Báo cáo hàng quý của BIS cho rằng, mặc dù cả suy thoái kinh tế và rủi ro nợ đều gia tăng, nhưng việc đưa lạm phát toàn cầu hạ nhiệt trở lại vẫn là điều quan trọng nhất.
"Điều quan trọng là phải hành động một cách kịp thời và mạnh mẽ. Việc tăng lãi suất có xu hướng làm giảm khả năng hạ cánh cứng”, Claudio Borio, người đứng đầu Bộ phận Kinh tế và Tiền tệ của BIS cho biết.
Thị trường tuần này dự kiến sẽ chứng kiến một đợt tăng lãi suất siêu lớn khác từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Cùng với ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine, các đợt tăng lãi suất liên tiếp của Fed đã gây ra sóng gió trên thị trường tài chính toàn cầu.
Theo ông Claudio Borio, điều khiến việc giải quyết lạm phát trở nên đặc biệt phức tạp vì đây là lần đầu tiên kể từ ít nhất là Thế chiến II khi các nhà hoạch định chính sách đang cố gắng giải quyết lạm phát tăng vọt vào thời điểm khủng hoảng nợ đang bùng phát và khi có những lo ngại nghiêm trọng về thị trường bất động sản bị định giá quá cao.
Trên hết, dự báo tăng trưởng tiếp tục được điều chỉnh giảm trong khi dự báo lạm phát tiếp tục tăng.
“Chúng tôi biết rằng lối đi khá hẹp. Rõ ràng nếu trước đây có nguy cơ suy thoái kinh tế thì rủi ro đã tăng lên", ông Claudio Boriob cho biết.
Sự gia tăng nhanh chóng của lạm phát, lãi suất và giá năng lượng trong năm nay đã gây ra một trong những đợt bán tháo lớn nhất từ trước đến nay trên thị trường tài chính.
Phần lớn các đồng tiền đều giảm giá so với đồng đô la trong năm nay |
Chứng khoán toàn cầu đã giảm hơn 16% kể từ tháng 1. Đồng yên, đồng euro và hầu hết các loại tiền tệ của nền kinh tế mới nổi đều bị giảm giá so với đồng đô la, và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2011.
Báo cáo của BIS cũng chỉ ra khả năng xảy ra những rắc rối phía trước. BIS cảnh báo rằng, việc thay thế dầu của Nga sẽ rất khó khăn do năng lực dự phòng hạn chế của các nhà sản xuất lớn khác và đầu tư vào các dự án mới còn hạn chế.
Điều đó có thể dẫn đến việc tăng giá liên tục đối với các mặt hàng liên quan đến dầu mỏ trong khi giá khí đốt tự nhiên tăng vọt có thể có tác động lớn và kéo dài đến giá điện và tạo ra thách thức lớn cho ngành sản xuất công nghiệp.
Bên ngoài nước Mỹ, sự gia tăng của đồng đô la đang làm tăng thêm vấn đề lạm phát và cũng là áp lực chồng chất lên các nước kém phát triển hơn, những nước đã đi vay bằng đô la sẽ gặp khó khăn khi đồng tiền của họ bị sụt giảm.
"Điều này có thể gây thêm áp lực thắt chặt chính sách tiền tệ để ngăn chặn sự sụt giá lớn và có thể dẫn tới động thái can thiệp ngoại tệ như đã xảy ra ở một số quốc gia", ông Claudio Boriob cho biết.