Phương án tăng lương tối thiểu 15-17% sau khi được các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia tán thành bỏ phiếu, đang được Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ ngay trong tháng 9 này. Nếu được thông qua, lương tối thiểu sẽ chính thức được điều chỉnh từ ngày 1-1-2014.
Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tại một số doanh nghiệp, mức lương tối thiểu hiện nay mới đáp ứng 62-63% mức sống tối thiểu người lao động. Cơ quan này đề xuất 2 phương án tăng lương tối thiểu với mức tăng tương ứng 24-36% và 21-32% nhằm đáp ứng 75-84% mức sống tối thiểu người lao động. Nếu căn cứ theo kết quả khảo sát trên, việc tăng lương tối thiểu nhằm bảo đảm đời sống người lao động hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên, xét trên tình hình thực tế hiện nay, việc tăng lương này không đơn giản, bởi ngay sau khi có đề xuất về tăng lương đã xuất hiện nhiều ý kiến phản ứng.
Lý do câu chuyện tăng lương gây băn khoăn bởi trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh khó khăn, các doanh nghiệp sẽ khó có thêm nguồn để điều chỉnh tăng lương. Hiện nay, chịu nhiều tác động nhất của lương tối thiểu chủ yếu là những ngành, nghề năng suất lao động chưa cao, như chế biến thủy - hải sản, dệt may, da giày, chế biến gỗ... Vì thế, việc tăng lương tối thiểu có thể không tác động đến đại bộ phận lao động như kỳ vọng.
Bên cạnh đó, do tiền lương tối thiểu thường được xác định là tham chiếu để tính toán tiền đóng bảo hiểm y tế, nên điều chỉnh thông số này doanh nghiệp và người lao động sẽ phải đóng tiền mua bảo hiểm y tế nhiều hơn. Lương của lao động không tăng, song các khoản đóng góp tăng cũng có nghĩa là thu nhập thực chất giảm đi.
Một vấn đề lớn khác cần được xem xét khi nghiên cứu thị trường lao động và tiền lương là phải đảm bảo hài hòa các mục tiêu. Đó là tăng lương tối thiểu để đáp ứng nhu cầu đời sống tối thiểu của người lao động, nhưng mức độ tăng cũng như lộ trình tăng phải đảm bảo giữ tốc độ tạo việc làm của xã hội.
Bởi mỗi năm cả nước có thêm khoảng 1,7 triệu người lao động cần việc làm. Nghĩa là trong 1 năm nếu tăng tiền lương và chi phí lao động quá cao sẽ khiến quỹ lương không đảm bảo, nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ phải cắt giảm nhu cầu lao động. Như vậy, nhu cầu tuyển lao động giảm đi trong khi số người cần việc làm không giảm.
Phương án tăng lương tối thiểu có khả năng giải quyết được một phần đời sống của người có việc làm, nhưng không giải quyết được nhiều nhu cầu việc làm mới cho người chờ việc đến tuổi, cùng đó là khả năng một bộ phận lao động có thể mất việc do chủ doanh nghiệp thu hẹp sản xuất. Xét về tổng thể hiệu quả xã hội của việc tăng lương sẽ không đạt được.
Một khả năng khác cũng được đặt ra, theo đó dù lương tối thiểu tăng lên, người lao động cũng không hề được hưởng lợi. Theo phân tích của một số chuyên gia, mức lương tối thiểu hiện nay chỉ là sàn thấp nhất để doanh nghiệp áp dụng. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã trả người lao động mức cao hơn lương tối thiểu.
Vì thế khi lương tối thiểu được tăng lên, doanh nghiệp sẽ không điều chỉnh nữa. Như vậy, tổng thu nhập người lao động ở những doanh nghiệp này không tăng, thậm chí giảm, nhưng cả doanh nghiệp và người lao động phải đóng thêm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Từ đây doanh nghiệp thường dựa vào giá bán sản phẩm và năng suất lao động để có thể dần điều chỉnh tăng giá. Đó là chưa kể chuyện lâu nay vẫn thường xảy ra là “lương chưa tăng giá đã tăng”, “lương tăng một, giá tăng mười”.
Để quá trình tăng lương đạt hiệu quả mong muốn là đảm bảo đời sống tối thiểu người lao động, vấn đề cần triển khai đồng thời là phải giảm giá thành các mặt hàng thiết yếu, tránh tình trạng lương chưa tăng giá thị trường đã tăng. Đây rõ ràng là bài toán khó giải trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang loay hoay dưới đáy, sản xuất kinh doanh vẫn chồng chất khó khăn.
Bên cạnh đó, hiện nay dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang được cảnh báo có thể bị chuyển hướng sang một số nước khác trong khu vực có tốc độ cải cách nhanh hơn. Việc tăng lương tối thiểu chắc chắn sẽ là một “điểm trừ” trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, bởi cho đến nay lao động giá rẻ vẫn đang là một lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.
Xét về dài hạn, việc tăng lương tối thiểu để bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động là rất cần thiết. Tuy nhiên, lộ trình và mức tăng như thế nào cần được tính toán kỹ. Với những phân tích như ở trên, việc điều chỉnh tăng 15-17% lương tối thiểu ngay từ đầu năm 2014 khó có thể nhận được sự đồng thuận và hiệu quả mang lại cũng không được như mong muốn.