Cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế và khủng hoảng nợ công ở EU đã làm giảm tốc độ tăng trưởng của các nước, đồng thời bộc lộ những khuyết tật trong mô hình liên kết cũng như của từng nền kinh tế, khiến cả EU phải đối mặt với vòng luẩn quẩn của tăng trưởng thấp, thất nghiệp cao, an sinh xã hội nặng nề. Đây là kinh nghiệm Việt Nam cần rút tỉa.
Hoàn thiện thể chế, luật pháp
![]() |
Việt Nam hiện nay đang phải giải quyết rất nhiều vấn đề về tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững: hệ số ICOR cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, thiếu lao động trong một số ngành kỹ năng cao, nhưng lại thừa lao động kỹ năng thấp, tăng trưởng dựa quá nhiều vào tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường.
Trong chiến lược phát triển đất nước tới 2020, Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm tăng trưởng nhanh, bền vững về cả môi trường và xã hội. Về cơ bản, các mục tiêu đặt ra cũng gần giống với các nước Đông Âu.
Tuy không áp dụng một cách máy móc các bài học của các nước chuyển đổi Đông Âu, nhưng những thành tựu, hạn chế trong hơn 20 năm chuyển đổi và hội nhập cũng như những cố gắng vượt qua khủng hoảng, đổi mới mô hình tăng trưởng của Ba Lan và Hungary là những gợi mở tốt cho Việt Nam trong việc thực hiện chiến lược phát triển tới 2020.
Thể chế kinh tế không phải là sản phẩm của một quá trình lịch sử tự nhiên, chúng xuất hiện do một cuộc cải cách đầy nỗ lực, trong đó vai trò của nhà nước là rất quan trọng. Cho dù hiện nay còn tranh luận nhiều về mức độ và biện pháp can thiệp của nhà nước vào thị trường, nhưng một điều hiển nhiên là thị trường không thể tự xây dựng thể chế cho chính mình, chỉ có nhà nước là chủ thể duy nhất đảm trách nhiệm vụ này. |
Qua kinh nghiệm liên kết thị trường ở EU cho thấy thị trường càng tự do thì luật pháp càng phải chặt chẽ. Những cơ chế và hệ thống thị trường được hình thành và hoàn thiện ở các nước EU bằng con đường tự nhiên và trong suốt hàng trăm năm, còn luật lệ hay những thành quả của cộng đồng cũng được hoàn thiện trong suốt nửa thế kỷ qua.
Luật pháp cũng như các thể chế của nền kinh tế thị trường khu vực đạt trình độ liên kết rất cao của EU được hòa hợp vào các nền kinh tế chuyển đổi Đông Âu trong một thời gian rất ngắn, chỉ 10 năm nếu tính từ thời điểm EU đưa ra tiêu chuẩn Copenhagen.
Chúng ta đang trong giai đoạn hoàn thiện nền kinh tế thị trường, đáp ứng các yêu cầu hội nhập của Tổ chức thương mại thế giới, hướng tới Cộng đồng ASEAN, các Hiệp định thương mại tự do như TPP, FTA song phương với EU, FTA ASEAN-Trung Quốc.
Việc hoàn thiện luật pháp, thể chế theo hướng quốc tế hóa của một nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập hiệu quả với khu vực và thế giới trong thời gian không dài trước mắt là một thách thức to lớn. Hơn nữa, không chỉ xây dựng luật pháp mà đòi hỏi luật pháp được vận hành, đảm bảo hiệu lực.
Tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng
Cạnh tranh và hội nhập luôn song hành, đây là 2 mặt của 1 vấn đề. Muốn hội nhập chúng ta phải cải thiện khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh mới có thể hội nhập một cách sâu rộng, hiệu quả.
Những kinh nghiệm đảm bảo khả năng cạnh tranh của các nước Đông Âu trong điều kiện hội nhập với các nền kinh tế phát triển hơn hẳn cũng đòi hỏi vai trò định hướng quan trọng của nhà nước trong việc tập trung nguồn lực thực hiện các mục tiêu ưu tiên: (i) Tăng đầu tư cho khoa học, công nghệ, giáo dục và đào đạo; nâng cao nguồn lực con người, tạo ra một thị trường lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề cao.
(ii) Xây dựng các hạ tầng hiện đại như giao thông, viễn thông, năng lượng... (iii) Ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng đồng bộ các chính sách kinh tế, đảm bảo các doanh nghiệp có thể quyết định những chiến lược dài hạn cho mình.
(iiii) Cải tổ các doanh nghiệp nhà nước theo hướng giảm dần bao cấp, hỗ trợ, đồng thời chú trọng phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo đảm một môi trường cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp ở ngay thị trường trong nước.
Muốn tiếp tục đổi mới, hội nhập sâu rộng hơn, hiệu quả hơn, Việt Nam không chỉ xây dựng các thể chế, mà điều quan trọng hơn là đảm bảo cho các thể chế vận hành thông suốt, nâng cao hiệu lực của pháp luật. |
Về đầu tư công, vai trò của Nhà nước trong đầu tư cần tập trung tạo động lực cho phát triển kinh tế thị trường, xây dựng thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng.
Tuy nhiên, trong phát triển hạ tầng, xu thế của các nước là rút dần các doanh nghiệp công hữu trong các lĩnh vực độc quyền tự nhiên như giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, năng lượng... mà hướng đầu tư công sang phát triển khoa học công nghệ, giáo dục, tạo đòn bẩy để chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang hướng tri thức, xanh sạch, bền vững về môi trường và xã hội.
Kinh nghiệm quốc tế và các nước Đông Âu cho thấy cần phải xác lập tính độc lập của ngân hàng trung ương trong vận hành chính sách tiền tệ. Việc điều tiết tỷ giá, lãi suất, lạm phát là những công cụ vĩ mô quan trọng cần ổn định và dự báo được.
Đồng thời Ngân hàng trung ương cần tăng cường các biện pháp, chế tài nhằm kiểm soát, cảnh báo rủi ro của hệ thống ngân hàng, hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình hội nhập với khu vực và thế giới. Chính sách tài khóa và ngân sách ngoài việc tăng cường hiệu quả thu chi, bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, nhưng cũng cần minh bạch, dự báo được để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp.
Về chính sách nợ công, cần nêu rõ cơ quan quyết định chính sách, nội dung cơ bản của chính sách là gì và chính sách đó được xây dựng dựa trên những cơ sở khoa học nào. Cần bổ sung quy định để định nghĩa chiến lược nợ theo những khuyến nghị của các chuyên gia WB và IMF, phù hợp với điều kiện của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Đồng thời phải quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch các khoản nợ của các ngân hàng thương mại, nhằm không chỉ khai thông “cục máu đông” trong lưu thông tín dụng mà còn tránh rủi ro “đạo đức” làm gia tăng nợ công như những diễn biến hiện nay ở EU.