Đó là chưa nói đến thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) - một trong những điểm sáng kinh tế trong suốt thời gian qua, trong quý I giảm tới 19,3%.
Nguyên nhân do các tập đoàn lớn xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư vào nước ta trước tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu và phản ứng chính sách của Chính phủ. Tăng trưởng tín dụng đến ngày 28-3 chỉ tăng 2,06%, cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN), nền kinh tế tiếp tục khó khăn.
PHÓNG VIÊN: - Như vậy để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% rất áp lực. Bộ trưởng dự báo về nền kinh tế trong 9 tháng còn lại của 2023?
Bộ trưởng NGUYỄN CHÍ DŨNG: - Bộ KH-ĐT dự báo 2 kịch bản tăng trưởng. Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6%, thấp hơn 0,5% so với mục tiêu Quốc hội quyết nghị. Như vậy, tăng trưởng các quý II, III và IV theo kịch bản lần lượt 6,7%, 6,5% và 7,1%. Trường hợp tăng trưởng năm 2023 chỉ đạt 6% sẽ gây áp lực rất lớn lên mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021-2025, đòi hỏi năm 2024-2025 phải đạt tăng trưởng bình quân gần 8%/năm để đạt mục tiêu 5 năm 6,5%.
Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng |
Kịch bản 2, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 6,5%, tăng trưởng kinh tế quý II, III và IV đạt lần lượt 6,7%, 7,5% và 7,9%. Nhưng đây là kịch bản rất thách thức, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Hiện nay, hầu hết chính sách hỗ trợ DN, người dân thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã hết thời gian thực hiện hoặc hiệu quả thấp.
- Vậy Bộ KH-ĐT thiên về kịch bản nào và cần giải pháp cụ thể gì để nền kinh tế bứt tốc?
- Tôi kiến nghị lựa chọn kịch bản 2, đó là phấn đấu tăng trưởng cả năm 6,5%, tạo đà cho các năm tiếp theo để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021-2025 từ 6,5-7%. Vẫn biết đây là một thách thức, nhưng trước những thách thức đó, Bộ KH-ĐT đã tham mưu, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II của từng bộ, cơ quan.
Trong đó, chúng tôi kiến nghị Bộ Tài chính quản lý chặt chẽ các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên; khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền phương án miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023. Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài chính đẩy nhanh hoàn thuế VAT, tạo thuận lợi tối đa cho DN trong các thủ tục xuất, nhập khẩu, xây dựng; báo cáo Thủ tướng về phương án tổng thể điều hành chính sách tài khóa trong tình hình hiện nay.
Về phía NHNN, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, khẩn trương nghiên cứu, ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh; giữ ổn định thị trường ngoại tệ, điều hành tỷ giá phù hợp với tình hình.
Đối với các địa phương, cần tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn trên địa bàn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, DN, tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Quan trọng nhất, triển khai nhanh, đồng bộ, quyết liệt hơn để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Cần thành lập tổ công tác đặc biệt do chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, kịp thời hỗ trợ DN, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho từng địa phương và cả nền kinh tế. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, đổi mới, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút FDI.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng.