2 nhóm có ảnh hưởng quan trọng
Theo Ủy ban Basel về giám sát NH (BCBS), có 2 nhóm rủi ro lớn ảnh hưởng đến các rủi ro tài chính của hệ thống NH: rủi ro vật chất và rủi ro do quá trình chuyển đổi để thích nghi với BĐKH. Trong rủi ro vật chất, BCBS phân chia thành cấp tính và mãn tính như tình trạng bệnh tật của con người. Cấp tính là những rủi ro nghiêm trọng, có thể thấy được hiện tượng và hệ lụy rõ ràng như cháy rừng, lũ lụt, bão lũ, những đợt nóng/lạnh khốc liệt, phần lớn là những thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng.
Còn rủi ro mãn tính là các hiện tượng thiên nhiên bị thay đổi một cách từ từ, dồn tích theo tháng năm, hậu quả không thể thấy liền nhưng mức độ nghiêm trọng lớn hơn vì thường bao phủ trên diện rộng. Các hiện tượng này có thể đề cập đến như hạn hán, sạt lở đất, nước biển dâng, lượng mưa hay độ ẩm có biên độ dao động ngày càng lớn dần.
Trong nhóm rủi ro thứ 2 do quá trình chuyển đổi, chi phí cũng là nguyên nhân tác động đến các rủi ro tài chính. Cụ thể, trong quá trình chuyển đổi, có sự thay đổi chính sách của các chính phủ đã tác động rất lớn tới nền kinh tế. Thí dụ, vấn đề mục tiêu khí thải các nước sẽ phải chuyển đổi sang hướng nền kinh tế xanh, giảm sự lệ thuộc vào nguyên liệu hóa thạch. Những chính sách này dĩ nhiên tác động đến nhiều doanh nghiệp (DN) và người lao động. Chỉ cần những thay đổi các chính sách thuế, trợ cấp cũng có thể khiến DN này phát triển thành công, DN khác phải phá sản. Sự thay đổi về công nghệ trong quá trình chuyển đổi cũng là yếu tố tác động đến các rủi ro tài chính.
Kênh truyền dẫn rủi ro
Cũng theo BCBS, kênh truyền dẫn rủi ro BĐKH sang rủi ro tài chính được phân chia thành vi mô và vĩ mô. Ở góc độ vi mô, rủi ro khí hậu sẽ ảnh hưởng đến các hộ gia đình, DN, trong đó có cả NH và định chế tài chính khác. Thiệt hại có thể gây ra đối với các tài sản hữu hình, hoặc làm giảm giá trị một số tài sản như cổ phiếu, xếp hạng tín dụng của DN. Thí dụ, DN trong lĩnh vực khai khoáng, thiên tai xảy ra sẽ làm ảnh hưởng đến sản lượng khai thác, trong trường hợp không có bảo hiểm đầy đủ sẽ làm giảm tài sản của DN, giá cổ phiếu giảm (nếu niêm yết) và khả năng trả nợ bị ảnh hưởng, có thể ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng.
Ở góc độ vĩ mô, đó là ảnh hưởng của BĐKH đối với các nền kinh tế trên diện rộng nói chung, trên các biến số kinh tế vĩ mô. Đó là ảnh hưởng đến các vấn đề thể chế như thay đổi luật pháp, tổ chức lại bộ máy nhà nước thông qua sắp xếp, tạo mới các cơ quan quản lý, giám sát. Các biến số vĩ mô khác bị tác động bởi BĐKH còn bao gồm giá cả hàng hóa, tỷ giá, hoặc nợ của chính phủ qua trái phiếu phát hành.
Trong số này, phải kể đến hành vi và mô hình chiến lược kinh doanh của các NH, định chế tài chính. Tiếp đến là khả năng thiết kế các sản phẩm bảo hiểm cũng như việc định giá để có mức phí bảo hiểm có thể chấp nhận được. Thí dụ, bảo hiểm nông nghiệp rất cần thiết, nhưng cản trở trong việc xác định mức phí có thể chi trả của nông dân là trở ngại lớn. Thêm vào đó, việc phát triển, trưởng thành của thị trường tài chính để có thể “chứng khoán hóa” các rủi ro BĐKH, cũng như các công cụ phòng ngừa rủi ro. Ngành bảo hiểm đã có nhiều cố gắng trong việc cung cấp loại hình trái phiếu thiên tai (CAT bonds), nhưng thị trường sau một thời gian dài vẫn chưa phát triển được như kỳ vọng.
Thách thức rủi ro BĐKH
Thực tế, việc đánh giá ảnh hưởng của rủi ro BĐKH đến rủi ro tài chính của ngành NH vẫn còn mới mẻ đối với các nhà quản lý rủi ro. Về lý thuyết, rủi ro BĐKH sẽ tác động đến các trụ cột rủi ro của NH, như rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản và rủi ro hoạt động theo khung của Basel. Mặc dù đã xác định được các nhóm và yếu tố rủi ro BĐKH, cũng như các kênh truyền dẫn sang rủi ro tài chính, nhưng việc xây dựng được các mô hình để lượng hóa tần suất và mức độ nghiêm trọng vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu, ngay cả ở những nền kinh tế phát triển.
Hiện nay, các chuyên gia quản lý rủi ro trong ngành NH ưu tiên hơn đến các yếu tố rủi ro trong nhóm quá trình chuyển đổi. Lý do được phỏng đoán là các NH không thể hay không có đủ dữ liệu rủi ro tài sản để đưa vào các mô hình ước lượng của mình. Chẳng hạn, các yếu tố về thiên tai cần đủ lớn số lượng quan sát, chưa kể các thiên tai xảy ra ở các địa điểm khác nhau nên đằng sau có nhiều biến số tác động.
Một lý do khác cũng được đưa ra là khả năng tài chính và bảo hiểm của các NH, định chế tài chính vẫn ổn trong việc trích lập dự phòng hay tái bảo hiểm. Các báo cáo thống kê về thiệt hại do thiên tai hàng năm của tập đoàn tái bảo hiểm hàng đầu thế giới Swiss Re, cho thấy thiệt hại lớn về tài sản tập trung ở các nước phát triển dù phần lớn đã có các công cụ bảo hiểm. Trong khi ở các nước nghèo và kém phát triển, thiên tai hay rủi ro BĐKH gây thiệt hại tài sản không nhiều, chủ yếu về con người.
Với các NH hiện tập trung nhiều hơn vào rủi ro tín dụng nên sẽ để ý hơn các nguồn rủi ro từ BĐKH ảnh hưởng đến rủi ro này. Chính vì vậy, những rủi ro, dù trong vật chất hay quá trình chuyển đổi nhưng có liên quan, sẽ đặt trong bán kính rađa quản trị rủi ro của NH. Cụ thể, các NH sẽ xem xét kỹ việc cấp tín dụng cho DN hoạt động trong vùng có rủi ro thiên tai cao, DN có độ nhạy cảm cao với các chính sách chuyển đổi sang nền kinh tế xanh ở cả 2 chiều tích cực và tiêu cực.
Tuy nhiên, việc lượng hóa các rủi ro BĐKH ảnh hưởng đến rủi ro tài chính đứng trước nhiều thách thức, nên các vấn đề phải được lượng hóa thành các con số thật cụ thể. Chính vì vậy các mô hình đo lường rủi ro truyền thống như xác suất phá sản, mức độ thiệt hại tối đa có thể xảy ra (như mô hình VaR hay ES) cần có những phương pháp mới để tích hợp với các mô hình rủi ro trong BĐKH.