Bộ Công Thương quản thị trường vàng liệu có hợp lý?

(ĐTTCO) - Theo TS. Phạm Xuân Hòe, về nguyên tắc, trên thế giới không có một ngân hàng trung ương nào quản lý thị trường vàng, bởi vàng là dạng hàng hóa.

Bộ Công Thương quản thị trường vàng liệu có hợp lý?

Trao đổi với ĐTTC, TS. Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, khi thị trường vàng đã ổn định, tốt nhất nên trả lại cho Bộ Công Thương quản lý để thị trường phát triển bình thường, vì đây cũng là loại hàng hóa. Đồng thời sớm thành lập sàn giao dịch vàng liên thông với quốc tế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng điều này rất bất ổn.

NHTW chỉ quản lý vàng ngoại hối

Đúng là chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước với giá vàng miếng thế giới có thời điểm lên tới gần 20 triệu đồng/lượng, là điều quá bất ổn. Bởi khoảng cách chênh lệnh này tác động tới tâm lý xã hội, có thể gây nên những rủi ro, tiêu cực đến sự an toàn của thị trường tài chính, tiền tệ, nền kinh tế…

Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân do Nghị định 24/2012/NĐ-CP (NĐ24) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong đó cho “độc quyền” sản xuất vàng miếng SJC nên đã tạo ra “độc giá”. Tuy nhiên, cũng có ý kiến “lệch giá” quá lớn này có ai đằng sau đã lũng đoạn, ai tạo ra kích hoạt giá khi thu gom vàng? Bởi lẽ phải có người mua giá mới kích lên, chứ nếu giá quá cao thì ai đầu tư hay đầu cơ?

NĐ24 ra đời 12 năm trước cũng nhằm giải quyết tình trạng “lộn xộn” của thị trường vàng lúc đó. Theo đó, Nhà nước là cơ quan độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền trong quản lý xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, và SJC là thương hiệu vàng quốc gia.

Cũng phải thừa nhận, NĐ24 được ban hành rất kịp thời và đã phát huy tác dụng khá tốt. Và nay, khi thị trường đã ổn định, đã bình ổn, vàng cũng là loại hàng hóa, nên trả lại cho Bộ Công Thương quản lý để thị trường vàng phát triển bình thường.

Và NĐ24 đang được nghiên cứu để sửa đổi. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã ban hành Chỉ thị 06, trong đó yêu cầu NHNN tổng kết nghị định này và có giải pháp quản lý thị trường này trong quý I-2024 để “phù hợp với tình hình mới”.

Không nhất thiết phải độc quyền nhà nước về một thương hiệu vàng. Phải coi vàng là một hàng hóa khá thông thường, mọi người đều có thể sử dụng, và Nhà nước quản lý mặt hàng này rất dễ.

GS. HOÀNG VĂN CƯỜNG

Theo TS. Phạm Xuân Hòe, về nguyên tắc, trên thế giới không có một Ngân hàng trung ương (NHTW) nào quản lý thị trường vàng, bởi vàng là dạng hàng hóa. NHTW chỉ quản lý vàng ngoại hối, vàng trong kho NHNN, vàng dự trữ của quốc gia.

Với vàng ngoại hối là vàng đóng bánh, xuất nhập khẩu qua biên giới như vậy là chuyển lượng tiền hoặc dòng tiền lớn của quốc gia, ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá. Còn vàng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất ra vàng hàng hóa, hoàn toàn có thể cấp phép bình thường cho các doanh nghiệp nhập khẩu bình thường, không cần ai độc quyền cả.

Theo đó, TS. Phạm Xuân Hòe cho rằng cần phải xóa độc quyền thương hiệu vàng SJC, và cần sớm hình thành thị trường vàng liên thông với thế giới thông qua sàn giao dịch vàng. Khi không còn độc quyền và liên thông với quốc tế, vàng sẽ không bị thổi giá.

Trước mắt, nếu khả năng quản lý của Việt Nam chưa thể kham nổi, có thể thí điểm một đến hai sàn vàng. Tuy nhiên, vàng là hàng hóa đặc biệt, cần có khung khổ quy định cụ thể, như giao dịch sàn vàng thế nào, những người nào có đủ tiêu chuẩn để tham gia, quy định về ký quỹ, quy định về giao dịch…

Nên giao Bộ Công Thương quản lý thị trường vàng

Khi thị trường vàng trở về thị trường bình thường, cũng sẽ bớt đi ảnh hưởng của câu chuyện nhập lậu vàng qua biên giới và không bị chảy máu ngoại tệ. Tiếp đến hoàn thiện khung khổ và hành lang pháp lý cho giao dịch vàng như giao dịch hàng hóa bình thường.

Khi giao về Bộ Công Thương quản lý thị trường vàng. NHTW quay trở về với sứ mạng của mình, đó là chính sách tiền tệ và chỉ quản lý vàng ngoại hối, bảo đảm tập trung cho mục tiêu điều hành chính chính sách tiền tệ tốt hơn và hiệu quả hơn.

Cùng quan điểm, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, cho rằng việc lập sàn giao dịch vàng cần tính đến. Bởi khi đưa vàng vào giao dịch trên thị trường, khớp lệnh công khai minh bạch, người nào tham gia biết ngay, thị trường có bao nhiêu người bán, mua… Thông tin minh bạch giúp người tham gia vào thị trường dễ đưa quyết định sáng suốt hơn, đặc biệt Nhà nước kiểm soát sẽ tốt.

GS. Hoàng Văn Cường phân tích về hệ quả khi còn độc quyền vàng miếng, thiếu liên thông, giá vàng chênh lệch lớn. Thứ nhất, những người có nhu cầu sở hữu vàng, cất trữ vàng sẽ bị thiệt hại, phải mua vàng với một cái giá rất cao. Thứ hai, không bình đẳng giữa những vàng miếng như nhau, có thể chất lượng cùng 9999 như nhau, nhưng vàng SJC được Nhà nước bảo hộ giá rất cao.

Thứ ba, sẽ nguy hại không chỉ riêng cho người dân, mà còn thiệt hại về mặt xã hội do sinh lợi từ nhập lậu vàng. Bởi Nhà nước không cấp phép nhập vàng, người ta sẽ buôn lậu. Khi lợi nhuận càng cao, tình trạng buôn lậu sẽ diễn ra càng lớn. Bên cạnh đó là thất thu thuế, không tạo ra một thị trường cạnh tranh minh bạch, bình đẳng, lại thất thoát về ngoại tệ, ảnh hưởng tới quản lý tỷ giá.

Thế nhưng, lập sàn giao dịch vàng, mô hình sàn vàng như thế nào không hề dễ, bởi vàng không phải mô hình như bán hàng hóa thông thường, ai mua cũng được mà phải đưa vào từng cấp độ.

Thí dụ, sàn sơ cấp, chỉ có một số nhà kinh doanh rất chuyên nghiệp mới giao dịch ở đó và thông qua liên thông quốc tế. Sàn thứ cấp, dành cho mua bán lẻ, có thể mua bán tự do trong nước, để chúng ta phòng ngừa rủi ro. Và điều quan trọng là khuôn khổ pháp lý để kiểm soát, cũng như để phát triển lành mạnh cả thị trường vàng vật chất và thị trường vàng trên sàn.

Các tin khác