Tiêu chí siết chặt, khó tiếp cận
Theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, đối tượng được hỗ trợ lãi suất 2% là các DN, HTX, hộ kinh doanh có mục đích vay vốn thuộc 2 nhóm: (1) Các ngành hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục - đào tạo; nông - lâm nghiệp - thủy sản; công nghiệp chế biến - chế tạo; xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin; bao gồm cả hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế này, trừ hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản.
(2) Có mục đích sử dụng vốn vay để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố.
Hồi đầu tháng 7, NHNN cho biết đến nay các NHTM đã hoàn thành đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất và NHNN đã tổng hợp, đề nghị Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền để giao bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022 là 16.035 tỷ đồng, bố trí kế hoạch đầu tư công năm 2023 là 23.965 tỷ đồng.
Ngoài ra, NHNN cũng có thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 tới từng NHTM để triển khai. Như vậy, với mức phân bổ ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ lãi suất 2%/năm như trên, ước tính các NH sẽ dành khoảng 800.000 tỷ đồng dư nợ cho vay trong năm nay để giảm lãi suất cho người dân, DN đủ điều kiện. Trong năm 2023, dư nợ dự kiến được hỗ trợ lãi suất khoảng 1,2 triệu tỷ đồng.
Để được tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất này, DN phải đáp ứng nhiều điều kiện, bao gồm: (1) đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn thông thường của các NHTM; (2) đáp ứng được điều kiện đã ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-2022 đến 31-12-2023; (3) sử dụng vốn đúng mục đích và (4) chưa được hỗ trợ lãi suất từ NSNN theo các chính sách khác.
Nhận xét về các điều kiện cho vay, ông Phạm Huy Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, cho biết với các tiêu chí siết chặt như trên DN rất khó tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất này. Nhóm DNNVV là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất vì dịch Covid-19. Nên với tiêu chí không có nợ xấu, phải có doanh thu, có tài sản bảo đảm, đa số DN khó đáp ứng được.
Thực tế, trong 2 năm dịch Covid-19 nhiều DN phải thu hẹp hoặc ngừng sản xuất, giảm quy mô, không ít DN không tránh khỏi nợ xấu và phải xin cơ cấu lại, chuyển nhóm nợ. Ngay cả đại diện NHTM cũng cho rằng với các tiêu chí chặt chẽ của Nghị định 31, đối tượng có thể tiếp cận được gói vay hỗ trợ lãi suất 2% không nhiều.
Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, xét từ thống kê thực tế của NH này, số khách hàng đáp ứng được yêu cầu để hưởng hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 không lớn, bởi số này chiếm chưa đến 10% tổng dư nợ. “Chúng tôi ước tính dư nợ được hỗ trợ khoảng 2 triệu tỷ đồng.
Chia cho 1,5 năm thực hiện, bình quân có khoảng 1,3 triệu tỷ đồng nằm trong gói hỗ trợ lãi suất được giải ngân từ ngân sách. Nhưng do quy định quá chặt chẽ nên sẽ khó tiêu hết gói ngân sách hỗ trợ này, tức mục tiêu sẽ không đạt được” - ông Hưng nói.
Về việc muốn vay phải “sạch” nợ, ông Hưng dẫn chứng NHNN đã có Thông tư 01 và 03 sửa đổi quy định về hỗ trợ khách hàng là DN bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Có nghĩa là những khách hàng này đã được cơ cấu lại các nhóm nợ và không thuộc nhóm đối tượng hỗ trợ lãi suất này. Tuy nhiên, các khoản giải ngân phải trước 1-8-2021. Như vậy, nhóm đối tượng này sẽ không được hưởng gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Lo ngại hàng rào kỹ thuật
Lo ngại hàng rào kỹ thuật
Thực tế cho thấy, vào thời điểm Nghị định 31 được ban hành, một số NHTM đã tỏ ra dè dặt gói hỗ trợ lãi suất 2% vì lo ngại đi vào “vết xe đổ” hơn chục năm trước, được xem là bài học đến nay vẫn còn ám ảnh các NH.
Đại diện một NHTM đã thẳng thắn chia sẻ trong hội nghị triển khai Nghị định 31 do NHNN tổ chức hồi đầu tháng 7: “Chúng tôi ủng hộ hoàn toàn gói hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ, song chúng tôi muốn có những cơ chế, hướng dẫn cụ thể hơn để thực hiện. Đây là nhiệm vụ chính trị được giao phải làm, nhưng cần có cơ chế, cách hiểu rõ ràng để thực hiện, tránh làm không đúng. Gói hỗ trợ lãi suất thời kỳ 2010-2011 đến nay không thể quyết toán nổi, NH phải chấp nhận đó là tổn thất, là bài học vẫn còn nóng hổi”.
Có thể thấy, sự dè dặt của các NHTM đối với gói hỗ trợ cấp bù lãi suất không phải không có cơ sở. Vì vậy, cùng với việc đồng ý triển khai gói hỗ trợ lãi suất, một số NHTM đề xuất kèm yêu cầu như “điều kiện đánh đổi” là NHNN cho nới room tín dụng. Thực tế, mở room tín dụng và bù lãi suất là 2 vấn đề khác nhau.
Mở room tín dụng là tùy khả năng của từng NH, còn hỗ trợ lãi suất là NSNN hỗ trợ cho NH để họ cho vay các đối tượng được ưu tiên. Đây là điểm mới đáng chú ý của Nghị định 31 so với chính sách hỗ trợ lãi suất thời kỳ 2010-2011. Nói đúng hơn, Nghị định 31 là sự kết hợp điều hành cả về chính sách tài khóa lẫn tiền tệ để nhằm hỗ trợ DN.
Dẫu vậy, điều khiến các DN lo ngại về gói cấp bù lãi suất là “trên thông, dưới tắc”. Đó là khi một số NHTM nhìn thấy việc hỗ trợ này không mang lại lợi ích cho mình vẫn có thể dùng “hàng rào kỹ thuật” để không cho vay.
Như vậy, việc áp dụng bù lãi suất này như thế nào lại phụ thuộc vào các NHTM. Bình luận về điều này, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, cho rằng để Nghị định 31 triển khai có hiệu quả, phải kiểm tra, thanh tra thường xuyên. Theo đó, NHNN khi đã giao chỉ tiêu cho từng NHTM, sau đó thường xuyên kiểm tra, đốc thúc thực hiện.
Với tiêu chí không có nợ xấu, phải có doanh thu, có tài sản bảo đảm, trong khi 2 năm dịch Covid-19 nhiều DN phải thu hẹp hoặc ngừng sản xuất, nên đa số DN sẽ khó đáp ứng để được vay gói hỗ trợ lãi suất 2%. |