Bạo phát, bạo tàn

Thị trường càng chật chội

(ĐTTCO) - Khó mở rộng thị phần, cạnh tranh gay gắt, thiếu sản phẩm mới… là những tác nhân khiến CTCK không còn hấp dẫn như 5-10 năm trước.

Thị trường càng chật chội

Tính từ sau Tết Nguyên đán (tháng 2) đến nay, TTCK đã có những diễn biến tích cực về mặt điểm số, VN Index từ 540 điểm tăng lên sát 580 điểm, nhiều CP tăng giá từ 20-50%, nhưng thanh khoản lại không được ấn tượng như vậy. Giá trị giao dịch (GTGD) tại HOSE đạt khoảng 2.000 tỷ đồng/phiên, còn HNX vào tầm 500 tỷ đồng/phiên. GTGD đạt khoảng 1.500 tỷ đồng/phiên được xem là vừa đủ với các CTCK, trên 2.000 tỷ đồng/phiên có thể nói là sống khỏe, còn muốn rủng rỉnh phải trên 3.000 tỷ đồng/phiên. Nhưng các phiên giao dịch có giá trị trên 3.000 tỷ đồng ngày một hiếm. 2 thời điểm gần nhất thị trường nổi sóng với GTGD đạt hơn 3.000 tỷ đồng/phiên vào khoảng quý II-2014 và quý III-2015, nhưng số phiên giao dịch đạt được mức này cũng theo chiều hướng giảm dần. Với sàn HNX, trong khoảng 20 phiên gần đây có đến phân nửa số phiên đóng cửa đạt trên ngưỡng rất quan trọng 80 điểm, nhưng thanh khoản chỉ đạt khoảng 500 tỷ đồng/phiên. 2 năm qua, những phiên giao dịch có GTGD trên 1.000 tỷ đồng/phiên càng hiếm hoi tại HNX - là sàn vốn rất thu hút dòng tiền tham gia CP “nóng”. Thanh khoản không có nhiều đột biến, thậm chí giảm tại một số thời điểm đã ảnh hưởng đáng kể  đến nguồn thu từ dịch vụ chứng khoán. 

TTCK ngày càng cạnh tranh gắt gao, nhưng đồng thời lâu lâu lại xuất hiện một trường hợp kiểu như KLS, e rằng các CTCK nhỏ cũng sẽ khó sống. Lúc này có lẽ giải pháp như KLS đã chọn xem chừng là tích cực nhất, vượt lên không được, bán mình cũng không xong, nên tự giải thoát bằng cách giải thể xem chừng hợp lý.

TTCK bình bình ít nổi sóng cũng ảnh hưởng đến hoạt động các CTCK. Minh chứng rõ nhất là trường hợp của CTCK TPHCM (HSC) với khoản lãi ròng hơn 213 tỷ đồng trong năm 2015, giảm đến 43% so với năm 2014 (lãi ròng đạt hơn 376 tỷ đồng). Lý giải cho sự sụt giảm này HSC đưa ra 3 nguyên nhân chính yếu: Thứ nhất, GTGD toàn thị trường giảm trong khi thị phần của HSC không có nhiều biến động. Thứ hai, mức độ cho vay ký quỹ trung bình của HSC không thay đổi đáng kể trong 2 năm qua, nhưng lãi suất cho vay có chiều hướng giảm cùng với sự cạnh tranh gay gắt của các CTCK. Thứ ba, thị trường 2015 không tích cực cho hoạt động tự doanh. Cả 3 nguyên nhân đều chỉ ra một vấn đề: Thị trường đang ngày một chật chội, đối với những ông lớn như HSC lại càng khó để vùng vẫy nhằm tạo ra một điều gì đó mang tính đột phá nếu chỉ tập trung vào một loại hình dịch vụ.

 Theo thống kê thị phần quý I-2016 tại HOSE, CTCK Sài Gòn (SSI) chiếm 13,96% trong khi HSC giữ 13,67%, gần như tương đương nhau. Cả 2 đã nắm giữ vị trí dẫn đầu và bỏ khá xa phần còn lại so với các CTCK khác trong nhiều năm và nếu có tiếp tục xảy ra cũng không ai bất ngờ. Nhưng ở đây lại có sự khác biệt: SSI có khoản lãi sau thuế lên đến 852 tỷ đồng trong năm 2015, tăng 108 tỷ đồng (tương đương 14%) so với năm 2014. Nguyên nhân được SSI cho biết công ty có khoản hoàn nhập dự phòng trong năm 2015 sau khi đã trích lập dự phòng 2014 do biến động của thị trường.

Cạnh tranh càng gắt gao

Tháng 8-2015, SSI trở thành CTCK đầu tiên và cũng là một trong những CP đầu tiên được nới room, nhưng giá CP cũng như tỷ lệ sở hữu của khối ngoại sau đó không tăng quá mạnh. Điều này đã dẫn đến một số giả thiết như khối ngoại thích mua từ từ với giá tốt hơn là mua ồ ạt. Tuy nhiên, liên quan đến SSI có một chi tiết đáng chú ý, đó là việc Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SSI Nguyễn Duy Hưng còn nắm giữ cả vị trí Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PAN (PAN) trong 3 năm qua. Năm ngoái tại ĐHCĐ của SSI, con trai ông Nguyễn Duy Hưng là ông Nguyễn Duy Khánh cũng đã được bầu vào HĐQT. Từ những yếu tố nêu trên cùng với việc thị trường ngày một chật chội đã dẫn đến câu hỏi phải chăng ông Nguyễn Duy Hưng đã không còn sức hút với chứng khoán và dành sức nhiều hơn cho PAN? Minh chứng rõ ràng là PAN những năm qua đã có những đợt tăng vốn rất nhanh chóng và những dấu ấn tạo ra mang dáng dấp của ông Nguyễn Duy Hưng. Trong khi đó, có cảm giác như những phát biểu của ông Hưng trên truyền thông về TTCK trong vài năm gần đây có xu hướng… ít dần. Và cho dù không chán thì việc cân bằng được công việc, hiệu quả khi nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT ở 2 công ty lớn là cực kỳ thách thức. Tất nhiên, mục đích sau cùng vẫn là SSI có lãi, tăng trưởng tốt, giữ vị thế của mình.  

Tuy nhiên, SSI hay HSC dù gặp thách thức vẫn đứng ở đó lừng lững vì họ là các ông lớn, những CTCK nhỏ không được “hạnh phúc” như vậy vì câu hỏi tồn tại hay không cần nhanh chóng có câu trả lời. Từ hơn 100 CTCK, sau khoảng 5 năm thanh lọc đã giảm xuống 80, nhưng trong thực tế số CTCK được biết mặt, nhớ tên có lẽ chỉ khoảng 20. Thống kê những năm qua cho thấy, mỗi năm bảng xếp hạng thị phần chỉ có khoảng 2 cái tên “mới toanh” xuất hiện, còn lại là sự hoán đổi lên xuống giữa 20 cựu binh. Nhưng điều đáng nói ở đây rất ít cái tên mới có thể trụ lại trên bảng xếp hạng thị phần, thậm chí sau một thời gian hoạt động tích cực lại tuột dốc, sa sút. Thách thức cho khoảng 60 CTCK ít (hoặc rất ít) được NĐT biết mặt nhớ tên là quá lớn.

Vài năm trước, với suy nghĩ rằng chứng khoán còn “ngon ăn”, tự doanh có thể lãi lớn trong thời gian ngắn nên các thương vụ mua bán CTCK vẫn xảy ra. Bên bán cũng làm giá vì dù CTCK chỉ còn giấy phép nhưng như thế cũng là quá đủ để hét giá với bên mua. Nhưng đầu tư ngày một khó khăn, tự doanh bây giờ đòi hỏi chiến lược, bài bản. Lấy đơn cử như KLS cũng là một tên tuổi tự doanh, vốn hơn 2.000 tỷ đồng còn gặp khó để đi đến giải thể huống gì CTCK nhỏ. Còn việc đầu tư cho môi giới có lẽ các CTCK nhỏ không có nền tảng sẽ sống vất vưởng trong những năm qua, giả sử vô tình có được số tiền lớn cũng chưa chắc… biết làm gì. Chất lượng dịch vụ chứng khoán tại các CTCK trong top 10 thị phần hiện nay gần như ngang bằng nhau, chênh lệch rất sít sao cho thấy một sự phân định đẳng cấp rõ ràng giữa các CTCK và đẳng cấp phải mất thời gian để tích lũy. Như vậy, giả như ai có ý định đầu tư vào CTCK có lẽ sẽ chọn các CTCK ở top 20, hay cùng lắm là top 30, còn các CTCK hữu danh vô thực khác thì tránh xa.

Các tin khác