Thị trường chứng khoán bùng nổ
Theo dữ liệu, chỉ số thị trường chứng khoán (TTCK) quốc gia (MSCI) trung bình của các quốc gia đăng cai 7 kỳ World Cup trước đây (trừ Brazil) đã tăng 21,8% trong năm trước khi diễn ra World Cup, và 13,4% trong năm tiếp theo. Trong khi đó, chỉ số MSCI toàn cầu chỉ tăng trưởng trung bình lần lượt 4,3% và 9,5%. Chỉ có Brazil là ngoại lệ, TTCK nước này đã giảm tới 34% vào năm đăng cai World Cup 2014. Tuy nhiên, lý do không phải bởi World Cup, mà do các điều kiện trong nước lúc đó, như lạm phát cao và khủng hoảng chính trị.
Tuy nhiên, 2022 là năm với nhiều điều kiện bất lợi, như cuộc chiến giữa Nga-Ukraine đe dọa thị trường năng lượng, các chính sách Zero Covid ở Trung Quốc đe dọa chuỗi cung ứng, những biện pháp thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương, dẫn đầu là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đang khiến lãi suất đắt đỏ và nguồn cung tiền khó khăn hơn. Liệu World Cup có đủ sức đánh bại những bất lợi này để giúp TTCK Qatar bùng nổ như đa số chủ nhà trước đó?
Trên Sàn Giao dịch chứng khoán Qatar (QSE), 20 cổ phiếu lớn nhất và có tính thanh khoản cao nhất đã tăng tới 24,7% từ đầu năm 2022 đến ngày 11-4, nhưng sau đó giảm xuống mức gần như đi ngang vào cuối tháng 6 và tăng trở lại 12,1% tính đến ngày 5-9. Mức tăng này có vẻ không nhiều, nhưng đó là con số vượt trội so với hầu hết thị trường lớn trong khu vực và toàn cầu trong 8 tháng năm nay. Nhìn rộng hơn, kể từ khi Qatar bắt đầu công tác chuẩn bị cho World Cup cách nay 5 năm, TTCK Qatar đã tăng hơn 50%. Trong cùng khoảng thời gian đó, chỉ số chung về TTCK các thị trường mới nổi giảm hơn 20%, và chỉ số TTCK toàn cầu chỉ tăng 15-18%.
“Show hàng” Qatar hiện đại
Kể từ năm 2010, sau khi cầm chắc tấm vé đăng cai World Cup 2022, Qatar đã chi hơn 300 tỷ USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng, bao gồm hệ thống tàu điện ngầm Doha, hàng ngàn km đường và cao tốc, 1 cảng mới, 1 sân bay mới, thậm chí là 1 thành phố mới, cũng như thúc đẩy các cơ sở dầu khí trong nước. “Nhờ World Cup nhiều dự án cấp nhà nước đã được đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành sớm” - Akber Khan, Giám đốc cấp cao Quỹ quản lý tài sản Al Rayan Investment có trụ sở ở Doha, nhận định.
Như vậy, có 2 lý do để con số 300 tỷ USD đầu tư cơ sở hạ tầng không bị lỗ. Thứ nhất, nhiều dự án không hoàn toàn để phục vụ trực tiếp cho World Cup, mà cho trung hạn và dài hạn. Thứ hai, lợi ích mang lại từ đăng cai World Cup không thể tính toán bằng tiền. Dù vậy, các nhà phân tích tin lợi nhuận của World Cup đối với kinh tế của Qatar dự kiến kéo dài sang năm tới, chủ yếu từ chi tiêu xây dựng, bất động sản, du lịch và bán lẻ. “Mục tiêu của Qatar là sử dụng sự kiện này làm bàn đạp để giới thiệu các dịch vụ của mình, hy vọng sẽ thúc đẩy lượng khách du lịch quốc tế từ 2,1 triệu năm 2019 lên 6 triệu mỗi năm vào 2030” - Saugata Sarkar, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của QNB Financial Services, nói.
Bên cạnh giá dầu và khí đốt cao, dòng vốn đầu tư nước ngoài ròng đáng kể giúp Qatar được coi là nơi trú ẩn an toàn. Và với việc đăng cai tổ chức World Cup 2022 đang diễn ra, quốc gia này cũng tiến hành mở rộng các cơ sở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để tăng gần gấp đôi sản lượng khí đốt, dần trở thành nhà sản xuất chính của thế giới. Theo Sarkar, những yếu tố thúc đẩy này sẽ là chất xúc tác “chất lượng cao” giúp phát triển hoặc ổn định nền kinh tế Qatar, bất chấp bối cảnh toàn cầu đầy rủi ro. Còn dự báo của QNB Financial Services sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng giá dài hạn đối với cổ phiếu của Qatar.
Thực tế, tăng trưởng kinh tế của Qatar gắn liền với sản xuất khí đốt. Mohsin Mujtaba, Giám đốc Sản xuất và phát triển của QSE, cho biết với nhu cầu mới đến từ châu Âu do cuộc xung đột Nga-Ukraine, Qatar là nhà sản xuất có chi phí thấp nhất nên có khả năng hấp thụ tốt hơn trước những tác động tiêu cực suy thoái kinh tế có thể gây ra đối với giá năng lượng. Điều đó sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài khi họ tìm cách tái cân bằng danh mục đầu tư của mình, trong bối cảnh rủi ro suy thoái toàn cầu ngày càng lớn.
Hiệu quả lâu dài
Hiệu quả lâu dài
Theo các chuyên gia, các dự án do chính phủ Qatar khởi xướng để tổ chức World Cup 2022 sẽ có tác động lâu dài đối với các công ty niêm yết trong nhiều lĩnh vực. Giám đốc điều hành BDSwiss MENA, Daniel Takieddine, cho biết việc hàng trăm ngàn du khách đến xem giải đấu bóng đá kéo dài 1 tháng, sẽ có tác động ngay lập tức đến doanh thu du lịch, nhà hàng khách sạn và các dịch vụ liên quan. Không chỉ vậy, sẽ có những tác động lâu dài hơn đối với nền kinh tế và thị trường tài chính trong nước. Chẳng hạn, với giải đấu kéo dài và được theo dõi từ khắp nới trên thế giới như World Cup, sẽ thu hút sự chú ý từ các cá nhân cũng như công ty đến Qatar với tư cách là điểm du lịch và điểm đến đầu tư thúc đẩy dòng vốn chảy vào.
Oliver Kent, Giám đốc điều hành ZK Sports & Entertainment có trụ sở tại Dubai, cho rằng World Cup là sự khởi đầu của loạt sự kiện quy mô lớn, sẽ thu hút số lượng lớn du khách, thúc đẩy ngành du lịch trong dài hạn. Còn Giám đốc điều hành Qatar 2022, Nasser al-Khater, dự đoán World Cup sẽ đóng góp 17 tỷ USD cho nền kinh tế Qatar trong thời gian diễn ra sự kiện này, và các ngành được hưởng lợi chính gồm khách sạn, trung tâm thương mại, cửa hàng và bán lẻ. Khan của Al Rayan Investment cho biết một số công ty niêm yết vừa và nhỏ đã giành được hợp đồng của chính phủ, với tư cách là nhà cung cấp cho các công ty lớn hơn trong vài năm qua sẽ được hưởng lợi. Những công ty này bao gồm các công ty cung cấp đá ốp lát và vật liệu xây dựng, cũng như dịch vụ cho thuê căn hộ và an ninh, cùng những công ty khác.
Đầu tư hàng trăm tỷ USD cho World Cup 2022, lợi nhuận đối với kinh tế của Qatar dự kiến kéo dài sang năm tới, chủ yếu từ chi tiêu xây dựng, bất động sản, du lịch và bán lẻ. |