BÁC HỒ VỚI CUỘC TỔNG TUYỂN CỬ 70 NĂM TRƯỚC

Bài học lòng dân, phát huy sức mạnh Nhân dân

(ĐTTCO) - 70 năm qua, Quốc hội đã trải qua quá trình hình thành và phát triển gắn liền với lịch sử cách mạng nước nhà. Mỗi nhiệm kỳ là bước trưởng thành của một thể chế đại diện, đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn lập hiến và lập pháp, giám sát các vấn đề quan trọng của đất nước, là tiền đề quan trọng để Quốc hội khóa sau tiếp tục thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ, mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Đầu Xuân Bính Thân cũng là dịp cả nước kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (6-1-1946 - 6-1-2016), một mốc lịch sử của đất nước Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ.

(ĐTTCO) - 70 năm qua, Quốc hội đã trải qua quá trình hình thành và phát triển gắn liền với lịch sử cách mạng nước nhà. Mỗi nhiệm kỳ là bước trưởng thành của một thể chế đại diện, đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn lập hiến và lập pháp, giám sát các vấn đề quan trọng của đất nước, là tiền đề quan trọng để Quốc hội khóa sau tiếp tục thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ, mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Đầu Xuân Bính Thân cũng là dịp cả nước kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (6-1-1946 - 6-1-2016), một mốc lịch sử của đất nước Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ.

Đấu trí với kẻ thù

Sau ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập trước toàn dân và công bố trước thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng quyết định và khẩn trương triển khai cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, để bầu ra Quốc hội - cơ quan quyền lực tối cao - và thành lập một Chính phủ chính thức của đất nước. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, mọi người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam nữ, đảng phái, tôn giáo… đều được hưởng quyền bầu cử và ứng cứ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu tại địa điểm số 10 Hàng Vôi, ngày 6-1-1946. (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu tại địa điểm số 10 Hàng Vôi,
ngày 6-1-1946. (Ảnh tư liệu)

Ngày 20-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34 về việc lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp trình Quốc hội và lập ra Ủy ban tổ chức Tổng tuyển cử để dự thảo các thể lệ về Tổng tuyển cử, từ số lượng đại biểu toàn quốc, từng tỉnh theo tỷ lệ dân số cho đến cách thức bầu. Chính phủ chọn ngày 23-12-1945 là ngày Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội của nước Việt Nam mới giành được độc lập, và danh sách ứng cử sẽ khóa sổ ngày 8-12-1945.

Tuy nhiên, bọn phản động thân Pháp, tay chân Quốc dân đảng như Việt Quốc, Việt Cách, Đại Việt ra sức chống phá tiến trình chuẩn bị bầu cử. Bọn chúng vừa ỷ vào hậu thuẫn của lực lượng quân đội Quốc dân đảng hùng hậu đang có mặt ở miền Bắc và Hà Nội đưa ra nhiều đòi hỏi ngang ngược, khiêu khích, gây áp lực với Chính phủ ta, vừa dùng các phương tiện truyền thông, báo chí như các tờ Việt Nam, Thiết Thực, Đồng Tâm, Tự Do, Phục Quốc… rêu rao rằng không thể Tổng tuyển cử vì 90% dân số mù chữ, dân trí thấp kém không đủ năng lực thực hiện quyền công dân và nên tập trung vào chống xâm lược, không nên mất thời gian vào bầu cử. Chúng còn nhờ cậy đại diện quân đội Quốc dân đảng gây sức ép và gửi yêu sách cho Chính phủ ta đòi 80 ghế cho các đảng Việt Quốc, Việt Cách trong Quốc hội sắp được bầu.

Trước tình hình căng thẳng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn bình tĩnh, sáng suốt, mềm dẻo, khéo léo trong cách ứng xử nhưng cương quyết giữ vững chủ quyền và mục tiêu Tổng tuyển cử Chính phủ đã đặt ra. Đối với các lãnh đạo quân đội Quốc dân đảng, Người chủ động, linh hoạt, trực tiếp gặp xã giao để thuyết phục họ bằng uy tín, trí tuệ và kinh nghiệm chính trị. Nhưng do bản chất ngoan cố, các thế lực phản động vẫn chống phá ta, thậm chí chúng dò tìm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để quấy nhiễu, khiêu khích.

Cuộc Tổng tuyển cử lịch sử

Ngày 8-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh lùi cuộc Tổng tuyển cử tới ngày Chủ nhật 6-1-1946, danh sách ứng cử sẽ chốt ngày 27-12-1945, bọn phản động càng hung hăng, liên tiếp gây rối. Chúng tăng cường phân phát báo lá cải, tổ chức biểu tình ở Bờ Hồ nói xấu Chính phủ nhưng bị đồng bào phẫn nộ phản đối nên phải bỏ cả cờ băng, biểu ngữ, loa tháo chạy. Một số nhóm quá khích còn gây ra những vụ bắt cóc, ám sát các đại diện của Việt Minh. Ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khu Việt Nam học xá (nay là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) dự cuộc mít tinh ủng hộ cuộc Tổng tuyển cử của hơn 2 vạn đồng bào Hà Nội. Một số tên trùm các tổ chức chính trị phản động cũng lợi dụng dịp này kéo quân đến lôi kéo quần chúng, nói xấu Chính phủ. Lực lượng trinh sát của Sở Liêm phóng Hà Nội (Sở Công an) đã phát hiện một số tên khủng bố trà trộn vào đám đông nên lập tức bám sát kiềm chế khiến chúng không thể manh động.

Mặc dù Chính phủ lâm thời đã chủ động thỏa hiệp với các đảng phái chính trị khác về cuộc Tổng tuyển cử nhưng bọn phản động vẫn âm mưu lên kế hoạch phá hoại nhằm đúng vào ngày bầu cử. Để đảm bảo cho Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu công khai và an toàn tại hòm phiếu số 10 phố Hàng Vôi, các đơn vị trinh sát công an bí mật làm công tác an ninh tại địa điểm này từ sáng sớm và điều thêm một đơn vị giải phóng quân đến chốt ở những vị trí quan trọng. Các đồng chí cảnh vệ còn bố trí lực lượng công an làm công tác trật tự nghi binh tại các điểm bỏ phiếu ở Bạch Mai, Nguyễn Thái Học và Khâm Thiên.

Với sự khéo léo, nhưng cũng rất cương quyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, một cuộc Tổng tuyển cử của thể chế dân chủ Nhân dân thành công rực rỡ, minh chứng cho sự biến đổi thân phận của người Việt Nam từ nô lệ trở thành người tự do, tự quyết định vận mệnh của mình, tự mình lựa chọn các đại biểu đại diện cho ý chí nguyện vọng và chế độ xã hội mà trong đó mỗi người dân đều được hưởng quyền tự do bình đẳng.

Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu được công nhận tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I, ngày 2-3-1946. (Ảnh tư liệu)

Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu
được công nhận tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I, ngày 2-3-1946. (Ảnh tư liệu)

Ngày 5-1-1946, trước bầu cử một ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu in trên Báo Cứu quốc số 134 ra ngày 5-1-1946 với những lời lẽ thắm thiết, mạnh mẽ kêu gọi, động viên, cổ vũ quốc dân đi bỏ phiếu: "Ngày mai mùng 6 tháng Giêng năm 1946. Ngày mai, là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ", "Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà Nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình"; "Ngày mai, quốc dân sẽ tỏ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam ta đã: Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết chống bọn thực dân, kiên quyết tranh quyền độc lập"; "Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh vác việc nước"; "Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do"...

Thắng lợi của khối đại đoàn kết dân tộc

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc Tổng tuyển cử đã thực sự là ngày hội lớn của mọi người dân, khắp nơi đồng bào đã tổ chức những cuộc rước đèn, rước đuốc, rước ảnh Bác Hồ, biểu diễn văn nghệ; các đoàn thể chính trị mở những cuộc tuyên truyền rầm rộ cho ứng cử viên của mình; khẩu hiệu vận động bầu cử được treo trên các đường phố, xóm ngõ; báo chí ra số đặc biệt về Tổng tuyển cử. Đặc biệt, đồng bào và ủy ban hành chính nhiều nơi gửi thư cho Chính phủ đề nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh không cần ra ứng cử ở một thành phố hoặc một tỉnh nào, để Nhân dân cả nước có thể bỏ phiếu cho Người. Ai cũng muốn được ghi tên Hồ Chí Minh trên lá phiếu của mình.

Trước tấm thịnh tình, kính yêu và tuyệt đối tín nhiệm của đồng bào, đồng chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư ngỏ: "Tôi rất cảm động được đồng bào yêu quý mà đề nghị tôi không phải ra ứng cử, đồng bào các nơi cử tôi vào Quốc hội. Nhưng tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của cuộc Tổng tuyển cử đã định. Tôi ra ứng cử ở Hà Nội, nên cũng không thể ứng cử ở nơi nào nữa. Xin cảm tạ đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ người công dân trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới".

7 giờ sáng 6-1-1946, khắp Hà Nội rộn vang tiếng trống, tiếng chuông, tiếng pháo nổ vang lừng báo hiệu cuộc Tổng tuyển cử bắt đầu. Trên cả nước từ nông thôn đến thành thị đâu đâu cũng rực rỡ cờ hoa, người dân nô nức đi bỏ phiếu, sử dụng quyền làm chủ thực sự của mình. Bất chấp tình hình chính trị phức tạp tại Nam bộ và Nam Trung bộ, cuộc bầu cử diễn ra trong tiếng đại bác gầm rú, tiếng đạn réo inh tai của quân thù. Ở vùng tạm chiếm Sài Gòn, Chợ Lớn, Mỹ Tho đều có người ra ứng cử, các hòm phiếu được bí mật chuyển từ nhà này sang nhà khác, từ phố nọ sang phố kia. Ở Tân An, Khánh Hòa máy bay Pháp đã dội bom xuống các khu vực bầu cử làm nhiều người chết và bị thương. Lòng dân, ý chí của dân đã vượt qua mọi sự hiểm nguy, thách thức, hơn 90% cử tri đã tham gia bầu cử, một thành công to lớn của cuộc Tổng tuyển cử.

Cử tri Hà Nội bỏ phiếu ngày 6-1-1946. (Ảnh tư liệu)

Cử tri Hà Nội bỏ phiếu ngày 6-1-1946. (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến làm nghĩa vụ công dân tại nhà số 10 phố Hàng Vôi. Sau đó Người đi thăm một số phòng bỏ phiếu ở các phố Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Trống, Thụy Khuê, Ô Đông Mác, làng Hồ Khẩu và làng Bưởi rồi trở về Bắc bộ Phủ làm việc. Kết quả Tổng tuyển cử, cử tri cả nước đã bầu được 333 đại biểu vào Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử 98,4% số phiếu bầu, một bằng chứng hùng hồn về uy tín tuyệt đối của Bác Hồ kính yêu trong các tầng lớp Nhân dân. Mặt trận Việt Minh cũng thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử, các ứng cử viên của Mặt trận đã thu được tuyệt đại đa số phiếu. Trong số ứng cử viên được bầu vào Quốc hội, có 105 đảng viên Đảng Cộng sản ứng cử với tư cách độc lập.

Ngày 2-3-1946, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa họp phiên thứ nhất tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng các thành viên mới của Chính phủ, đoàn cố vấn, Ủy ban Kháng chiến đọc lời tuyên thệ: "Trước bàn thờ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, thề xin cương quyết lãnh đạo Nhân dân kháng chiến thực hiện nền dân chủ cộng hòa Việt Nam, mang lại tự do, hạnh phúc cho dân tộc".

“…Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân...”.

"... Trong cuộc Toàn quốc đại biểu đại hội này, các đảng phái đều có đại biểu mà đại biểu không đảng phái cũng nhiều, đồng thời phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số cũng đều có đại biểu. Vì thế cho nên các đại biểu trong Quốc hội này không phải đại diện cho một đảng phái nào mà là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam. Ðó là một sự đoàn kết tỏ ra rằng lực lượng của toàn dân Việt Nam đã kết lại thành một khối...".

"... Quốc hội ta là Quốc hội của toàn dân, được bầu ra theo luật tuyển cử rất dân chủ: tự do, phổ thông, bỏ phiếu kín, mặc dầu hoàn cảnh nước ta lúc đó cách mạng mới thành công, nạn ngoại xâm đang đe dọa. Vì vậy, Quốc hội ta là tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết của toàn dân, cho chí khí quật cường của dân tộc, cho quyết tâm độc lập, thống nhất của toàn thể đồng bào ta từ Bắc đến Nam... Quốc hội là tiêu biểu ý chí thống nhất của dân tộc ta, một ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi, đã góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Pháp, đem lại hòa bình cho đất nước...”.

"... Khóa Quốc hội này là khóa Quốc hội phát triển dân chủ  của Nhà nước, dân chủ với Nhân dân, chuyên chính với kẻ thù của Nhân dân... Mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường chuyên chính để làm cho chính quyền ta ngày càng thật sự là chính quyền của Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chống lại kẻ thù của Nhân dân…”.

“…Khóa Quốc hội này là khóa Quốc hội đoàn kết. Ở đây, có đại biểu của tất cả các giai cấp yêu nước, của tất cả các dân tộc anh em, các tôn giáo, các đảng phái, của đồng bào Bắc, Trung, Nam. Tất cả chúng ta đều phải tăng cường đoàn kết... Quốc hội đoàn kết nhất trí, toàn dân đoàn kết nhất trí, thì khó khăn nào chúng ta cũng khắc phục được và thắng lợi nhất định về tay ta...".

“…Từ giờ về sau, Quốc hội và Chính phủ còn có những gánh nặng nề, phải bước qua nhiều sự khó khăn, nhưng tôi chắc rằng quốc dân sẽ nhất trí, dựa vào sức đoàn kết mà làm việc, và như thế thì dù có khó khăn đến đâu, kháng chiến sẽ thắng lợi và kiến quốc sẽ thành công. Bây giờ Chính phủ lâm thời giao lại quyền cho Quốc hội để tổ chức một Chính phủ mới: một Chính phủ kháng chiến và kiến quốc”.

(Trích diễn văn khai mạc và báo cáo trước Quốc hội về việc thành lập Chính phủ kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 2-3-1946)

Các tin khác