(ĐTTCO) -Từ lâu, Bến Nhà Rồng đã trở thành biểu tượng của TPHCM. Thế nhưng, mỗi lần nhìn lại, nghĩ lại, sẽ thấy Bến Nhà Rồng càng lấp lánh thêm. Không thể nói khác hơn, Bến Nhà Rồng có vẻ đẹp của lịch sử, vẻ đẹp của văn minh và vẻ đẹp của sự thiêng liêng.
Trong không khí rộn ràng đón mùa xuân mới, Bến Nhà Rồng hiện ra thật tráng lệ bên sông Sài Gòn. Nếu xác lập vị trí địa lý, Bến Nhà Rồng thuộc quận 4, nhưng lại giáp với phần nhộn nhịp nhất của quận 1. Người dân TPHCM hoặc du khách khi đi dọc đường Nguyễn Tất Thành hoặc đi dọc đường Tôn Đức Thắng, hoặc di chuyển trên Đại lộ Võ Văn Kiệt về hướng Thủ Thiêm đều được chiêm ngưỡng nét uy nghiêm và rực rỡ của Bến Nhà Rồng. Mỗi năm, Bến Nhà Rồng đón hàng triệu lượt người tham quan, vì nơi đây cũng là Bảo tàng Hồ Chí Minh - biểu tượng niềm kính yêu của cả dân tộc Việt Nam.
Trước hết, Bến Nhà Rồng là một di sản kiến trúc. Đây là nơi ghi dấu ấn cho Sài Gòn - TPHCM vốn là một thương cảng sầm uất bậc nhất khu vực Đông Dương. Hãy nhìn công trình này ở những kết cấu xây dựng mới hiểu hết giá trị thẩm mỹ. Bến Nhà Rồng được xây dựng theo kiến trúc phương Tây với hành lang bao quanh và những vòm cuốn nhưng trên nóc nhà gắn hai con rồng châu đầu vào mặt trăng theo mô típ "lưỡng long chầu nguyệt", một kiểu trang trí quen thuộc của đền chùa Việt Nam. Ở giữa hai con rồng, thay vì trái châu thì là chiếc phù hiệu mang hình đầu ngựa và chiếc mỏ neo. Phù hiệu đầu ngựa hàm chỉ thời trước bên Pháp, công ty này chuyên lãnh chở đường bộ với ngựa kéo xe, còn mỏ neo tượng trưng cho tàu thuyền. Với kiến trúc độc đáo đó nên trụ sở công ty được giới bình dân gọi là nhà Rồng và bến cảng mang tên Bến Cảng Nhà Rồng.
Bến Nhà Rồng được xây dựng từ 1862 bằng gạch ngói đỏ, và lập tức nổi bật về kiểu dáng sang trọng. Người từ miền Tây Nam bộ lên, hoặc người từ miền Trung, miền Bắc vào đều lấy Bến Nhà Rồng làm một cột mốc đáng nhớ. Ban đầu, Công ty Hàng hải Messangeries Maritimes xây dựng với mục đích làm thương cảng và kho chứa hàng hóa. Cảng chỉ cách cửa biển 83km, lại nằm ngay khu vực trung tâm tài chính (Ngân hàng Đông Dương, Ngân hàng Pháp - Hoa, Ngân hàng Hồng Công và Thượng Hải). Vào tháng 10-1865, người Pháp cho dựng cột cờ Thủ Ngữ. Từ “Thủ Ngữ” có nghĩa là sở canh tuần tàu biển. Cột treo cờ hiệu để cho tàu thuyền ra vào cảng nên biết vào ngay hay chờ đợi. Gần cuối năm 1899, Công ty Hàng hải Messangeries Maritimes được phép xây cất bến cho tàu cặp vào. Bến lót ván dày, đặt trên trụ sắt dọc theo mé sông 42m (phía tàu cặp vào). Bến này cách bến kia 18m. Bề ngang của mỗi bến vào phía trong bờ là 8m. Từ bờ ra bến có cầu rộng 10m. Ban đầu xây hai bến, sau đó xây thêm bến thứ ba. Năm 1919, Công ty Messangeries Maritimes được phép xây bến bằng xi măng cốt thép, nhưng không thực hiện được, phải đến tháng 3-1930 mới hoàn thành bến mới, chỉ một bến nhưng dài 430m. Toàn bộ kiến trúc xưa của tòa trụ sở thương cảng Nhà Rồng hầu như còn nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Chính vì Bến Nhà Rồng tụ hội và khởi hành cho những chuyến viễn du, nên tại nơi đây, vào ngày 5-6-1911, vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh đã xuống con tàu Amiral Latouche Tréville làm phụ bếp để có điều kiện đi ra thế giới tìm đường cứu nước. Người đã ra đi khi non sông đang bị giày xéo bởi kẻ thù xâm lược. Suốt 30 năm bôn ba, chắc chắn Người luôn khắc khoải về nơi này, như Chế Lan Viên đã viết trong bài thơ “Người đi tìm hình của nước” rằng:
Đêm xa nước đầu tiên ai nỡ ngủ
Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương
Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở
Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương!
Hồ Chí Minh ra đi từ Bến Nhà Rồng chỉ với một ước mơ giải phóng dân tộc khỏi xiềng xích nô lệ, mà mỗi người Việt Nam đều khao khát “cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác”. Khi đất nước còn chia cắt “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà. Miền Nam mong Bác nỗi mong cha”, nên khi thống nhất sơn hà, Bến Nhà Rồng đã được cải tạo và nâng cấp thành khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gắn với Người, Bến Nhà Rồng càng thiêng liêng hơn. Ngày 2-9-1979, trong dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của Người, Nhà Rồng đã mở cửa đón khách tham quan phần trưng bày về “Sự nghiệp tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1945)”. Ngày 20-9-1982, UBND TPHCM ra Quyết định 236/QĐ-UB-NCVX chính thức chuyển “Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh” thành “Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM”. Bảo tàng có nhiệm vụ sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền về cuộc đời sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là tập trung nhấn mạnh vào sự kiện ra đi tìm đường cứu nước; và thể hiện mối quan hệ tình cảm của Bác Hồ với đồng bào, Nhân dân miền Nam.
Vẻ đẹp của Bến Nhà Rồng không chỉ có ý nghĩa về tư tưởng nhân văn, mà nơi đây còn được chọn làm bối cảnh cho nhiều bộ phim lừng lẫy. Đặc biệt là bộ phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”. Để có một bộ phim kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1990, nhà văn Sơn Tùng đã chuyển thể tác phẩm “Búp sen xanh” nổi tiếng của mình thành kịch bản phim “Cuộc chia ly trên Bến Nhà Rồng”. Ở kịch bản này, tác giả vẫn giữ nguyên những nội dung cơ bản của “Búp sen xanh”, nhưng ông đã chủ ý khắc họa rõ hơn tình cảm cao thượng và đẹp đẽ của cô gái miền Nam- Lê Thị Huệ (Út Huệ) với người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Tình cảm này được nhen lên từ thời kỳ Nguyễn Tất Thành còn là học sinh trường Quốc học Huế, cho tới khi rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Kịch bản khi được đưa lên màn ảnh năm 1990, đạo diễn Long Vân đổi tên thành phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”. Và từ đó đến nay, “Hẹn gặp lại Sài Gòn” vẫn được coi là một trong những tác phẩm mẫu mực của điện ảnh cách mạng Việt Nam.
![]() |
Bến Nhà Rồng. Ảnh: LONG THANH |
Thấm thoát đã 105 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh dấn thân vào hành trình cứu nước cứu dân và chấp nhận “Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể. Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi . Những đất tự do, những trời nô lệ. Những con đường cách mạng đang tìm đi”. Bến Nhà Rồng được bao nhiêu thế hệ cháu con tiếp tục gìn giữ và vun đắp. Bến Nhà Rồng hôm nay uy nghi và tráng lệ. Đứng ở Bến Nhà Rồng mùa xuân Bính Thân 2016 có thể dễ dàng nhận ra sự đổi thay phát triển ngoạn mục của thành phố mang tên Người. Nào là cầu vượt Khánh Hội, hầm vượt sông Sài Gòn, phố đi bộ Nguyễn Huệ, nào là những cao ốc nhấp nhô tỏa ngàn ánh điện lung linh. Và ngay bến cảng, mỗi ngày hàng trăm lượt thuyền tấp nập vào ra, đưa hàng hóa được làm bởi bàn tay người Việt cần cù tỏa khắp năm châu.
Mùa xuân, đến Bến Nhà Rồng nghe âm vang câu hát “Hò ơ... Ai về Thủ Thiêm ai qua Bến Nghé. Ai xuôi ai ngược nhớ ghé bến Nhà Rồng. Chiều về khói tỏa trên sông, lẳng nghe câu hát ơ hò... Hơ hờ hơ... Lẳng nghe câu hát ơ... chạnh lòng nước non...” nghe mà lòng thêm ấm áp và tự hào về TPHCM, về tầm vóc đang đi lên đất nước Việt Nam.