Bộ KH-ĐT sẽ sàng lọc đối tượng hỗ trợ lãi suất 2%

(ĐTTCO) - Theo ông TRẦN DUY ĐÔNG, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, Nghị định 31/2022/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 20-5-2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước (NSNN) đối với khoản vay của doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh quy định rất rõ ràng, cụ thể về các nhóm đối tượng được tiếp cận khoản vay cũng như các điều kiện vay. Vấn đề là việc sàng lọc đối tượng cần nhanh và chính xác.

Nhà hàng ăn uống cũng nằm trong tiêu chí được vay hỗ trợ lãi suất, nhưng để được vay phải qua khâu thẩm định và xem ra khó có thể được hỗ trợ.
Nhà hàng ăn uống cũng nằm trong tiêu chí được vay hỗ trợ lãi suất, nhưng để được vay phải qua khâu thẩm định và xem ra khó có thể được hỗ trợ.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, Bộ KH-ĐT là 1 trong 3 đơn vị được giao triển khai thực hiện Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất (cùng với NHNN và Bộ Tài chính). Vậy hiện nay công tác triển khai của bộ được tiến hành như thế nào?
Thứ trưởng TRẦN DUY ĐÔNG: - Tinh thần chung của Bộ KH-ĐT là tích cực phối hợp cùng với NHNN và Bộ Tài chính để triển khai thực hiện. Hiện nay NHNN cũng đã có những hướng dẫn cụ thể với các NHTM để thực hiện các nội dung của Nghị định này.
Bộ KH-ĐT cũng sẽ hỗ trợ giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện, nếu gặp phải. Cụ thể, Bộ KH-ĐT được giao nhiệm vụ sàng lọc các nhóm đối tượng đủ điều kiện để được hưởng gói hỗ trợ lãi suất 2%, ở đây là Điểm a Khoản 2 Điều 2 của Nghị định 31.
Đó là những nhóm có mục đích sử dụng vốn vay thuộc một trong các ngành đã được đăng ký kinh doanh quy định tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg ngày 6-7-2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, bao gồm hàng không, vận tải kho bãi (H), du lịch (N79), dịch vụ lưu trú, ăn uống (I), giáo dục và đào tạo (P), nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (A), công nghiệp chế biến, chế tạo (C), xuất bản phần mềm (J582), lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan (J-62), hoạt động dịch vụ thông tin (J-63); trong đó có hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế nói trên nhưng không bao gồm hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản quy định tại mã ngành kinh tế (L).
Có thể thấy, Nghị định 31 đã nêu rất rõ, những  đối tượng khách hàng muốn được hưởng hỗ trợ lãi suất 2% phải đáp ứng đồng thời cả 2 điều kiện. Thứ nhất, có ngành nghề đăng ký kinh doanh được quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 2. Nghĩa là khách hàng vay vốn có thể đầu tư các hạng mục dự án khác nhau, nhưng bắt buộc phải thuộc nhóm ngành nghề đã được quy định.
Thứ hai, điều kiện về mục đích sử dụng vốn vay ưu đãi lãi suất cũng phải phục vụ cho chính ngành nghề đó, gồm 9 ngành nghề cụ thể theo Quyết định 27.
- Những trường hợp đăng ký kinh doanh không quy định cụ thể ngành nghề nhưng khách hàng có mục đích sử dụng vốn vay thuộc các ngành được ưu đãi lãi suất cho vay, có được hỗ trợ theo Nghị định 31; hoặc có ngành nghề kinh doanh được vay nhưng lại không phục vụ cho ngành ấy có được tiếp cận vốn vay gói hỗ trợ lãi suất 2%, thưa ông?
- Theo Điều 7 của Luật DN, khi đăng ký thành lập DN hay đăng ký thay đổi ngành nghề kinh doanh hoặc thay đổi pháp nhân của DN, người thành lập DN phải lựa chọn lĩnh vực ngành nghề đăng ký cấp vốn theo Quyết định 27 của Chính phủ.
Thí dụ, dịch vụ cấp 1 là lưu trú, ăn uống (theo mã ngành I), khi đăng ký vay cơ quan chức năng phải rà soát mã ngành và mục đích sử dụng vốn có đúng không. Nếu như ngành nghề đăng ký kinh doanh lưu trú ăn uống phục vụ cho khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, KTX sinh viên… hay ăn uống mới được vay, phải rà soát kỹ để thẩm định hồ sơ. 
Chúng tôi phải có đủ cơ sở để khẳng định khi thành lập mới DN, người thành lập DN đó đã lựa chọn ngành kinh tế cấp vốn, ghi đề nghị ngành nghề kinh doanh trong giấy thành lập DN. Khi cơ quan đăng ký kinh doanh đã nhận hồ sơ đăng ký ấy, dù không ghi rõ ngành nghề kinh doanh nhưng hồ sơ đề nghị đã được lưu trữ vào dữ liệu DN, hoàn toàn có thể tra cứu được.
Như vậy, dù không có ngành nghề trong giấy đăng ký kinh doanh nhưng ngành đăng ký dịch vụ cấp 4 đã lưu trong cơ sở dữ liệu vẫn được vay vốn gói hỗ trợ lãi suất. Với trường hợp có ngành nghề kinh doanh không có mục đích sử dụng vốn hay sử dụng vốn không đúng với ngành nghề sẽ không được vay vốn.
- Các trường hợp hộ kinh doanh là hộ gia đình, hoặc những DN đăng ký kinh doanh đa ngành nghề, có được vay vốn hỗ trợ lãi suất, thưa ông?
- Theo quy định tại Khoản 2 Điều 79 của Nghị định 01 về đăng ký lập DN, các hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối, những người bán hàng rong… không phải đăng ký hộ kinh doanh.
Các hộ kinh doanh này nếu có mục đích sử dụng vốn vay thì vẫn thuộc các đối tượng hỗ trợ lãi suất, vì họ thuộc đối tượng không phải đăng ký kinh doanh. Điều kiện ở đây là họ phải có mục đích sử dụng vốn vay đúng với ngành nghề đã quy định tại Nghị định 31.
Còn đối với những DN đăng ký kinh doanh đa ngành nghề, trong đó có ngành nghề được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 nhưng lại có mục đích sử dụng vốn vay là thanh toán chi phí thường xuyên của DN như trả lương, thanh toán điện nước, văn phòng… sẽ có 2 trường hợp (1) đáp ứng được và (2) chưa rõ ràng.
Nếu như trường hợp vay vốn này nằm trong phương án vay vốn ngân hàng có trả lương cho cán bộ, nhân viên thực hiện dự án phù hợp với các ngành nghề quy định tại Nghị định 31 sẽ được hỗ trợ lãi suất, còn nếu không không được vay.
- Có ý kiến lo ngại khi dòng vốn vay hỗ trợ lãi suất 2% có thể được “lách” vào bất động sản khi trong Nghị định 31 có quy định đối tượng áp dụng bao gồm cả hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế?
- Nghị định 31 có quy định đối tượng áp dụng bao gồm cả hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế nói trên nhưng không bao gồm hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản quy định tại mã ngành kinh tế (L) theo Quyết định 27.
Như đã nói ở trên, muốn đủ điều kiện vay vốn hỗ trợ lãi suất buộc phải có đồng thời 2 điều kiện. Đối với DN kinh doanh xây dựng, điều kiện thứ 2 đáp ứng được nhưng điều kiện 1 lại không đáp ứng được, vì lĩnh vực hoạt động lại trong ngành nghề xây dựng không thuộc 9 ngành nghề đã quy định trong Nghị định 31.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác