Chị cho biết, ở Mỹ thời gian làm việc bắt buộc là 40 tiếng/tuần, tức là mỗi ngày 8 tiếng, cộng thêm 2 tiếng đi về, 30 hoặc 60 phút nghỉ ăn trưa. Như vậy, 13 tiếng còn lại dùng cho việc ngủ, ăn và vệ sinh. Trong 2 ngày nghỉ cuối tuần, nếu không làm overtime (thêm giờ/tăng ca) để kiếm thêm, thì cũng mất 16/48 tiếng cho việc ngủ, nghỉ ngơi lấy lại sức. Như vậy, họ chỉ dư khoảng vài tiếng dành cho gia đình, quan tâm việc học tập của con cái, gọi điện hỏi thăm cha mẹ...
Thời gian dành cho bạn bè như uống cà phê hay uống bia chỉ khoảng 1 tiếng mỗi tuần. Từ đó thấy rằng, việc mất vài ba tiếng để ngồi quán cà phê lướt điện thoại hoặc tám chuyện với bạn bè là hết sức xa xỉ trong quỹ thời gian của họ.
Tôi hiểu rằng đó là tình hình chung của nhiều người sống ở Mỹ chứ không phải tất cả. Nhưng ở nước ta, nhất là tại TPHCM, ta sẽ thấy còn có nhiều người thường xuyên “đóng đô” ở các tiệm cà phê, còn nhiều quán nhậu thì luôn có đông khách (hiện nay do siết chặt việc kiểm tra nồng độ cồn nên đã giảm nhiều), hay có không ít người suốt ngày quanh quẩn ở nhà mà không đi làm.
Cũng có người hễ rảnh chút là “gầy độ nhậu” với vài xị rượu đế, mấy lít bia hơi. Không ít người lên mạng chơi game, xem TikTok, lướt Facebook, “cày phim” hoặc vừa nhậu vừa hát karaoke. Những hiện tượng này không lạ gì với chúng ta.
Điều đó cho thấy, hiện ở xã hội ta có không ít người còn rảnh rỗi nhiều, có thể chưa hoặc không tìm được việc làm, thời gian làm việc ít, việc sử dụng thời gian chưa hợp lý, còn lãng phí thời gian cho một số việc chưa thực sự có ích… Trong số này, khá nhiều đang trong độ tuổi lao động, nên năng suất lao động nói chung vì thế cũng không cao.
Trong hơn 1 năm qua, tình hình kinh tế cả nước nói chung và TPHCM nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Với những tác động đa chiều, nhiều người bị mất việc, giãn việc, giảm thu nhập. Đời sống của một bộ phận người dân, nhất là người có thu nhập thấp, lao động phổ thông, nhóm người yếu thế bị ảnh hưởng đáng kể.
Chính vì thế, chất lượng sống của người dân cũng ít nhiều bị sụt giảm. Chẳng hạn, việc đầu tư cho khám chữa bệnh, giải trí, học tập… có thể bị cắt giảm, để tập trung cho những nhu cầu quan trọng và thiết yếu hơn. Trong từng gia đình, có thể ưu tiên cho một số đối tượng cụ thể (nhất là người già, trẻ em…), còn những người khác có thể ít được quan tâm.
Trên thực tế, khi kinh tế khó khăn, một số người có xu hướng làm việc với cường độ cao hơn, thời gian dài hơn để cố gắng bảo đảm thu nhập hoặc tăng phần nào thu nhập để bù đắp lại sự sụt giảm thu nhập của người khác trong gia đình.
Thí dụ, hai vợ chồng trước đây cùng làm công nhân, hiện do doanh nghiệp giảm việc nên người vợ phải tạm thời mất việc, thì người chồng phải làm thêm việc khác để có thêm thu nhập nhằm bảo đảm trang trải cuộc sống.
Hay trường hợp người chồng lâu nay chạy xe ôm công nghệ, có thu nhập cơ bản đủ sống nhưng hiện tại do có nhiều người chạy xe hơn, số chuyến mỗi ngày ít hơn nên anh phải làm thời gian dài hơn, chịu khó “cày” những cuốc đi xa hoặc cuốc ít tiền hơn mà không dám bỏ chuyến.
Nhìn chung, có nhiều người chủ động thích nghi với điều kiện thực tế đã cố gắng bảo đảm chất lượng cuộc sống như trước hoặc đạt mức tốt nhất có thể. Bên cạnh việc cắt giảm chi tiêu thì đa số chọn giải pháp làm thêm việc, thời gian làm việc dài hơn, chấp nhận vất vả và rủi ro hơn.
Dẫu vậy, hiện tượng có không ít người còn lãng phí thời gian hoặc chưa làm việc với năng suất cao, cho thấy việc phân công lao động và tổ chức công việc ở từng gia đình còn chưa tốt. Điều này cần có sự chủ động điều chỉnh từng cá nhân, từng gia đình, nhất là với những người trong độ tuổi lao động.
Đặc biệt là với một số người có sức khỏe, có trình độ, có điều kiện làm việc tương đối tốt nhưng chưa chịu đi làm hoặc còn có ý chọn lựa những việc có thu nhập cao, có vị trí xã hội tốt thì rõ ràng không phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Hay những người còn có tâm lý làm việc “đủng đỉnh”, không quan tâm nhiều đến hiệu quả và năng suất, cũng không chú ý cải thiện chất lượng và thu nhập thì rất cần có sự thay đổi.
Suy cho cùng, sự điều chỉnh trong cách làm việc của từng người, từng gia đình có ý nghĩa quan trọng đến sự thay đổi lề lối, năng suất và hiệu quả làm việc của cả xã hội. Trong bối cảnh càng khó khăn, thì mỗi người càng cần điều chỉnh để có thể đạt hiệu quả và chất lượng lao động tốt nhất, trong đó vấn đề tiết kiệm thời gian là điều rất cần được chú ý.
Đương nhiên, việc sử dụng thời gian rảnh rỗi ở khía cạnh nào đó có liên quan đến việc sử dụng một số loại dịch vụ, hàng hóa.
Thế nhưng, xét tổng thể đó là sự lãng phí thời gian của từng cá nhân và của toàn xã hội. Trong điều kiện lý tưởng, một người làm việc hiệu quả, có thu nhập tốt chắc chắn sẽ có nhu cầu tiêu dùng và sẵn sàng tiêu dùng ở mức cao hơn người không đi làm hoặc đi làm có thu nhập thấp.
Do vậy, khi xã hội cùng tiết kiệm thời gian để lao động và lao động tích cực, thì đó cũng là lý do và điều kiện để kích cầu, thúc đẩy xã hội phát triển hơn.