Bùng nổ thực phẩm chức năng: Quảng cáo "thổi phồng, thổi giá"

Hơn chục năm trở lại đây, thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam phát triển mạnh chưa từng thấy với sự xuất hiện của hàng ngàn sản phẩm. Trong khi đó loại hình này mới được Bộ Y tế ban hành Thông tư 08 ngày 26-4-2013, để ngăn chặn việc quảng cáo quá mức. Thực tế này cho thấy liệu đây có phải ngành kinh doanh siêu lợi nhuận?

Hơn chục năm trở lại đây, thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam phát triển mạnh chưa từng thấy với sự xuất hiện của hàng ngàn sản phẩm. Trong khi đó loại hình này mới được Bộ Y tế ban hành Thông tư 08 ngày 26-4-2013, để ngăn chặn việc quảng cáo quá mức. Thực tế này cho thấy liệu đây có phải ngành kinh doanh siêu lợi nhuận?

Ngoại tràn lan

Gõ cụm từ "thực phẩm chức năng nhau thai cừu" (sản phẩm chỉ có hàng nhập ngoại không có hàng của Việt Nam) trên google, sẽ có ngay 1,12 triệu kết quả trong 0,17 giây. Hàng bán đủ nhãn hiệu, giá cả mỗi nơi mỗi khác, nhưng nội dung quảng cáo tựu chung là trị nám, tàn nhang mang lại vẻ đẹp cho làn da chị em phụ nữ.

Tương tự, khi tìm kiếm một số loại thực phẩm chức năng khác như Glucosamine, Collagen, Omega 369… sẽ nhận được vô số lời giới thiệu các sản phẩm nhập khẩu. Và cũng chẳng cần đi đâu xa, chỉ gần ghé ngay một tiệm thuốc tây, nói ra mong muốn của mình sẽ được giới thiệu hàng loạt sản phẩm thực phẩm chức năng ngoại với giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng/sản phẩm.

Mặc dù ngành y tế có thẩm quyền cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng, nhưng việc kiểm tra quảng cáo có "thổi phồng" lại là cơ quan khác. Luật Quảng cáo ban hành năm 2012 quy định Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo. Trong khi đó, chuyện quản lý các loại quảng cáo trên báo chí nói chung và quảng cáo thực phẩm chức năng nói riêng, đúng ra phải là cơ quan chuyên môn Bộ Thông tin - Truyền Thông - nơi được giao nhiệm vụ quản lý báo chí và nắm sát nội dung báo chí, kể cả quảng cáo trên báo chí. Thực ra, "chuyên môn" của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch chỉ là quảng cáo ngoài trời, những nơi công cộng, trong khi 80% nội dung quảng cáo được chuyển tải trên các phương tiện
truyền thông.

Với lời quảng cáo thổi phồng, những sản phẩm này bỗng chốc trở thành "thần dược" có thể chữa bách bệnh. Trong khi đó, theo định nghĩa đã được luật hóa trong Luật An toàn thực phẩm, thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh.

Trên thế giới, xu hướng sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng đang ngày càng phổ biến, trở thành một trong những ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và mang lại doanh thu khổng lồ cho nhà sản xuất. Tại Hoa Kỳ, cứ 100 người có 72 người sử dụng thực phẩm chức năng và mỗi người chi khoảng 70USD/năm; ở Nhật Bản 1 người dân hàng năm chi 126USD cho thực phẩm chức năng.

Không đứng ngoài xu hướng này, người Việt Nam cũng ngày càng chuộng các sản phẩm thực phẩm chức năng, đặc biệt là hàng nhập ngoại. Năm 2000 mới chỉ có hơn chục mặt hàng thực phẩm chức năng nhập khẩu vào Việt Nam, nhưng hơn 10 năm sau con số đã lên hơn 2.000 sản phẩm.

Phải chăng vì siêu lợi nhuận? Theo tìm hiểu của ĐTTC, kênh bán hàng theo kiểu hàng xách tay hiện đang có giá bán vô tội vạ nhất. Có khi cùng một sản phẩm chênh nhau đến vài trăm ngàn đồng tùy độ "nai" của khách.

Còn với những sản phẩm có nhà nhập khẩu hẳn hoi, được bày bán tại các tiệm thuốc tây, các đại lý giá bán và giá nhập khẩu có khi chênh nhau đến cả triệu đồng/hộp. Đó là chưa kể đến các hình thức kinh doanh đa cấp hiện cũng đang tràn lan tại thị trường Việt Nam.

Cũng vì thế dù mức thuế nhập khẩu lên tới 30%, nhưng các sản phẩm ngoại vẫn được quảng bá rầm rộ trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Chuộng ngoại, người tiêu dùng cũng không ít lần bị lừa dối.

Còn nhớ câu chuyện CTCP Thiết bị y tế Hoàng Gia đã phân phối nhiều loại thực phẩm chức năng nhập từ Trung Quốc nhưng dán nhãn "made in USA". Hay câu chuyện "thần dược" Tatihan Noni (nước ép trái nhàu) vẫn còn nguyên dư âm trong ngành kinh doanh này.

Nội so kè

Sự có mặt nhanh chóng của các sản phẩm nhập ngoại đã kéo các nhà sản xuất trong nước nhảy vào cuộc đua này. Nếu năm 2000, Việt Nam chỉ có khoảng 60 cơ sở sản xuất kinh doanh với trên 400 sản phẩm thì đến năm 2012 đã có 1.154 tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất thực phẩm chức năng với khoảng 5.000 sản phẩm. Hầu hết doanh nghiệp sản xuất thuốc đều tham gia sản xuất thực phẩm chức năng.

Loạn với các nhãn hiệu thực phẩm chức năng ngoại nhập.

Loạn với các nhãn hiệu thực phẩm chức năng ngoại nhập.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, với nguồn dược liệu phong phú, các nhà sản xuất trong nước hoàn toàn có thể tận dụng để làm lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm của mình. Hiện Việt Nam có khoảng 4.000 loài cây thuốc, 50 loài tảo biển và vài chục loài khoáng vật với tổng sản lượng dược liệu khoảng 5.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng nguồn dược liệu này mới chỉ khoảng 50%, nên tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp rất lớn. Cho đến nay chưa có một con số thống kê chính xác về doanh thu ngành thực phẩm chức năng của Việt Nam và mức lợi nhuận từ các nhà sản xuất nội vẫn còn là một ẩn số.

Tuy nhiên, nhìn vào sự "chịu chi" của không ít doanh nghiệp cho các hoạt động marketing cũng đủ thấy sức hấp dẫn ngành này mang lại cho các doanh nghiệp. Song hiện cũng như một số ngành kinh doanh khác, sản phẩm thực phẩm chức năng nội đang vướng phải một nghịch cảnh xuất khẩu tốt hơn tiêu thụ trong nước.

Bà Lê Ngọc Liễu, Giám đốc Công ty Hương Thanh, người đã gắn bó gần 20 năm với các sản phẩm thực phẩm chức năng từ trái nhàu chia sẻ: "Hiện sản phẩm của chúng tôi được xuất khẩu nhiều hơn là tiêu thụ trong nước. Cái gì mình có sẵn thường mình không quý thì phải".

Cùng tâm trạng này, ông Nguyễn Công Suất, Giám đốc Công ty Chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam, người đã cho ra dòng sản phẩm thực phẩm chức năng từ trái gấc, phân trần: "Tính cho đến nay các hoạt chất có trong trái gấc (lycopen, beta - caroten) đã được nhiều nhà khoa học trên thế giới chứng minh có tác dụng trong việc phòng chống ung thư, làm đẹp da cho phụ nữ và tăng sức đề kháng cho trẻ em. Tuy nhiên, do trái gấc đã quá quen thuộc với người Việt Nam nên chúng ta lại có vẻ "coi thường" tác dụng thần kỳ này".

Cũng không thể phủ nhận, thực phẩm chức năng nội tuy đã có những bước phát triển nhanh, mạnh trong thời gian qua nhưng vẫn còn thua thiệt so với hàng ngoại một phần vì thiếu chiến lược phát triển, chưa có chính sách khuyến khích đầu tư, sản xuất. Có nguyên liệu quý nhưng thiếu đi những công nghệ tiên tiến cũng khó để làm ra được những sản phẩm chất lượng cao.

Hiện một trong những giải pháp để các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh với hàng ngoại nhập chính là lựa chọn phân khúc khách hàng và tung ra các dòng sản phẩm hợp túi tiền.

"Thường thực phẩm chức năng được người ta sử dụng trong một thời gian dài, vì thế việc đưa ra những sản phẩm có giá bán hợp lý sẽ giúp khách hàng yên tâm về tài chính" - bà Liễu cho biết.

Quản lý vẫn còn hở

Trong bối cảnh hàng nội, hàng ngoại tràn lan, người tiêu dùng chỉ có thể yên tâm phần nào khi việc quản lý sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng được tăng cường. Bởi lẽ hiện nay giá bán sản phẩm thực phẩm chức năng, đặc biệt là sản phẩm nhập khẩu gần như bị thả nổi.

Trong một buổi tọa đàm trực tuyến hồi cuối năm ngoái, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Thực phẩm chức năng, lý giải về việc thực phẩm chức năng thường có giá cao, như sau: "Thí dụ mặc chiếc áo sản xuất hàng loạt thì giá rẻ, nhưng mặc áo làm từ cotton đắt hơn một chút, nếu làm từ tơ tằm thiên nhiên đắt hơn nữa. Nguyên liệu của ngành công nghiệp dược phụ thuộc 80% vào công nghiệp dầu mỏ, nhưng thực phẩm chức năng chiết xuất từ hoạt chất thiên nhiên, cây cỏ, khoáng chất…

Và thường cái gì từ thiên nhiên cũng đắt hơn, giống như câu chuyện về chiếc áo. Nói nó đắt hay không là về bản chất, thực phẩm chức năng giúp người dùng có ý thức phòng ngừa bệnh tật, nếu rẻ quá như người ta vẫn thường nghĩ "của rẻ là của ôi"".

Qua kết quả điều tra của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, ở Hà Nội, cứ 100 người lớn có 56 người sử dụng thực phẩm chức năng, ở TPHCM tỷ lệ này là 48/100. Điều này cho thấy nhu cầu ngày càng cao của người dân đối với loại thực phẩm này và nó đang dần trở thành một ngành kinh tế sức khỏe.

PGS.TS Trần Đáng,
Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng VN

Thực ra, vì thực phẩm chức năng không phải là thuốc nên Bộ Y tế không quản lý giá, còn cơ quan như Cục Quản lý giá thì cũng "bó tay" vì giá nhiều loại thực phẩm chức năng do thị trường, người bán tự quyết định.

Đó là chưa kể đến việc kiểm soát chất lượng, nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm thực phẩm chức năng hiện nay cũng rất lỏng lẻo. Thêm vào đó, vấn đề quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng cũng đang là mối quan tâm lớn.

Trước thực trạng thổi phồng công dụng trong các mẫu quảng cáo, Bộ Y tế đã ra Thông tư 08 để siết chặt việc quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng. Theo đó, giấy xác nhận nội dung quảng cáo của các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng do VFA (Cục An toàn vệ sinh thực phẩm) cấp.

Doanh nghiệp thực hiện quảng cáo phải gửi kèm nội dung của market hoặc video, kịch bản có chứng nhận của tác giả… cùng một số loại giấy tờ khác để được chứng nhận. Các sản phẩm thực phẩm chức năng khi quảng cáo phải có dòng chữ hoặc lời đọc "Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh".

Chữ viết phải bảo đảm cỡ chữ Times New Roman 14, lời đọc phải nghe được trong điều kiện bình thường. Đặc biệt, doanh nghiệp không được quảng cáo dưới hình thức bằng các bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân...

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 26-4-2013. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này vẫn có không ít doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm thông tư này, nên rất cần sự vào cuộc một cách tích cực hơn của Bộ Y tế.

Các tin khác