Sau một thời gian liên tục điều chỉnh giảm, trong hơn 1 tháng trở lại đây lãi suất huy động có dấu hiệu tăng trở lại. Nguyên nhân do các ngân hàng thương mại (NHTM) đẩy mạnh cho vay, trong khi nguồn vốn huy động tăng trưởng chậm. Điều này đang buộc các NH nhảy vào cuộc đua huy động vốn để tăng tính thanh khoản. Trong khi đó áp lực nợ xấu có thể tăng cao hơn sau khi Quyết định 780/QĐ-NHNN về giãn nợ hết hiệu lực, buộc các NH phải có dòng vốn để trích lập dự phòng.
Cuộc đua tăng lãi suất huy động bắt đầu
Với việc lạm phát giảm mạnh, lãi suất huy động của hầu hết NHTM trong thời gian qua cũng điều chỉnh giảm khá mạnh. Đặc biệt lãi suất huy động với kỳ hạn 12 tháng có lúc chỉ dao động quanh mức 6,5-7%/năm, được xem thấp nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, đà giảm lãi suất dường như đã dừng lại và thậm chí đang có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại ở một số NHTM.
Cụ thể, tại NH Quân đội (MB), từ ngày 5-6 lãi suất đồng nội tệ kỳ hạn 8 tháng trở xuống điều chỉnh tăng 0,1-0,2%; lãi suất kỳ hạn 6-8 tháng hiện đang ở mức 5,2%/năm, cao hơn so với mức 5%/năm trước đó, còn kỳ hạn 3 tháng 4,8%/năm, cao hơn mức 4,6%/năm trước đó.
Tại NH Đông Á (DongAbank), mức điều chỉnh lãi suất tăng khá mạnh: kỳ hạn 9 tháng lãi suất tăng từ 5,6% lên 6%/năm; kỳ hạn 6 tháng từ 5,3% lên 5,5%/năm; các kỳ hạn thấp hơn cũng tăng nhẹ. NH Á Châu (ACB) cũng điều chỉnh khá mạnh các kỳ hạn dài: 12, 24 và 36 tháng lần lượt ở mức 6,2%, 6,5% và 6,7%, cao hơn so với mức gần nhất khoảng 0,2%.
Thực tế trong các kỳ hạn NH huy động, kỳ hạn ngắn chiếm gần 70% tổng số vốn huy động. Trong khi đó, dư nợ trung, dài hạn chiếm 53-55% tổng dư nợ. Với mức chênh lệch khá lớn này, để đảm bảo tính thanh khoản và tăng hệ số rủi ro, buộc các NHTM điều chỉnh lãi suất tăng nhưng chủ yếu các kỳ hạn dài nhằm khắc phục tình trạng mất cân đối về kỳ hạn giữa huy động vốn và cho vay. Điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lãi suất cho vay. Ông Nguyễn Hoàng Minh, |
Không chỉ các NHTM cổ phần mà ngay cả NHTM có vốn nhà nước hiện nay như Agribank cũng không đứng ngoài cuộc đua lãi suất, kỳ hạn 18, 24 tháng tại Agribank lần lượt 6,5 và 6,8%/năm, tăng 0,3 và 0,5% so với trước đó. Trong khi đó BIDV, VietinBank và Vietcombank vẫn giữ nguyên lãi suất như trước. Tuy nhiên, những dấu hiệu trên cho thấy cuộc đua tăng lãi suất đang bắt đầu. Điều này đồng nghĩa với việc kỳ vọng lãi suất cho vay tiếp tục giảm là điều khó diễn ra.
Một kết quả khảo sát gần đây cho thấy lãi suất huy động đang chạm đáy và các NHTM đã bắt đầu tăng nhẹ lãi suất, lãi suất huy động bình quân của các NHTM có vốn nhà nước tăng 0,08%. Một dấu hiệu khác cũng cho thấy lãi suất đang tăng dần do thời gian gần đây các phiên đấu thầu trái phiếu liên tục thất bại. Xem ra các NH không còn mặn mà với trái phiếu kỳ hạn dài và lãi suất thấp. Bên cạnh đó, nhiều NH không phải quá dồi dào về thanh khoản, đã buộc phải tăng lãi suất huy động.
Theo số liệu từ NHNN, trong 5 tháng đầu năm tín dụng toàn hệ thống NH tăng 4,8%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng 1,31% của cùng kỳ năm trước. Cũng trong khoảng thời gian này tín dụng trên địa bàn Hà Nội tăng 8,7%, cao hơn nhiều so với mức bình quân cả nước. Trước đó số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy tín dụng trong quý I-2015 tăng 1,91%, trong khi đó huy động chỉ tăng 0,98%.
Đối diện nhiều áp lực
Theo các chuyên gia, việc tăng trưởng cho vay cao hơn huy động khiến các NH gặp sức ép về mặt thanh khoản với tỷ số huy động/cho vay tăng dần. Do vậy để tái lập mức cân bằng NH phải tăng lãi suất để huy động thêm vốn. Tuy nhiên, các chuyên gia này cũng nhận định tăng huy động nhưng chưa đến lúc tăng lãi suất cho vay. Bởi thực tế trong thời gian qua NH được hưởng lợi rất lớn khi lãi suất giảm.
Báo cáo tài chính quý I-2015 của các NHTM cho thấy doanh thu nhiều NH tăng mạnh trong khi chi phí lại giảm. Điều này cũng có nghĩa lãi suất huy động giảm nhanh hơn lãi suất cho vay khá nhiều. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của hầu hết NH trong quý I tăng khá mạnh dù phải tăng cường trích lập dự phòng tài chính.
Việc các NHTM tăng lãi suất chủ yếu diễn ra ở các kỳ hạn trên 1 năm, điều này cần thiết để đưa lãi suất các mức kỳ hạn về đúng bản chất huy động và sử dụng vốn. Người gửi tiền tiết kiệm muốn có lãi suất tốt phải gửi kỳ hạn từ 1 năm trở lên. Với nguồn vốn kỳ hạn dài này, các NH mới hoạch định kế hoạch kinh doanh một cách chủ động. Đây cũng là cơ sở để NH có thể cho vay trung và dài hạn với lãi suất thấp hơn. Báo cáo của Ủy ban Giám sát |
Một áp lực nữa khiến nhiều NH đẩy mạnh cho vay là chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm nay lên đến 15-17%, cao hơn nhiều so với những năm gần đây. Để hoàn thành chỉ tiêu này, nhiều NH đã tăng cường cho vay tiêu dùng cá nhân như vay mua nhà, sửa nhà, vay mua xe ô tô, mua sắm tiêu dùng… với nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn.
Trong khi đó, việc huy động vốn ngày càng khó hơn bởi lãi suất giảm trong thời gian qua. Trước sức ép này nhiều NH phải thay đổi chính sách lãi suất để tăng huy động vốn. Bên cạnh đó, nhiều NH tăng lãi suất do áp lực nợ xấu đang lớn dần. Kể từ đầu năm 2015 nợ xấu đang dần tăng trở lại.
Báo cáo tài chính của các NH trong quý I cho thấy nợ xấu tại nhiều NH đang tăng mạnh, đặc biệt sau ngày 1-4-2015, thời điểm Quyết định 780/QĐ-NHNN cho phép các NHTM gia hạn nợ, giãn nợ hết hiệu lực. Cùng với đó các NH cũng phải tăng cường bán nợ xấu cho VAMC. Do đó thanh khoản sẽ bị ảnh hưởng, nên để tăng cường thanh khoản buộc các nhà băng phải tăng huy động vốn.
Theo một chuyên gia trong ngành tài chính, trước đây lãi suất tăng thường do lạm phát cao và việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, trong lần tăng này hầu như không liên quan đến lạm phát vì lạm phát 5 tháng đầu năm nay đang ở mức rất thấp. Nhiều dự báo cũng cho thấy lạm phát năm nay chỉ ở mức 2-3%.
Như vậy, với mức lãi suất tiền gửi hiện nay, người gửi tiền vẫn có mức lãi suất thực dương khá lớn. Dù tín hiệu tăng lãi suất mới manh nha nhưng lãi suất huy động có chiều hướng tăng trở lại sẽ khiến lãi suất cho vay khó giảm. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn đang mong chờ lãi suất vay trung và dài hạn giảm thêm để thúc đẩy sản xuất.
Chưa tác động tiêu cực đến nền kinh tế
Tăng trưởng GDP quý I-2015 đạt mức 6,03%, đây là mức cao nhất so với cùng kỳ 5 năm trở lại đây. GDP khởi sắc cùng với một loạt chỉ số vĩ mô khác được cải thiện cho thấy nền kinh tế đã thoát đáy và đang phục hồi. Một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế phục hồi khá tốt trong thời gian qua là do chính sách tiền tệ mở rộng làm lãi suất giảm.
Nhờ đó, nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất, tiêu dùng gia tăng. Nhiều người kỳ vọng lãi suất sẽ tiếp tục giảm để tạo thêm cú hích cho nền kinh tế thoát đáy thực sự.
Tại diễn đàn “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu”, GS. Võ Đại Lược, chuyên gia kinh tế, cho rằng đến nay Việt Nam đã ký 10 hiệp định thương mại tự do với các nước, song khả năng cạnh tranh vẫn rất yếu. Nhìn riêng ở góc độ lãi suất, các doanh nghiệp trong nước hiện rất khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài khi lãi suất cho vay lên tới 8-9%/năm, so với các nước chỉ 1-2%, thậm chí dưới 1%/năm.
Trên thực tế, lãi suất cho vay cao có thể do một số NH tăng mạnh lãi suất cho vay dài hạn. Đơn cử ở kỳ hạn này BIDV tăng lãi suất cho vay 1%; VietinBank tăng 0,5%...
Áp lực tăng lãi suất huy động sẽ khó tránh. Ảnh: LONG THANH |
Khi lãi suất cho vay có thể bật tăng trở lại khiến nhiều người lo ngại đà phục hồi của nền kinh tế có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính cho rằng việc lãi suất tăng chưa chắc ảnh hưởng đến đà phục hồi của nền kinh tế, bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Nếu lãi suất tăng do dòng tiền đổ mạnh vào những tài sản có tính đầu cơ như bất động sản, chứng khoán hoặc dùng để nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Ngược lại, nếu lãi suất tăng nhưng dòng vốn vẫn đổ vào sản xuất, nền kinh tế sẽ tiếp tục duy trì được đà phục hồi.
Thời gian qua thị trường bất động sản phục hồi khá mạnh mẽ. Báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường cho thấy lượng tiêu thụ bất động sản tăng mạnh và hàng tồn kho giảm. Nhiều dự án đang hồi sinh và “băng” bất động sản đang dần tan chảy, góp phần rất tích cực đối với phục hồi của nền kinh tế.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo nếu thị trường phát triển quá nóng do yếu tố đầu cơ gia tăng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực. Do vậy việc lãi suất tăng nhẹ trong thời gian qua bước đầu có thể chưa tác động tiêu cực tới nền kinh tế, bởi lẽ đây là một việc tất yếu khi nền kinh tế phục hồi đẩy nhu cầu vay vốn gia tăng.
Về việc này, các chuyên gia của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đưa ra dẫn chứng: Tính đến ngày 31-3-2015, tổng huy động chỉ đạt 4.557 ngàn tỷ đồng, tăng 0,98% so với đầu năm. Trong đó, vốn huy động bằng VNĐ tăng 1,9%, ngoại tệ giảm 4,9%. Trong khi đó, tổng tín dụng đạt 3.826 ngàn tỷ đồng, tăng 1,7% so với đầu năm.