Nhớ lại lúc Ấn Độ thực hiện giãn cách, truyền thông quốc tế đưa tin nhiều người dân ở đây rất quan trọng việc làm và cái ăn hàng ngày hơn là nguy cơ bị nhiễm bệnh. Giãn cách là giải pháp tình thế. Một số quốc gia đã có kế hoạch sống chung với Covid-19. Còn Việt Nam bao giờ?
Chìa khóa là vaccine
Nhiều nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực y tế đã khuyến nghị mạnh mẽ việc phải sống chung với Covid-19. Nhưng việc này chỉ có thể khi phần lớn dân số đã chích đủ vaccine và đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng.
Các nước phát triển trong mấy tháng gần đây đã đẩy nhanh việc chích vaccine, Singapore và Australia cũng đã có lộ trình để thoát và sống chung với Covid-19.
Cái khó của Việt Nam hiện nay là tiếp cận với nguồn vaccine. Phải thừa nhận rằng việc chống dịch hiệu quả trong giai đoạn đầu vào thời điểm năm 2020 đã khiến chúng ta hơi chủ quan trong việc ưu tiên sự quan trọng của vaccine.
Các thỏa thuận mà Bộ Y tế đạt được với các đối tác cung cấp vaccine chậm hơn so với nhiều nước khác.
Lượng vaccine hiện nay Việt Nam có được chủ yếu là từ chương trình COVAX, và viện trợ với số lượng tương đối lớn của một số nước như Nhật Bản, Mỹ. Trong mấy tháng qua, Việt Nam cũng đã cố gắng rất nhiều trong chiến lược ngoại giao vaccine, từ việc tác động đến các nhà cung cấp đã ký, đến chính phủ các nước phát triển có nguồn vaccine dư thừa có thể giúp đỡ Việt Nam.
Bên cạnh đó, ngoại giao vaccine cũng tích cực trong việc hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, để đảm bảo có được nguồn vaccine ổn định lâu dài từ trong nước.
Số liệu mới nhất cho thấy, hiện chỉ có 4% dân số, tức khoảng 3,9 triệu người ở Việt Nam đã hoàn thành mũi thứ nhất của vaccine, còn số người đã hoàn thành mũi thứ hai chỉ là 0,2% dân số.
Mục tiêu của Việt Nam là có được 150 triệu liều vaccine, đủ cho 70% dân số, nhưng các thỏa thuận hiện nay có được mới ở mức 105 triệu liều. Tuy vậy, quan trọng hơn là thời điểm nhận được số vaccine này và triển khai chích trên diện rộng cho người dân.
Trong lúc chờ thì sao?
Trong lúc chờ thì sao?
Việc nới lỏng giãn cách chỉ có thể thực hiện tùy thuộc vào sức chịu đựng của hệ thống y tế trong lúc chờ đợi vaccine. Do vậy ngân sách cần phải chấp nhận bội chi trong những lúc ngặt nghèo như thế này, và nếu phải tạm ứng của tương lai. |
Có thể nhiều người chưa hình dung được, nhưng một ICU ở Pháp đi kèm với đó là một phòng riêng và ít nhất là 5 nhân viên y tế. Và trang thiết bị của một ICU phức tạp và không phải ai cũng biết sử dụng thành thạo hết các thiết bị này.
Chính vì vậy, không có cách nào hơn là đành phải chấp nhận giãn cách ở mức tối đa có thể. Nhưng đồng thời với thực hiện giãn cách, là phải tính đến các hệ lụy của nó và giải pháp thích ứng.
Hiện nay chưa thấy có ước tính nếu thực hiện giãn cách thì mỗi ngày trôi qua TPHCM sẽ bị thiệt hại bao nhiêu về kinh tế ? Vì đằng sau những con số thiệt hại này là đời sống của bao con người, bao gia đình và bao doanh nghiệp.
Khi Pháp thực hiện giãn cách xã hội 2 tháng, ước tính thiệt hại trong thời gian này là 120 tỷ euro, tức khoảng 2 tỷ euro/ngày. Nước Anh giãn cách trong năm 2020, tính ra trung bình cũng thiệt hại khoảng 800 triệu euro/ngày.
Còn ở Australia, bang Victoria khoảng 63 triệu euro/ngày, bang New South Wales khoảng 90 triệu euro/ngày. Và ước tính của Malaysia cho một ngày giãn cách toàn bộ là khoảng 150 triệu euro/ngày.
Trung tâm TPHCM vào đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ảnh: ĐỨC MẠNH
Có lẽ chính quyền TPHCM cũng đã có kế hoạch hỗ trợ nhanh cho các hoàn cảnh khó khăn, và người viết mong việc này được ưu tiên khẩn cấp. Trên các mạng xã hội, cũng đã thấy các nhóm thiện nguyện giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn. Tinh thần tương thân tương ái trong khó khăn của người Việt lại được khơi dậy.
Thực hiện giãn cách nhưng việc tổ chức lại cuộc sống, các hoạt động sản xuất kinh doanh thiết yếu cũng cần được duy trì. Đầu tiên là phải đảm bảo việc lưu thông phân phối lương thực thực phẩm được thực hiện ở mức tối thiểu: đảm bảo nguồn cung, ưu tiên giao hàng tại nhà hay đặt hàng trước đến lấy sau.
Các cơ quan hay doanh nghiệp cũng cần duy trì số lao động tối thiểu để những công việc quan trọng được thực hiện. Lấy một thí dụ đơn giản như những người làm với sổ sách giấy tờ, không thể làm trực tuyến, phải đến văn phòng thì chia ca để đảm bảo khoảng cách và số người tối đa cùng có mặt ở văn phòng. Các nhà máy sản xuất thì vẫn có thể duy trì nếu các biện pháp phòng dịch được tuân thủ nghiêm.
Một vấn đề quan trọng nữa mà có lẽ ở Việt Nam ít được chú ý đến là vấn đề sức khỏe tâm lý (mental health). Giãn cách xã hội tính theo tuần sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý rất nhiều với những người sống ở các thành phố lớn vì không gian chật hẹp, thiếu mảng xanh. Ở các nước phát triển, sau thời gian giãn cách, người ta đã thấy được bạo lực gia đình gia tăng, tâm lý của cả người lớn và trẻ em đều bị tác động.
Một số nước đã có các chương trình giáo dục, tuyên truyền dành riêng cho trẻ em để giúp các bé hiểu đúng hơn về Covid-19, không gây sự sợ hãi hay cảm xúc tiêu cực sẽ gắn chặt vào tâm trí trẻ sau này.
Như vậy, lựa chọn thực hiện Chỉ thị 16 là khả dĩ nhất lúc này đối với TPHCM. Rất mong là chính quyền thành phố mau chóng hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, sớm ổn định việc sắp xếp tổ chức lại các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu.
Việc nới lỏng giãn cách chỉ có thể thực hiện tùy thuộc vào sức chịu đựng của hệ thống y tế trong lúc chờ đợi vaccine. Ngân sách cần phải chấp nhận bội chi trong những lúc ngặt nghèo như thế này, và nếu phải tạm ứng của tương lai, điều này cũng hoàn toàn có thể chấp nhận được.