Kiến trúc quân sự bị vùi dập
Hải Vân Quan nằm trên đỉnh đèo Hải Vân, thuộc địa phận thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Công trình xây dựng ngay từ đời Trần và được trùng tu vào thời Nguyễn (năm Minh Mạng thứ 7, 1826). Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ "Hải Vân Quan", cửa trông xuống Quảng Nam đề "Thiên hạ đệ nhất hùng quan". Lạc khoản một bên góc bảng còn ghi thêm "Minh Mệnh thất niên cát nhật tạo", tức làm vào ngày tốt năm Minh Mệnh thứ 7-1826. Ở độ cao 490m so với mực nước biển, Hải Vân Quan là cụm bố phòng quân sự với nhiều công trình gồm hệ thống thành lũy, nhà kho, trụ sự, pháo đài thần công…
Phải giải quyết một cách triệt để những vấn đề phục hồi di tích nguyên gốc, đảm bảo tính chân xác của công trình, từ tính chất cấu trúc đến vật liệu, tái hiện linh hồn lịch sử. Đồng thời, giải quyết được mối quan hệ hài hòa và có kết nối giữa kiến trúc thời Nguyễn với những giai đoạn tiếp theo. TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế |
Hội thảo Bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan, các đại biểu thống nhất cho rằng, Hải Vân Quan được Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL xếp hạng là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia vào năm 2017, đã tạo điều kiện cho 2 địa phương Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng có cơ sở pháp lý đểquản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích.
Trên thực tế, ngay sau khi Hải Vân Quan được xếp hạng, các cơ quan chức năng đã thực hiện việc khai quật khảo cổ di tích để tìm cứ liệu khoa học qua các thời kỳ tồn tại của di tích, với mục tiêu phục hồi di tích Hải Vân Quan theo các dấu tích nguyên gốc, đồng thời hoàn thiện và khớp nối với các kiến trúc có giá trị trong khu vực di tích. Tuy nhiên, sau gần 200 năm tồn tại, Hải Vân Quan- di tích kiến trúc quân sự độc đáo có giá trị đặc biệt về mặt lịch sử, quân sự, kiến trúc và cảnh quan trong hệ thống di tích triều Nguyễn, đã thay đổi rất nhiều.
Kết quả khai quật khảo cổ học thực hiện mới đây đã làm phát lộ nhiều dấu tích kiến trúc từ thời Nguyễn (1802-1945) ở di tích này, gồm: 2 cổng Thiên hạ đệ nhất hùng quan - Hải Vân Quan và hệ thống bậc cấp lên xuống cùng đường đi, cổng phụ, hệ thống tường thành, pháo nhãn, nhà Trú Sở, nhà Vũ Khố. Giai đoạn từ năm 1946-1975, khi đồn trú tại Hải Vân Quan, quân đội Pháp, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã xây dựng mới hệ thống nhà ở, đồn bốt, lô cốt, công sự, ụ súng. Những công trình này đang chồng đè lên vị trí các kiến trúc xây dựng thời Nguyễn, làm thay đổi hoàn toàn bố cục mặt bằng nguyên gốc vốn có của di tích Hải Vân Quan.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng cùng nhau chôn cột mốc khu vực 1 di tích Hải Vân Quan.
Bổ sung đầy đủ cứ liệu lịch sử
Trên Hải Vân không chỉ có Hải Vân Quan, mà vùng non xanh nước biếc ấy còn có cả một kho tài nguyên đồ sộ: núi, rừng, suối, thác, biển, đảo, đèo mây... Nhưng để khu vực này trở thành điểm đến thu hút du khách tham quan, Phân viện Khoa học Công nghệ và Xây dựng miền Trung đề xuất 2 phương án bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan. Thứ nhất, phục hồi toàn bộ các công trình phía trong ranh giới vùng 1 bảo vệ di tích, một đoạn tuyến đường Thiên lý đi về phía Huế và đường dốc đi về phía Đà Nẵng của thời kỳ nhà Nguyễn. Thứ hai, bảo tồn nguyên trạng toàn bộ các công trình được xác định trên Hải Vân Quan có trước giai đoạn 1975, đặc biệt là thời kỳ chiến thắng Đồn Nhất.
Trên Hải Vân không chỉ có Hải Vân Quan, mà vùng non xanh nước biếc ấy còn có cả một kho tài nguyên đồ sộ: núi, rừng, suối, thác, biển, đảo, đèo mây... Nhưng để khu vực này trở thành điểm đến thu hút du khách tham quan, Phân viện Khoa học Công nghệ và Xây dựng miền Trung đề xuất 2 phương án bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan. Thứ nhất, phục hồi toàn bộ các công trình phía trong ranh giới vùng 1 bảo vệ di tích, một đoạn tuyến đường Thiên lý đi về phía Huế và đường dốc đi về phía Đà Nẵng của thời kỳ nhà Nguyễn. Thứ hai, bảo tồn nguyên trạng toàn bộ các công trình được xác định trên Hải Vân Quan có trước giai đoạn 1975, đặc biệt là thời kỳ chiến thắng Đồn Nhất.
Xoay quanh 2 phương án này, hầu hết các chuyên gia khảo cổ đều cho rằng, việc khẩn trương về tiến độ triển khai nhưng phải đảm bảo tính nguyên gốc, chân xác về giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… PGS.TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, cho biết các phương án tu bổ hướng đến mục tiêu cuối cùng là có được một di tích ổn định, có tuổi thọ và phải là một điểm đến hấp dẫn. Không nhất thiết phục hồi hoàn chỉnh di tích theo kiến trúc nguyên thủy, tùy điều kiện thực tế để phục hồi phù hợp. Việc phục hồi cần tạo điểm nhấn để mọi người hiểu cách thức người xưa xây dựng ra sao…
Tương tự, TS. Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết Hải Vân Quan là điểm tham quan thu hút ngày càng đông khách du lịch, dự kiến năm 2018 sẽ đón khoảng 2 triệu lượt du khách tham quan. Khi triển khai dự án bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan cần triển khai xây dựng các cơ sở dịch vụ đi kèm, trong đó cần nhất bãi đỗ xe nhằm đáp ứng nhu cầu khách tham quan.
Ở góc độ cá nhân, ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng phục hồi di tích Hải Vân Quan vừa giữ lại một phần thời Nguyễn, vừa phải có những dấu tích thời Pháp, Mỹ vì đó là một phần trong dòng chảy lịch sử. Đối với dấu tích về con đường Thiên lý Bắc - Nam (khác vị trí đường Thiên lý Bắc - Nam hiện nay), nếu không thể phục hồi hết cần thiết phục hồi một đoạn, nhưng quan trọng là phải phục hồi đúng nguyên gốc và đúng tinh thần của người xưa.
“Đây là di tích lịch sử quan trọng, thắng cảnh không chỉ của 2 địa phương mà còn của miền Trung và quốc gia. Công trình trùng tu di tích Hải Vân Quan sau khi được thực hiện sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn, gạch nối giữa 2 vùng Thuận-Quảng, Huế-Đà Nẵng, công trình biểu tượng cho sự đoàn kết giữa các địa phương trong việc chung tay gìn giữ các giá trị di sản quốc gia” - ông Nguyễn Dung nhấn mạnh.
Tiếp thu các ý kiến, TS. Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) cho rằng, cần tiếp tục tìm kiếm thêm tư liệu và xem xét có cần phải mở thêm đợt khai quật khảo cổ để hoàn thiện phương án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan. Tiếp tục phân tích các kết quả khảo cổ để làm sống động hơn nữa giá trị di tích, cũng như tính chất độc đáo của di tích. Cần làm rõ hơn nữa lịch sử xây dựng di tích thông qua tư liệu trong và ngoài nước. Đồng thời, phía cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp thu ý kiến, nhất là phía các nhà khoa học để hoàn thiện dự án bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.