. Tuy nhiên, nếu những hiệp định như TPP được ký kết, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội thâm nhập vào những thị trường lớn và rất bền vững như Hoa Kỳ, Nhật Bản…
Quan trọng hơn, theo TS. Cao Sĩ Kiêm, quá trình tham gia vào các hiệp định thương mại sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và DNNVV nói riêng đổi mới phương pháp kinh doanh, trình độ quản lý - những yếu tố phát triển bền vững cho chính doanh nghiệp và cho cả nền kinh tế đất nước.