(ĐTTCO) - Chọn con đường khởi nghiệp cũng đồng nghĩa với việc các bạn trẻ sẽ phải đối mặt rất nhiều khó khăn thử thách. Có những người vượt qua và viết nên câu chuyện thành công, nhưng cũng không ít người phải chấp nhận thất bại. Dù thành công hay thất bại, những câu chuyện khởi nghiệp đều mang đến những kinh nghiệm để sẻ chia, kết nối.
Có sáng tạo mới thành công
Tạ Minh Tuấn, một cái tên khá quen thuộc trong cộng đồng khởi nghiệp, không chỉ bởi những thành công anh có được khi tuổi đời còn khá trẻ, mà còn nhờ những câu chuyện được Tuấn chia sẻ về cái “máu” khởi nghiệp sẵn có trong người. Năm 19 tuổi khi còn ngồi trên ghế giảng đường Tuấn đã bắt đầu con đường khởi nghiệp với dự án Digital Marketing. Dù tràn đầy nhiệt huyết nhưng dự án này của Tuấn đã không thành công. Song chính từ thất bại này đã tạo bước vững chắc cho Tuấn, để đến năm 21 tuổi anh sáng lập HELP International tiên phong trong mô hình y tế tại nhà.
Một xã hội không cho phép thất bại sẽ không có sáng tạo. Không có sáng tạo không thể khởi nghiệp. Nếu các bạn và đất nước các bạn định nghĩa thất bại như một bước đi tới thành công, các bạn sẽ có cơ hội thành công rất lớn. Bạn không cần phải khởi nghiệp theo phong cách Israel hay thung lũng Silicon. Hãy là một người khởi nghiệp Việt Nam. Hãy tìm hiểu xem thị trường Việt Nam cần gì và đáp ứng nhu cầu đó với sự sáng tạo của mình. GS. Shlomo Maital,Giám đốc Học viện Quản lý Technion, Israel |
Tiếp đó, năm 23 tuổi, anh trở thành Chủ tịch BNI Master Chapter và thành lập trung tâm đào tạo khởi nghiệp YUP Institute. Cũng trong năm này, Tạ Minh Tuấn vinh dự trở thành 1 trong 15 doanh nhân xã hội tiêu biểu của Việt Nam theo đánh giá của CSIP, British Council, World Bank. 2 năm sau, Tuấn đảm nhiệm thêm vị trí Chủ tịch JCI Central Saigon Chapter - liên đoàn doanh nhân trẻ lớn nhất thế giới. Anh được Tạp chí Forbes đánh giá là 1 trong 30 nhân vật thành công và ảnh hưởng tại Việt Nam theo bảng xếp hạng uy tín “30 under 30". Năm 2016, Tuấn lại có mặt trong bảng xếp hạng 30 gương mặt trẻ xuất sắc của châu Á. Và giờ đây người ta thấy Tuấn nhiều hơn trong vai trò sẻ chia những kinh nghiệm, hướng dẫn các bạn trẻ có khao khát khởi nghiệp.
Với những người thích uống cà phê, mô hình The Coffee House của Nguyễn Hải Ninh thực sự khiến người ta phải nể phục. Chỉ sau gần 2 năm chuỗi cà phê của Ninh đã mở đến 20 cửa hàng, tọa lạc ở các vị trí khá đẹp trên các tuyến đường chính ở TPHCM và Hà Nội. Hiện nay, các cổ đông gồm Hải Ninh, quỹ đầu tư Seedcom và nhóm Prosperity Trees đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng vào The Coffee House và các loại hình kinh doanh liên quan như trang trại trồng cà phê, xưởng sản xuất và đóng gói. The Coffee House dự định mở rộng hệ thống hiện tại lên con số gấp đôi vào năm 2016. Ninh muốn phát triển The Coffee House theo phong cách như Starbucks Việt Nam. Trước đó Ninh cũng là đồng sáng lập của chuỗi cà phê Urban Station.
Một gương mặt nữa tuy khá kín tiếng nhưng thành công của anh đã được ghi nhận khi có mặt trong danh sách 30 gương mặt trẻ thành công dưới 30 tuổi của Forbes Việt Nam. Đó là Phạm Kim Hùng, người sáng lập Công ty TechElite. Năm 2007, Kim Hùng nhận được học bổng toàn phần của Đại học Stanford, Hoa Kỳ. Tốt nghiệp cử nhân khoa Toán và Khoa học máy tính, Hùng trở về Việt Nam và năm 2013 anh thành lập TechElite, xây dựng giải pháp phần mềm dịch vụ (Software as a Service) giúp doanh nghiệp, tổ chức vận hành hiệu quả, thông minh hơn. TechElite hiện nay đã phát triển 3 ứng dụng là hệ thống thi tuyển công chức trực tuyến (thực hiện cùng Bộ Nội vụ), ứng dụng quản lý và tổ chức sự kiện BigTime và WorkTime - phần mềm giúp tổ chức không gian làm việc chung trên máy tính và thiết bị di động của toàn bộ một doanh nghiệp, giúp mọi người có không gian chung để cùng trao đổi, giao tiếp và giải quyết công việc. Hiện tại có khoảng 100.000 người đang sử dụng các sản phẩm của TechElite, khoảng 200 doanh nghiệp đang sử dụng WorkTime. Hùng kỳ vọng trong 3 năm tới, WorkTime sẽ có khoảng 10.000 doanh nghiệp Việt Nam sử dụng, áp dụng được các mô hình quản trị hiện đại và xây dựng một không gian làm việc chuyên nghiệp, cộng tác tốt.
Những cái chết được báo trước
Cuối năm 2015, cộng đồng khởi nghiệp chứng kiến cái chết yểu của 2 website Beyeu.com và Deca.vn - những trang thương mại điện tử được hậu thuẫn bởi các đơn vị có tiềm lực. Trong đó, Beyeu.com là sản phẩm của Project Lana - đơn vị sở hữu trang web Webtretho.com, website về phụ nữ có số lượng truy cập đứng đầu tại Việt Nam - và IDG Ventures. Tuy nhiên, thành công của Webtretho cũng không cứu được Beyeu.com khi nguồn tài chính cho dự án này dần cạn kiệt, để rồi Beyeu.com phải đóng cửa cùng lời nhắn khiến cộng đồng startup không khỏi sốc: "Thương mại điện tử cần rất nhiều tiền, công ty quyết định không đốt tiền nữa. Chúc may mắn cho những người đang tiếp tục cố gắng". Trong khi đó, Deca.vn là đứa con của CTCP Quảng cáo trực tuyến 24h. Nếu Beyeu.com phải đóng cửa vì lý do tài chính, đại diện của 24h vẫn khẳng định: “Nguồn tài chính của 24h vẫn dồi dào”. Bởi vậy, việc Deca.vn chết yểu, khiến nhiều người bất ngờ, cho dù đang có lượng truy cập không nhỏ, thậm chí từng được kỳ vọng sẽ là trang thương mại điện tử của Việt Nam có thể sánh kịp Lazada.
Có một thực tế khi khởi nghiệp, bạn trẻ nào càng đòi hỏi nhiều về vốn khả năng thất bại lại càng cao, có đưa bao nhiêu vốn cũng thất bại. Doanh nhân có tài thường làm ra những cái vĩ đại từ những điều rất nhỏ, đôi khi rất tầm thường. Ông Lý Trường Chiến, Chủ tịch HĐQT Trí Tri Group |
Điểm chung dễ nhận thấy là cả Beyeu.com và Deca.vn đều thuộc các công ty chuyên về xuất bản (24h sở hữu 2 trang tin 24h.com.vn và Eva.vn, Project Lana là đơn vị chủ quản của Webtretho). Cả 24h và Project Lana đều là những đơn vị thành công trong lĩnh vực xuất bản, nhưng đều thất bại khi đổ tiền vào thương mại điện tử. Điều đó chứng tỏ thành công trong lĩnh vực thương mại điện tử không dễ như kỳ vọng của 24h và Project Lana, nhất là với những doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử, cho dù đó là thị trường đầy tiềm năng.
Chia sẻ về nguyên nhân thất bại khi khởi nghiệp, Tạ Minh Tuấn cho rằng phương hướng để thành công rất đa dạng, nhưng lý do để thất bại lại gần như giống nhau. Một số lý do thường gặp là không có đủ động lực, đam mê để dấn thân, chỉ khởi nghiệp theo trào lưu; không hiểu rõ về thị trường, chủ quan với những gì mình biết; chất lượng sản phẩm kém, không có sự khác biệt và lợi thế cạnh tranh rõ ràng; có sản phẩm ổn nhưng không biết cách đưa sản phẩm đó đến tay người tiêu dùng; không có đủ năng lực lãnh đạo và điều hành; không đủ tiền bạc vốn liếng theo đuổi cuộc chơi…
Theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề lớn của các bạn trẻ khởi nghiệp là có nhiệt tình dấn thân nhưng lại thiếu những nhận thức căn bản về việc kinh doanh là gì, nên khi làm dễ dẫn tới không có định hướng chiến lược, kế hoạch phù hợp, sử dụng nguồn lực không hợp lý, dẫn đến tổn thất nguồn lực và niềm tin, thất bại là điều tất yếu.
Cần sự hỗ trợ thiết thực
Hai trong số những khó khăn của nhiều bạn trẻ khi chọn con đường khởi nghiệp là ý tưởng và vốn. Có nhiều ý kiến cho rằng các startup của Việt Nam hiện nay đang sao chép những thành công của người đi trước. Về điều này, cần khẳng định người Việt Nam có khả năng và có tính sáng tạo rất cao. Song cũng phải thừa nhận nền kinh tế Việt Nam đi sau những nước phát triển, nên chuyện cũ người mới ta cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Tuy vậy, mỗi thị trường, mỗi nhóm đối tượng khách hàng có những đặc thù riêng, nếu startup không biết điều biến cho phù hợp cũng chỉ là sao chép máy móc, giáo điều và thất bại là khó tránh khỏi. Còn với câu chuyện vốn, đang có nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề này: Khởi nghiệp có thực sự cần nhiều vốn, lấy vốn ở đâu ra, làm sao gọi vốn từ các quỹ đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm… để phát triển dự án của mình? Theo những người có kinh nghiệm, khởi nghiệp có thực sự cần nhiều vốn hay không còn tùy thuộc vào quy mô và đặc thù của loại hình kinh doanh người khởi nghiệp chọn.
Chuyên gia tư vấn quản trị cao cấp Lý Trường Chiến |
Có một kinh nghiệm nữa được chia sẻ từ chính những người đã khởi nghiệp cả thành công và thất bại, đó là nguồn vốn ban đầu phải được bắt nguồn từ chính bản thân người khởi nghiệp, từ cộng sự cùng tham gia và chính gia đình. Con đường gọi vốn từ các quỹ đầu tư thiên thần, mạo hiểm hoàn toàn không đơn giản. Khi khởi nghiệp hay khi làm bất cứ chuyện gì luôn có may mắn và cả rủi ro, tức sẽ có người thành công và có người thất bại. Có người thất bại đứng lên tiếp tục con đường khởi nghiệp dù không dễ dàng. Bên cạnh đó, bạn trẻ lần đầu tiên khởi nghiệp kinh nghiệm thương trường hầu như chưa có. Vì thế, đây là lúc họ cần vai trò hỗ trợ của Nhà nước - được coi như tiếp “nhiên liệu” ban đầu, tạo động lực cho họ.
Nhận định về Quỹ đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo TPHCM giai đoạn 2016-2020, Tạ Minh Tuấn cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, điều các startup cần là một môi trường khởi nghiệp thực sự tốt. Ở đó có sự tham gia của nhiều cá nhân, chuyên gia, chủ doanh nghiệp, những người đi trước để chia sẻ những kinh nghiệm quý báu cho người đi sau. Bởi lẽ đa số startup hiện nay phải tự mày mò học hỏi và như vậy sẽ rất khó khăn, họ không có điều kiện, cơ hội để gặp những doanh nhân kỳ cựu. Chính vì thế cần có những nhóm, những tổ chức quy tụ những người như vậy để tham gia startup. Hiện trong số những bạn trẻ chọn con đường khởi nghiệp, những người du học trở về cũng có, những bạn học trong nước cũng có. Song với bạn trẻ học hành trong nước, nền tảng kiến thức đôi khi yếu hơn so với những bạn đi du học. Thế nên mới có chuyện sinh viên ra trường nhưng khi đi làm lại phải học lại từ đầu. Nói như thế để thấy rằng Nhà nước cần xây dựng một nền tảng giáo dục vững chắc, tạo bước đệm cho những đam mê, dám dấn thân của các bạn trẻ.