Bản chất mở của thông tin trên internet đã góp phần thúc đẩy tính công khai, minh bạch trong xã hội. Tuy nhiên, chính vì tính chất mở nên thông tin trên internet cũng chứa đựng không ít những mặt trái, tiêu cực, trong đó có những vấn đề khá nghiêm trọng. Đối mặt với thông tin trong thế giới phẳng là một trong những thách thức lớn đặt ra đối với báo chí thời điểm này.
Hết thời độc quyền thông tin
Trong thời đại bùng nổ thông tin, sự phát triển đa dạng, phong phú của các loại hình thông tin trên internet với các báo điện tử, trang tin điện tử tổng hợp, blog cá nhân và mạng xã hội đã có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh, phong phú, đa dạng, nhiều chiều của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Theo thống kê của Công ty We are Social, tính đến thời điểm ngày 1-1-2015, Việt Nam có 39,8 triệu người dùng internet, chiếm 44% dân số cả nước; 28 triệu người thiết lập tài khoản mạng xã hội, chiếm 31% dân số. Facebook cũng cho biết Việt Nam hiện có khoảng 19,6 triệu tài khoản của mạng xã hội này và 24 triệu người sử dụng tài khoản xã hội trên di dộng; trung bình mỗi ngày một người tiêu tốn 3 giờ 4 phút trên mạng xã hội và Việt Nam có 128,3 triệu thuê bao kết nối mạng di động, tương đương với mỗi người sở hữu 1,4 thuê bao.
Những con số nói trên cho thấy công nghệ truyền thông ở Việt Nam phát triển quá nhanh. Điện thoại di động đã làm thay đổi cách thức người dân truy cập và sử dụng thông tin. Chỉ trong thời gian ngắn, những nền tảng về mặt kỹ thuật của báo chí Việt Nam cũng đã kịp thay đổi một cách toàn diện với việc ra đời và phát triển của 90 tờ báo điện tử, 1.516 trang tin điện tử tổng hợp và gần 400 mạng xã hội.
Công nghệ truyền thông mang tính đột phá ngày càng mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cho người làm báo. Trước những hệ thống mạng ra đời ngày càng nhiều, cho phép người dùng chia sẻ thông tin ngay tức khắc ở khắp nơi và dễ dàng tiếp cận, các cơ quan truyền thông chính thống sẽ ngày càng chậm chạp trong lĩnh vực thông tin dù họ có đội ngũ phóng viên giỏi và nguồn tin nhiều.
Các phóng viên đang tác nghiệp. Ảnh: LONG THANH |
Chia sẻ vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng sự phát triển của mạng xã hội đang đặt ra cho báo chí truyền thống nhiều vấn đề như tính nhanh nhạy của thông tin, tuổi thọ của tin tức... Trước đây, một tờ báo in có thể để tin hàng tuần vẫn không lạc hậu, nhưng giờ đây, trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển như vũ bão, chỉ sau 1 phút, thậm chí vài giây thông tin đã cũ rồi. Độ trễ thời gian và tuổi thọ thông tin ngắn ngủi là sức ép khiến không ít cơ quan báo chí, nhất là báo điện tử và trang thông tin điện tử, sử dụng bừa bãi những nguồn tin không chính thống dẫn đến sai phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến xã hội…
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí, cho rằng chúng ta đang sống trong thời đại thông tin mang tính toàn cầu. Khi đã có thông tin trên mạng, thông tin không còn trong phạm vi quốc gia, vì thế một số quy định như phạm vi phát hành, phủ sóng không còn ý nghĩa nữa. Hiện nay, mọi người đều có thể tham gia thông tin, không phải chỉ có báo chí, tức báo chí hiện nay không còn độc quyền thông tin. Chẳng hạn, một vụ tai nạn, người dân chứng kiến có thể thông tin bằng việc đưa lên các mạng xã hội… Khi đưa lên như thế cả thế giới đều biết chứ không chỉ riêng quốc gia. Người dân đang đứng trước thách thức là thị trường thông tin quá nhiều, vì thế trách nhiệm của báo chí hiện nay là thông tin phải chính xác.
“Xã hội loài người từ chỗ thiếu thông tin, nhờ sự hỗ trợ của phương tiện truyền thông, hiện lại đang bị nhiễu thông tin. Hãy làm người đọc khôn ngoan, lựa chọn cho mình thông tin chính thống nhất. Điều này đặt ra sứ mệnh cho báo chí phải dấn thân, đáp ứng nhu cầu của người đọc đang cần thông tin chính thống. Báo chí cũng phải độc quyền thông tin chính thống. Nhưng muốn độc quyền được, nhà báo phải có lòng yêu nghề, đặc biệt phải có bản lĩnh. Trong thời đại này, chỉ cần lười một chút có thể cắt, dán thông tin của người khác, biến thông tin đó thành thông tin của mình. Nhà báo phải có bản lĩnh, phải nghe “2 tai” nghe người dân, nghe cơ quan chức năng, đưa tin chính thống đến người dân” - ông Hoàng Hữu Lượng chia sẻ.
Tham gia cải tạo xã hội
Nhấn mạnh đến yếu tố tự thân của từng nhà báo, Thiếu tá Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô, cho biết cụm từ “trách nhiệm xã hội của báo chí” là một đề tài được thảo luận nhiều với vô vàn ý kiến đa chiều, ở cả lĩnh vực kỹ năng tác nghiệp cũng như đạo đức nghề nghiệp.
Vì thế, nói đến trách nhiệm xã hội của báo chí, trước hết phải là trách nhiệm xã hội của bản thân các nhà báo. Mọi sự vội vã, nôn nóng, thiếu tỉnh táo của nhà báo có khi lại cho những kết cục đáng tiếc. Để có được trách nhiệm xã hội, các nhà báo không thể tồn tại trạng thái ngại va chạm, nhìn trước đón sau sợ đụng, sợ vướng, làm báo kiểu xong việc thì thôi. Không thể có trách nhiệm xã hội khi không mảy may rung động, không ủng hộ cái tốt, không lên án cái xấu. Nhà báo mà vô cảm thì thật là nguy hại.
Ông Hồ Quang Lợi, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, nhấn mạnh: “Dù chúng ta có dùng kỹ năng điêu luyện như thế nào nhưng không phục vụ lợi ích dân tộc, cộng đồng, người dân thì báo chí chúng ta đi sai đường. Một khi báo chí đi sai đường thì nguy hại không lường trước được”.
Đồng tình với quan điểm này, ông Hoàng Hữu Lượng cũng cho rằng: Đối với nhà báo, sáng tạo ra tác phẩm là trách nhiệm xã hội, giúp xã hội phát triển, những thuần phong mỹ tục cần bảo vệ, những vi phạm đạo đức cần phê phán. Muốn làm như thế thông tin phải chính xác, trung thực.
Thông tin phải phù hợp với lợi ích của đất nước. Chúng ta đừng lấy cái cá biệt biến thành cái phổ biến. Thí dụ, cách đây vài năm, có báo đài đưa một số gia đình nông dân Bắc Giang phun thuốc trừ sâu trên vải. Dù thông tin chỉ trong phạm vi một gia đình, nhưng ngày hôm sau giá vải của cả tỉnh Bắc Giang lập tức hạ, xuất khẩu khó khăn...
Hay một sản phẩm dầu ăn đang được xuất khẩu, tiêu thụ tốt trên thị trường, nhưng chỉ với một thông tin vu vơ, không được kiểm chứng về chất không có lợi trong dầu ăn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, người thông tin báo chí phải khách quan, trung thực, gắn với trách nhiệm của nhà báo với xã hội, người hưởng thụ thông tin cuối cùng là người dân.