(ĐTTCO) - Bến Tre có sông ngòi chằng chịt. Trong số 9 nhánh sông Cửu Long đổ ra biển Đông, có đến 4 nhánh chảy ngang qua Bến Tre, càng về xuôi gần cửa biển sông càng lớn, nước càng mạnh. Do nhiều sông lớn, nên trước đây ở Bến Tre đi lại khó khăn cách trở, dù từ quê lên tỉnh chỉ gần 20 cây số mà thấy thăm thẳm xa. Hầu như đều phải đi ghe thuyền, đò dọc, phà ngang nên chỉ có những ngày tết mới có dịp ra tỉnh.
Ngày trước, từ nhà tôi ra thị xã Bến Tre (nay là TP Bến Tre), phải qua một chuyến đò ngang nhỏ ở sông Cái Cấm, rồi mới dọc theo lộ đất đi miết xuống lộ nhựa gần phà, qua phà, rồi đi xích lô vô chợ. Còn một cách đi khác là khoảng 4 giờ sáng đốt đuốc lá dừa, lội bộ qua những con đường ngoằn ngoèo nhỏ xíu, qua những cây cầu khỉ để ra bến đò sông Cái Cấm, chờ tiếng còi đò hụ cập bến rước khách, rồi ngồi ngủ vật vạ trên đò đến khi trời sáng mới đến được chợ Bến Tre.
Với đôi chân bé thơ, mắt còn ngái ngủ, đi vào giờ đó thấy sao mà xa ơi là xa, nhưng tôi vẫn mê đi lắm vì có mấy ai được dịp theo nội hay má qua thị xã để ngắm cái phồn vinh đô thị, để ăn dĩa cơm tấm, tô hủ tiếu, mua lỉnh kỉnh đồ về làm đám giỗ. Và chuyện quan trọng nữa là mua... mấy ổ bánh mì đem về làm quà cho cả nhà và khoe với đám bạn "tao mới đi Bến Tre hôm qua đó!”. Đôi chân trần mấy khi xỏ dép lên tỉnh, nên mỗi lần qua đường, tôi cứ ríu hết cả người, phải nắm chặt tay má, nhìn tới nhìn lui, ôi sao mà xe đông quá, không dám qua!
Lớn lên, tôi được ba má cho lên tỉnh học. Trên những chiếc xe đạp thô sơ, cũ kỹ, băng qua những con đường đất xa thăm thẳm, đến mùa mưa là cả người lẫn xe đều lấm bùn, anh em chúng tôi vẫn kiên trì mưu cầu chữ nghĩa. Thời ấy, tôi còn không có xe đạp đi học, hai anh em phải dùng chung một chiếc xe đạp cũ. Tôi có nhiều kỷ niệm đau thương với chiếc xe đạp. Một lần tôi bị quấn tà áo dài vào bánh xe, rách lìa vạt, đến nỗi hôm đó phải nghỉ học. Rồi một ngày cuối tuần sau khi về quê, trên đường từ nhà trở lại thị xã ngồi sau lưng ông anh kế, tôi bị thằng nhóc trạc tuổi chạy ngược chiều mất thắng tông thẳng vào, vè xe xắn vào đùi đứt sâu, dài cả một gang tay, máu chảy ướt cả chiếc khăn cột tạm.
Cũng quãng đường dài thăm thẳm ấy, tôi đã có 2 lần đi bộ từ nhà lên thị xã. Lần đầu lúc tôi học lớp 5, vào sáng mùng 2 Tết. Tôi nghe lời ông anh thứ ba, lén ba má qua thị xã Bến Tre chơi cho biết. Hai anh em tụi tôi chỉ có vài ngàn đồng trong túi, lại không rành đường đi, nên cứ bám dọc theo bờ sông Cái Cấm, nhắm hướng về cây cầu Sắt mà cắm đầu đi miết. Đi được một đoạn, lúc băng qua cầu khỉ, bị nước sông đang lên cuốn trôi một chiếc dép, tôi đành vứt chiếc còn lại đi chân không luôn, chứ hai anh em nhất quyết không quay trở về nhà. Còn cách bến phà chừng vài trăm mét, may sao có một anh thanh niên chạy xe máy thấy thương tình cho quá giang đến bến phà. Tụi tôi qua phà xong không rành đường đi, kêu xe xích lô chở thẳng vô khu Hội xuân, sau đó đi bộ vòng qua bờ hồ Trúc Giang chơi. Tiền không nhiều, nên đâu dám mua gì ăn, sợ thiếu. Đến xế chiều, lại may mắn lần nữa, được hai người quen cho quá giang trên xe đạp để về nhà. Nghĩ lại, nếu không được cho quá giang, không biết anh em tôi có lết về đến nhà nổi không.
Có lần má tôi cũng đã đi bộ từ nhà lên tỉnh để thăm các con trọ học, mang theo bịch gạo, ít trái cây và tiền. Má phải đi bộ vì muốn tiết kiệm tiền xe để dành tiền cho các con. Thằng em kế tôi sau đó biết chuyện, đã khóc quá chừng, vì thương má và vì tủi phận. Nhà tôi cũng đâu đến nỗi quá túng thiếu, nhưng chỉ có má là hiểu việc má làm, đó là cái lý của người mẹ. Cả nhà không ai ủng hộ má đi bộ như vậy cả. Sau lần đó, má hứa sẽ không đi bộ mỗi khi thăm con nữa.
Với câu chuyện dòng sông, tôi vẫn còn nguyên cảm giác rợp ngợp mỗi khi nhớ lại những lần qua chuyến phà ngang trên sông Hàm Luông. Nhất là khi chiều xuống, nước lên. Mỗi cuối tuần chạy về thăm nhà, trên chiếc phà ấy, chặng sông ấy, đã biết bao lần qua lại, biết bao con nước đã trôi đi. Tôi cứ đứng tựa mạn phà nhìn sông nước mênh mông, gợn chút sóng đã nhuốm màu hoàng hôn, nhìn về hướng nhà mình đã bị những rặng dừa che khuất, nhìn về phía chân trời, rồi lại nhìn vào đám rừng dừa đen đặc ở cuối bờ xa, một cảm giác u tịch, mênh mông, xa xăm không thể tả. Thỉnh thoảng bắt gặp người khách lạ nào đó mê mải thích thú nhìn cảnh mây trời sông nước, tôi thấy vui vui, tự hào rằng quê mình đẹp, người quê mình cũng đẹp, dễ thương.
Bây giờ, mỗi lần về quê chỉ hơn hai tiếng đồng hồ. Không còn cảnh chen chúc chờ phà giữa nắng trưa nhễ nhại, lại bỗng thấy nhớ nhớ, nơi có những dòng suy tư đã từng lắng lại, nơi đã từng lưu giữ những ánh mắt xa xăm trong buổi hoàng hôn. Nơi có những ánh mắt xa lạ tình cờ gặp nhau trên những chuyến phà, chỉ khẽ mỉm cười rồi quay đi, rồi không bao giờ gặp lại. Nơi nước đã theo dòng, trôi mãi chẳng về đâu…