Ưu tiên hàng đầu: Tăng thuế và tiếp tục vay nợ
Trong hơn 3 tiếng đồng hồ trình bày, thông điệp chính mà bà Yellen đưa ra là nước Mỹ cần hành động lớn, nguyên văn là “Act big”, để vực dậy nền kinh tế, giảm bất bình đẳng, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và chống lại vấn đề trợ giá, cạnh tranh thương mại không bình đẳng với Trung Quốc.
Covid-19 đã làm chết hơn 400.000 người ở Mỹ và nền kinh tế số một thế giới này cũng bị tổn thương nặng. Chính vì vậy, ưu tiên trước hết là dân chúng được tiêm vaccine, đưa các hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường, tăng sức cạnh canh của nền kinh tế và tạo thêm việc làm. Quan điểm của bà Yellen là cần vực dậy nền kinh tế ngay lập tức, dù phải chấp nhận những thách thức khác trong ngắn hạn còn hơn là trong dài hạn, suy thoái kinh tế sẽ kéo dài và hậu quả còn đau đớn hơn.
Một bộ phận trong nền kinh tế sẽ đón nhận cú sốc về thuế như các tập đoàn lớn và nhóm dân cư giàu có. Bởi để có nguồn ngân sách cho chống đại dịch và vực dậy nền kinh tế, tăng thuế sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu. Bởi theo bà Yellen, 2 nhóm này đã được hưởng lợi nhiều từ việc giảm thuế của đảng Cộng hòa năm 2017. Không những thế, giới đầu tư cũng phải nổi da gà khi bà đề nghị Bộ Tài chính có thể cân nhắc đánh thuế các khoản lợi nhuận tài chính chưa thực hiện (unrealized capital gains).
TS. VÕ ĐÌNH TRÍ, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global
Với kế hoạch kích thích nền kinh tế của tân Tổng thống Biden với ngân sách lên đến 1.900 tỷ USD, khả năng Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục tăng vay nợ. Nhưng theo bà Yellen, đây không là vấn đề lớn trong bối cảnh lãi suất trên thị trường còn ở mức rất thấp. Tuy nhiên, bà cho biết cũng sẽ cẩn trọng theo dõi yếu tố quan trọng này khi nền kinh tế có những bước hồi phục nhất định.
Trung Quốc vẫn là đối thủ cạnh tranh
Trung Quốc vẫn là đối thủ cạnh tranh
Ưu tiên trong hành động lớn thứ hai của bà Yellen là vấn đề biến đổi khí hậu. Trái với chính quyền Trump, trong chiến dịch tranh cử, ông Biden và ê-kíp của mình đã luôn nhấn mạnh ưu tiên vấn đề biến đổi khí hậu, quay lại với COP-21 Paris. Bộ Tài chính Mỹ dưới sự điều hành của bà Yellen sẽ đặt vấn đề biến đổi khí hậu thành một trọng tâm, là mối đe dọa đối với nền kinh tế Mỹ, cũng như là rủi ro hệ thống đối với hệ thống tài chính. Chính vì vậy, dự kiến bà sẽ bổ nhiệm một quan chức kỳ cựu để theo dõi vấn đề này. Cụ thể, bà sẽ ưu tiên vấn đề khí thải carbon, đầu tư vào công nghệ sạch, và phương tiện giao thông sử dụng năng lượng điện.
Những gì diễn ra trong đại dịch Covid-19 ở Mỹ đã phản ánh phần nào sức chống chịu và sự bất bình đẳng trong xã hội Mỹ. Mong muốn của bà Yellen trong việc giảm bất bình đẳng trong chống dịch bệnh, phục hồi kinh tế được lặp lại trong chương trình chống biến đổi khí hậu, vì theo bà tác động của biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng và sự gánh chịu ở các nhóm trong xã hội là không giống nhau.
Đối với vấn đề Trung Quốc, một điều có thể nhận thấy là dù đảng Cộng hòa hay Dân chủ cầm quyền, thì những người lãnh đạo nước Mỹ vẫn xem Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh chiến lược quan trọng nhất. Trong cạnh canh với Mỹ và các nước khác, bà Yellen cho rằng Trung Quốc đã có những hành động lạm dụng, không công bằng và thậm chí bất hợp pháp.
Không như chính quyền Trump muốn định giá thấp đồng USD để phản pháo với Trung Quốc, kế hoạch của bà Yellen là hãy để thị trường quyết định. Việc thao túng tỷ giá để có lợi trong thương mại của các nước là điều không thể chấp nhận được. Vì vậy, thông điệp này cũng cần các nước là đối tác thương mại lớn của Mỹ để ý chặt chẽ.
Và người phụ nữ xuất chúng này có những lợi thế gì để hiện thực hóa các chiến lược của mình?
Có thể nói hiện nay, bà Janet Yellen là một nhà kinh tế, chính trị gia nữ nổi bật và có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Từng là chủ tịch của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giai đoạn 2014-2018, tiểu sử của bà chắc khiến ai cũng phải ngả mũ. Là tiến sĩ kinh tế ở Đại học Yale, bà cũng từng là giáo sư ở các trường đại học danh tiếng nhất thế giới như California Berkeley, Havard, London School of Economics (LSE). Nhưng không chỉ có uy tín trong giới học thuật, bà Yellen còn được đánh giá rất cao trong nhiều tổ chức chính trị xã hội khác.
Đối với vấn đề biến đổi khí hậu, bà Yellen đặt nhiều hy vọng vào việc tạo được một thị trường khí thải carbon. Việc định giá khí thải và tạo ra thị trường mua bán sẽ điều chỉnh hành vi của các bên tham gia, từ đó sẽ có tác động tích cực đến việc giảm thải. Ảnh hưởng của bà được cho là sẽ thông qua các tổ chức như Climate Leadership Coalition (CLC), Federal Stability Oversight Council (FSOC), và Network for Greening the Financial System.
Thêm vào đó, khi đã nắm quyền điều hành Bộ Tài chính, sức ảnh hưởng của bà Yellen sẽ được truyền dẫn thêm qua các cơ quan tổ chức như USAID, Millennium Challenge Corp., Export-Import Bank, U.S. Trade and Development Agency, và ngay cả International Development Finance Corp..
Như vậy có thể thấy rằng, Bộ Tài chính Mỹ dưới sự điều hành của một người phụ nữ xuất chúng như bà Yellen sẽ có nhiều thuận lợi để thực hiện được những kế hoạch lớn của nước Mỹ trong những năm sắp tới. Nhưng với sự cẩn trọng thường có ở một người phụ nữ, sự can thiệp độc lập của Fed về lãi suất và các hành động của Trung Quốc sẽ là những thứ mà bà cùng với các cộng sự của mình phải dè chừng.
Không như chính quyền Trump muốn định giá thấp đồng USD để phản pháo với Trung Quốc, kế hoạch của bà Yellen là hãy để thị trường quyết định. |