Bẫy nghèo và 4 bước của nông dân

ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, có vai trò bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, nông dân nghèo khó do luôn đối mặt với thiên tai, dịch bệnh, thị trường bấp bênh. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và biến đổi khí hậu toàn cầu, các thách thức về sản xuất, đời sống ngày càng lớn.

ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, có vai trò bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, nông dân nghèo khó do luôn đối mặt với thiên tai, dịch bệnh, thị trường bấp bênh. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và biến đổi khí hậu toàn cầu, các thách thức về sản xuất, đời sống ngày càng lớn.

Lép vế, thiệt thòi

Khi hội nhập sâu WTO, các hàng hóa lúa, gạo, cây ăn trái, thủy sản rau màu và chăn nuôi của ĐBSCL sẽ phải cạnh tranh cả trên sân nhà và trên thị trường quốc tế. Nhưng hiện nay, các hàng hóa này sản xuất với giá thành cao và quy định của WTO vì các lý do: quản lý và hệ thống giám sát tiêu chuẩn chất lượng còn nhiều bất cập; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm nhiều hạn chế và việc kiểm soát, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh chưa phát triển; khó xây dựng các hệ thống sản xuất, vận chuyển chế biến và phân phối theo mô hình GAP cho các sản phẩm có lợi thế của vùng.

Hệ quả, nông sản ĐBSCL khó xuất khẩu sang các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao, trong khi hàng hóa kém chất lượng các nước tràn vào. Ngoài ra, nông dân sản xuất hàng hóa chất lượng cao, nhưng không am hiểu gì về luật WTO, đã sử dụng nông dược trên cây trồng tới ngày thu hoạch, hoặc sử dụng thuốc kháng sinh không hợp lý, không tuân thủ theo quy định…

Bên cạnh đó, nông sản xuất khẩu liên tục tăng nhưng thu nhập hộ nông dân không tăng tương xứng do mạnh ngành nào ngành đó làm, tranh mua tranh bán trên thương trường xảy ra ngày càng gay gắt.

Hiện nay khoảng cách giàu nghèo ở nông thôn ngày càng gia tăng, đang là thách thức rất lớn đến sản xuất nông nghiệp bền vững ở ĐBSCL và “bẫy nghèo” mà nông dân phải đối mặt ngày càng lớn.

Trong tương lai, nông dân sẽ đối mặt với 4 vấn đề lớn là “4 nhà đứng chung quanh mình”. Theo đó, nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy sau khi thu hoạch mùa vụ, nông dân phải trang trải: (1) nhà mình: chi tiêu hàng ngày, chữa bệnh và học hành cho con cái; (2) nhà hàng xóm: đám tiệc, hiếu, hỷ và quan hệ xóm làng; (3) nhà vật tư: ứng trước vật tư sản xuất và trả lại sau khi thu hoạch mùa vụ; (4) nhà băng: vay vốn sản xuất đầu vụ hoặc chi tiêu gia đình và trả nợ cuối vụ.

Do thu nhập thấp và trang trải 4 nhà này dẫn đến tích lũy để tái sản xuất rất thấp. Thí dụ, tích lũy trung bình hộ tại An Giang chỉ đạt hơn 200.000 đồng/tháng. Vì thế hiện nay nông dân có xu hướng bán lúa tươi tại đồng và mua gạo ăn hàng ngày. Như vậy nếu giá lương thực tăng cao người trồng lúa sẽ không có tiền mua gạo để ăn. Quan trọng hơn, hàng hóa từ công nghiệp và dịch vụ chảy về nông thôn luôn có giá cao, trong khi hàng hóa từ nông thôn chảy ra thành thị giá luôn thấp.

Do các áp lực trên, nông dân chỉ có 4 bước: (1) Bước ra: đối với hộ ít đất, thiếu vốn, kỹ thuật, quản lý kinh tế hộ kém phải bán đất và tìm nghề khác. (2) Bước vào: đối với hộ có vốn, có kỹ thuật và kỹ năng quản lý sẽ tích tụ ruộng đất để phát triển trang trại.

(3) Bước lên: nếu thiếu vốn, thiếu kỹ thuật nhưng có đất sản xuất, nông dân tham gia hình thức tổ chức kinh tế hợp tác, HTX, hoặc cổ phần hóa đất và lao động với doanh nghiệp để phát triển.

(4) Bước xuống: do không thể thực hiện 3 bước trên, nông dân sẽ trở thành người thất nghiệp và nghèo khó ở nông thôn. Hiện tượng này ở ĐBSCL xảy ra ngày càng nhiều do kinh tế nông thôn kém phát triển, kéo theo việc di dân tìm việc ở các thành phố với mức lương thấp và phải đối mặt với giá sinh hoạt cao.

Bài toán liên kết vùng

ĐBSCL có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, phục vụ an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. Lúa gạo, trái cây và thủy sản là ngành hàng nông nghiệp rất quan trọng. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã khẳng định “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn là mục tiêu, thách thức rất lớn mà toàn Đảng, toàn dân phải thực hiện trong nhiệm kỳ 2011-2015”.

Đề thực hiện chủ trương này cần giải quyết các hạn chế đối với nông dân (sản xuất nhỏ, năng lực quản lý kém), nông nghiệp (giá trị kém, tính cạnh tranh thấp), nông thôn (lạc hậu và tổn thương cao do biến đổi khí hậu và tình trạng ngày càng khan hiếm đất nông nghiệp).

Thời gian qua, nhiều chính sách, chương trình, dự án đã đầu tư vào ĐBSCL nhưng kết quả đạt được chưa như mong muốn. Có tình trạng này do thiếu liên kết giữa các địa phương trong vùng sinh thái có lợi thế cạnh tranh, đã dẫn đến thiếu lồng ghép và tương hỗ nhau; thiếu sự tham gia cộng đồng; nguồn lực địa phương giới hạn trong bối cảnh liên kết bộ, ngành Trung ương; viện, trường thiếu…

Mục tiêu đặt ra hiện nay là phát triển bền vững các ngành hàng nông nghiệp chủ lực ở ĐBSCL thông qua liên kết vùng với sự tham gia của 4 nhà. Kết quả dự án là nền tảng khoa học và thực tiễn vững chắc để phát triển cơ chế, tổ chức và chính sách cải tiến năng lực cạnh tranh ngành hàng chủ lực, tăng thu nhập cho nông dân.

Muốn vậy phải đánh giá và dự đoán được nhu cầu thị trường hiện tại và tương lai nhằm đề xuất chiến lược phát triển các ngành hàng nông, thủy sản chủ lực. Về kỹ thuật phải hỗ trợ thực thi quy hoạch vùng sản xuất, lai tạo và chọn lọc giống thích nghi và xác định được gói giải pháp kỹ thuật canh tác và sau thu hoạch cho lúa, trái cây và thủy sản.

Nông dân phải được nâng cao kỹ năng về kỹ thuật, tổ chức quản lý sản xuất gắn với thị trường và nghề phi nông nghiệp trong tiến trình chuyển dịch lao động. Thực tiễn cho thấy phát triển được liên kết 4 nhà theo chuỗi giá trị gia tăng các mặt hàng chủ lực, lồng ghép và nâng cao các hình thức liên kết sản xuất sẽ mang lại hiệu quả cao.

Về cơ chế và chính sách cần rà soát, nghiên cứu, đánh giá nhằm cải tiến cơ chế, tổ chức để phát triển các ngành hàng chủ lực một cách bền vững, thích ứng với kinh tế hội nhập, chung sống được với điều kiện biến đổi khí hậu tại ĐBSCL.

Các tin khác