(ĐTTCO) - Gần như đã thành thông lệ, những ngày trước Tết Nguyên đán luôn là thời điểm quá tải của các hãng vận chuyển do lượng khách đi lại tăng đột biến. Mặc dù đã có nhiều cải tiến, song những tồn tại cũ đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Máy bay: Ám ảnh trễ chuyến
Anh Phạm Đức Hiếu (Tân Phú, TPHCM) vẫn nhớ như in cảm giác cả gia đình anh phải vật vờ ở sân bay Nội Bài (Hà Nội) gần 5 tiếng đồng hồ do máy bay trễ chuyến dịp Tết Ất Mùi. “Không chỉ mệt mỏi vì chờ đợi, việc lùi thời gian bay quá lâu còn khiến nhiều hành khách hôm đó khóc dở mếu dở vì khi về đến TPHCM đã quá khuya, trong khi họ không sống ở TP” - anh Hiếu chia sẻ.
Trong dịp Tết Bính Thân 2016, ngành đường sắt sẽ tăng cường siết chặt việc quản lý trên tàu dưới ga, kiên quyết không để hành khách không có giấy tờ tùy thân hợp lệ trùng với thông tin của hành khách đi tàu lên tàu. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khuyến cáo hành khách không mua vé của các đối tượng trung gian, cò mồi lừa đảo để tránh thiệt hại khi đường sắt tăng cường quản lý chặt chẽ các quy định. Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam |
Có vẻ như câu chuyện trễ chuyến bay đã quá quen thuộc, nhất là vào những dịp Tết Nguyên đán khi lượng hành khách quá đông. Chỉ tính riêng dịp Tết Ất Mùi, theo thống kê đã có khoảng hơn 900 chuyến bay bị chậm và hơn 35 chuyến bay bị hủy. Lý do gần như năm nào cũng giống năm nào: Ngoài những nguyên nhân như thời tiết, yếu tố con người… đại diện các hãng bay cho rằng sân bay quá tải đã làm gia tăng tình trạng chậm chuyến vào dịp Tết, nhất là ở Sân bay Tân Sơn Nhất. Vào dịp này, sân bay thường xuyên chứng kiến cảnh dòng người ùn tắc lại ngay từ ngoài cửa. Kể cả sau khi hành khách đã check-in xong, khâu kiểm soát an ninh cũng mất nhiều thời gian hơn vì hành khách đi đến dịp này đều mang nhiều hành lý.
Để phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp Tết Bính Thân, các hãng hàng không đều cho biết sẽ tăng chuyến bay. Cụ thể, Vietnam Airlines phục vụ thêm khoảng 800 chuyến bay một chiều trên các đường bay có nhu cầu lớn về tải cho hành trình nội địa và quốc tế, tương ứng 136.000 chỗ trên 22 đường bay, nâng tổng số ghế cung ứng trong dịp cao điểm Tết lên gần 2,1 triệu chỗ, tăng 7% so với thường lệ và tăng 18% so với cùng kỳ năm 2015. Các chuyến bay được bổ sung trên 15 đường bay nội địa và 7 đường bay quốc tế. Tương tự, giai đoạn cao điểm từ ngày 20-1 đến 20-2-2016, Vietjet Air cũng sẽ tăng cường hơn 800 chuyến bay, cung ứng thêm 150.000 vé máy bay với nhiều sự lựa chọn về chặng bay và thời gian bay trên những tàu bay mới, cùng đội bay hiện đại, thân thiện. Tuy nhiên, việc tăng chuyến của các hãng hàng không đồng nghĩa với việc trễ chuyến, hủy chuyến cũng sẽ gia tăng.
Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, thừa nhận: “Việc người dân đi máy bay tăng mạnh dịp Tết, khả năng cao là tình trạng chậm chuyến, giảm chất lượng phục vụ sẽ xảy ra”. Trong bối cảnh này, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã thực hiện một số giải pháp nhằm giảm ùn tắc, góp phần làm giảm việc trễ chuyến bay, như đã tiến hành di dời, bố trí lại khu vực làm thủ tục soi chiếu an ninh tại sảnh B (phục vụ cho Vietjet) nhằm tăng diện tích xếp hàng cho hành khách, tạo sự thông thoáng tại khu vực làm thủ tục an ninh. Một số máy soi chiếu an ninh cũng được lắp đặt thêm để tăng năng lực soi chiếu trong giờ cao điểm, giúp giải phóng nhanh hành khách và giảm ùn tắc.
Tàu hỏa: Cò vé vẫn lộng hành
Sau máy bay, tàu hỏa là phương tiện được nhiều hành khách lựa chọn cho hành trình về quê ăn tết. Thế nhưng việc mua được vé, nhất là những chặng đi ngắn chưa bao giờ hết gian nan với nhiều người. Mặc dù năm nay ga Sài Gòn đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn còn tồn tại những bất cập. Điểm được ghi nhận ngay từ ngày đầu tiên ga Sài Gòn mở bán vé tàu tết (ngày 1-10-2015) đã không có tình trạng nghẽn mạng khi truy cập vào website dsvn.vn, không có cảnh hàng ngàn người chen lấn ở ga chờ mua vé. Theo Công ty FPT - đơn vị cung cấp hạ tầng kỹ thuật cho hệ thống bán vé tàu online của ngành đường sắt Việt Nam - website bán vé tàu năm nay có thể cho phép 2 triệu người truy cập cùng một thời điểm nên không xảy ra việc nghẽn mạng. Cùng với đó là việc ga Sài Gòn đã áp dụng hình thức nhắn tin đến tổng đài để nhận số thứ tự trước, nên không xảy ra cảnh hàng ngàn người chen chúc ở ga để lấy số thứ tự.
Bến xe miền Đông đảm bảo hành khách sẽ không bị sót lại. Đêm giao thừa năm rồi, chúng tôi đã tổ chức 2 chuyến xe về miền Bắc và miền Trung để đưa số hành khách đến Bến xe Miền Đông mua vé về quê. Năm nay chúng tôi sẽ tiếp tục làm tốt công tác này để đảm bảo mọi người đều được về quê ăn Tết. Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông |
Cải tiến thấy rõ, nhưng nhiều hành khách vẫn phải chịu cảnh dở mếu dở cười. Đó là là việc rất đông hành khách dù đi chặng ngắn nhưng buộc phải mua vé chặng dài do ga Sài Gòn ưu tiên bán chặng dài trước và số vé chặng ngắn cũng ít hơn. Lo ngại không kịp về quê ăn tết, nhiều hành khách chấp nhận tốn thêm tiền để mua vé chặng dài. “Mặc dù phía ga có khuyến cáo chúng tôi nếu đi chặng ngắn nên chờ thêm một thời gian không nên mua sớm. Nhưng nếu hết vé phải mua vé chợ đen. Thà mua chặng dài đắt hơn một chút nhưng an tâm” - chị Nguyễn Thu Thủy (quận 7, TPHCM) chia sẻ. Ngoài ra, không ít hành khách sau khi đặt vé qua mạng, thanh toán trực tuyến thành công lại được báo vé bị hủy và mất chỗ, lý do rất giản đơn “lỗi hệ thống”. Chưa kể hệ thống đặt chỗ trực tuyến cũng nhiều chỗ chưa rõ ràng, chưa thuận tiện cho người đặt trực tuyến, nhất là những khách không rành các thao tác vi tính. Những lỗi này khiến việc cải tiến của ngành đường sắt vẫn chưa thực sự làm thỏa lòng hành khách.
Và một câu chuyện đã trở thành vấn nạn bao lâu nay là cò vé, đặc biệt vào những dịp tết càng trở nên nhức nhối. Bởi lẽ, vào những ngày này nếu đến ga mua vé, chắc chắn tại nhiều hành trình người mua sẽ nhận được câu trả lời: hết vé. Nhưng, chỉ cần ra tới cổng ga, hành khách có thể mua được tấm vé mình muốn, tất nhiên là giá cao hơn vài trăm ngàn đồng. Nếu muốn “vé chính chủ” (đúng tên trong CMND), người mua phải chịu thêm phí sang tên từ 100.000-130.000 đồng/vé. Đương nhiên những chiếc vé này được mua từ cò vé. Thậm chí, một số cò vé còn cho biết nếu mua đi toa nhân viên, ngày đi cứ đến gặp họ, sẽ có chỗ đảm bảo trên tàu không cần phải mua trước. Nạn cò vé lộng hành năm nào giới truyền thông cũng phản ánh, nhưng hầu như chưa có năm nào ngành đường sắt giải quyết được. Trước thực trạng này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa điều chỉnh quy định trả vé tàu nhằm hạn chế nạn cò vé chợ đen xảy ra trong thời gian qua. Theo đó, kể từ 0g ngày 20-1, mức khấu trừ trả vé có ngày đi tại ga trong thời gian từ 29-1 đến ngày 6-2 và từ ngày 11 đến 23-2 là 30% số tiền in trên thẻ đi tàu.
Quyết tâm là thế nhưng ngành làm được tới đâu vẫn cần để thời gian trả lời. Tất nhiên cũng không thể đổ lỗi hết cho ngành đường sắt, bởi ai cũng hiểu Tết Nguyên đán luôn là dịp lượng hành khách tăng đột biến trong mọi phương tiện vận chuyển. Nhưng nếu cứ để nó lặp đi lặp lại thì ngành đường sắt nói riêng, ngành giao thông vận tải nói chung cần nghiêm túc xem xét để có giải pháp hiệu quả chấm dứt tình trạng này.
![]() |
Tìm được tấm vé về quê ăn tết luôn là mong đợi của nhiều người dân. |
Xe khách: Đội giá cao, nhồi nhét
Một trong những lý do để rất nhiều hành khách lựa chọn xe khách làm phương tiện vận chuyển cho những chuyến về quê trong dịp Tết Nguyên đán bởi không thể mua vé máy bay vì giá quá cao, còn vé tàu cũng không thể đặt mua do không còn vé. Thế nhưng, những hành khách chọn xe đò làm phương tiện vận chuyển dịp Tết Nguyên đán còn đứng trước nỗi ám ảnh nhồi nhét của nhiều nhà xe. Những thông tin như xe 35 chỗ chở 50 khách hay 45 chỗ chở 75 khách… đã trở nên quá quen thuộc mỗi dịp tết. Thậm chí dịp tết Ất Mùi cơ quan chức năng còn phát hiện trường hợp xe khách giường nằm chở 117 người trong khi chỉ được chở 37 người. Ghế 3 chỗ ngồi 4,5 người rồi ghế phụ san sát thậm chí với những tuyến đường ngắn khách còn phải đứng chính là những hình ảnh được nhiều hành khách chia sẻ sau mỗi dịp về quê ăn tết. Vật vã, mệt mỏi nhưng cũng không biết làm như thế nào. Nhiều ý kiến cho rằng tại sao hành khách không vào bến mua vé của những hãng có uy tín? Thực ra những hãng như vậy vé thường hết từ rất sớm, đó là chưa muốn nói ngay cả một số hãng có uy tín cũng không tránh khỏi cảnh bắt khách dọc đường, nhồi nhét kiếm thêm.
Theo thông báo của Bến xe Miền Đông, từ ngày 10-1 đến 4-2-2016 (tức từ ngày 1 đến 26 tháng Chạp), bến xe sẽ bắt đầu bán vé xe Tết Bính Thân. Thời gian bán vé từ 5 giờ đến 19 giờ hàng ngày (kể cả thứ bảy, chủ nhật), tại quầy số 14 và 15 của bến. Năm nay, bến ký hợp đồng với CTCP Pasoto.com bán vé qua mạng. Theo dự báo của Bến xe Miền Đông, số lượng khách đi xe đò thông qua bến xe trong dịp tết có thể không tăng so với cùng kỳ năm trước. Bến xe chuẩn bị đưa 14.045 xe phục vụ chở 359.000 hành khách về quê ăn tết trong 10 ngày trước tết, giảm khoảng 3.000 khách so với năm trước, do xe trong bến bỏ ra chạy xe dù.