Nghị quyết 68 được ví như “chiếc đòn bẩy” cho kinh tế tư nhân (KTTN) bứt phá trong giai đoạn mới, tạo “cú hích” tinh thần cho doanh nhân Việt. ĐTTC đã ghi nhận ý kiến từ doanh nghiệp (DN), luật sư và chuyên gia về vấn đề này.
TS. TÔ HOÀI NAM, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DNNVV Việt Nam: Nên quy định “bắt buộc” thay vì “cho phép”
Nghị quyết 68 lần này có nhiều nội dung mang tính đột phá. Trong đó cho phép địa phương sử dụng ngân sách để hỗ trợ đầu tư hạ tầng, điều này cho thấy có sự phân quyền rõ ràng, mở ra cơ chế giúp các địa phương chủ động phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp và hệ thống hạ tầng cơ sở đồng bộ.
Nghị quyết 68 cũng nêu rõ yêu cầu cần có quỹ đất tối thiểu cho mỗi cụm công nghiệp, điều này đảm bảo không gian phát triển cho các DN.

Một điểm đột phá nữa là chính sách ưu đãi: giảm tối thiểu 30% tiền thuê đất trong 5 năm đầu cho DN. Chính sách này sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ, thúc đẩy DN nhỏ và vừa (DNNVV) tham gia vào các khu, cụm công nghiệp - nơi có hạ tầng tốt hơn, thay vì sản xuất tự phát trong khu dân cư như hiện nay, gây ra nhiều hệ lụy về môi trường và an toàn.
Vấn đề quan trọng là phải thể chế hóa các nội dung này thành quy định pháp luật cụ thể. Do vậy Chính phủ sớm cụ thể hóa các mục tiêu của NQ68 thành một chương trình hành động rõ ràng, có lộ trình.
Trong đó cần tăng cường vai trò của các hiệp hội trong cả quá trình xây dựng và thực thi chính sách. Đồng thời, nên ưu tiên cải cách thể chế kinh doanh theo hướng thực chất để cải thiện thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV phát triển.
Bên cạnh đó, mặc dù Nghị quyết 68 đã cho phép các địa phương ưu tiên giải quyết các vấn đề liên quan đến DNNVV, nhưng đối với những mục tiêu như tín dụng, đất đai và mặt bằng sản xuất thì thể chế nên quy định “bắt buộc” thay vì chỉ “cho phép”. Bởi “cho phép” chỉ là trao quyền, tức là địa phương có thể làm hoặc không làm.
Nếu quy định “bắt buộc”, như yêu cầu dành tối thiểu 30% quỹ đất cho DNNVV, khi đó địa phương sẽ phải dựa vào quỹ đất thực tế để xây dựng kế hoạch cụ thể. Việc bắt buộc này sẽ giúp đảm bảo quy trình, cơ chế rõ ràng hơn, tạo điều kiện để DNNVV tiếp cận được các nguồn lực một cách minh bạch.
Các quy định bắt buộc cũng sẽ là cơ sở để thiết kế các chương trình và hướng dẫn cụ thể, qua đó tránh được tình trạng “xin - cho”, vốn là rào cản lớn trong việc tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng.
TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): Cần tổ công tác đặc biệt với chuyên gia độc lập
Trước đây chúng ta đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu DN, nhưng đến nay vẫn chưa đạt. Rồi chúng ta lại đặt mục tiêu đến 2025 có 1,5 triệu DN vẫn không đạt. Nên nhớ 1 triệu hay 1,5 triệu DN là DN hoạt động chứ không phải DN đăng ký thành lập. NQ68 đưa ra mục tiêu cụ thể, như 2 triệu DN đến năm 2030.
Như vậy, mỗi năm chúng ta phải có thêm 200.000 DN, với tốc độ tăng trưởng năm thứ nhất 20%, năm thứ hai khoảng 16%, năm thứ ba 14%, và cuối cùng hơn 10%.
Do vậy để đạt được mục tiêu này là kết quả tổng hòa của tất cả các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN hoạt động, DN tiếp cận vốn, đất đai, DN tiếp cận khoa học công nghệ, cùng với đó là hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm. Phải tạo một môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, an tâm, an toàn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của DN.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, tạo môi trường kinh doanh là tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả mọi DN cùng tham gia vào việc sản xuất, kinh doanh, tạo sản phẩm cho xã hội. Và như vậy, rút kinh nghiệm của những lần trước, tôi cho rằng lần này phải giao cho một bộ hay một cơ quan cụ thể, và gắn trách nhiệm cá nhân khi thực hiện các mục tiêu Nghị quyết 68 đề ra.
Thí dụ mỗi năm phải có 200.000 DN, thì mỗi tháng phải có thêm 17.000 DN. Bộ phận này phải đánh giá hàng tháng, hàng quý, 6 tháng, một năm. Từ đánh giá đó phải rút ra được kết luận, tại sao số DN gia nhập thị trường chưa đạt được, vì sao DN rút khỏi thị trường. Đồng thời đề xuất giải pháp kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền, nếu như việc thực thi này gặp phải vấn đề vượt quá thẩm quyền.
Hiện nay cách thức thực hiện của chúng ta vẫn là Chính phủ, Quốc hội, các bộ rồi các địa phương ban hành các kế hoạch hành động. Như vậy vẫn dựa vào bộ máy hành chính nhà nước để thực thi nghị quyết, rất chậm, có thể 3-4 tháng, thậm chí 6 tháng mới có thể có được kế hoạch hành động, như thế là hết năm 2025 rồi.
Do đó, cách thức thực hiện này phải có sự chỉ đạo áp đặt từ trên xuống, giống như lâu nay chúng ta vẫn thấy việc tinh giản bộ máy. Việc tinh giản bộ máy và thực hiện NQ68 phải là cuộc cách mạng tinh giảm quy định. Phải bãi bỏ nhiều văn bản pháp luật không còn cần thiết, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Đó mới là thay đổi có tính bước ngoặt của hệ thống thể chế cũng như cách thức quản lý Nhà nước.
Về phía Chính phủ cũng nên thành lập một Tổ công tác đặc biệt, với thành phần chủ yếu các chuyên gia độc lập có kinh nghiệm, có trải nghiệm, có tâm huyết, có kiến thức trong cải cách pháp luật, cải cách thể chế. Tổ công tác này cũng có sự tham gia của đại diện DN và đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ.
Nhiệm vụ của Tổ công tác là rà soát, đánh giá khách quan các quy định, điều kiện kinh doanh, nhằm đảm bảo công khai, minh bạch và phù hợp thực tiễn. Chỉ có như vậy mới làm rõ đúng mức các số liệu, đưa ra các đề xuất chính xác, thúc đẩy phát triển KTTN.
Ông ĐẬU ANH TUẤN, Trưởng Ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Từ “radar chính sách” đến tháo gỡ “điểm nghẽn”
Kết quả khảo sát về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2024 (PCI 2024), cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Các DN ghi nhận sự cải thiện rõ rệt trong chất lượng lao động, minh bạch thông tin, thủ tục gia nhập thị trường và thiết chế pháp lý.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm cần khắc phục như tiếp cận đất đai còn khó khăn, chi phí không chính thức có xu hướng trở lại, hay tính năng động của chính quyền địa phương có dấu hiệu suy giảm nhẹ.

Sự đồng hành giữa chính quyền và DN đã có những tiến bộ, nhưng vẫn cần tiếp tục nuôi dưỡng để tạo lập một môi trường đầu tư minh bạch, công bằng và ổn định. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, thì cải thiện môi trường kinh doanh chính là nền tảng quan trọng để đạt được các mục tiêu đó. Do đó, NQ68 được kỳ vọng sẽ mở đường cho tháo gỡ, giải quyết được các “điểm nghẽn” nói trên.
Ở chiều ngược lại, có thể nói Báo cáo PCI không chỉ là công cụ đo lường chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh, mà còn là “radar chính sách” quan trọng giúp phát hiện các điểm nghẽn, từ đó định hướng cải cách phù hợp.
Trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 68 về phát triển KTTN, PCI sẽ là nguồn dữ liệu thực tiễn quý giá hỗ trợ hoạch định chính sách, thúc đẩy cải cách hành chính, hỗ trợ DN, và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đặc biệt, PCI sẽ tiếp tục là công cụ phản ánh khách quan và truyền cảm hứng cải cách mạnh mẽ cho các cấp chính quyền, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam.
TS. MẠC QUỐC ANH, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội: Sân chơi bình đẳng cho mọi DN
Ở góc độ DN, tôi đặc biệt ấn tượng với 3 thông điệp của Nghị quyết 68. Thứ nhất, Nghị quyết đã chuyển dịch tư duy, xóa bỏ mọi định kiến đối với KTTN, thừa nhận doanh nhân là “chiến sĩ trên mặt trận kinh tế”, bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh.

Thứ hai, nghị quyết đặt ra mục tiêu định lượng rõ ràng, đến 2030 có 2 triệu DN, đóng góp 55‑58% GDP, năng suất lao động tăng 8,5‑9,5%/năm; tầm nhìn 2045 vượt 3 triệu DN và trên 60% GDP.
Thứ ba, thông điệp “song hành xanh‑số”, khuyến khích DN tư nhân dẫn dắt đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, đưa năng lực công nghệ vào nhóm 3 ASEAN, 5 châu Á trước năm 2030. Những điểm này không chỉ củng cố niềm tin thị trường, mà còn đặt DN tư nhân vào tâm thế là đối tượng được bảo hộ, đồng thời là lực lượng phải dẫn đầu đổi mới.
NQ68 không chỉ tháo gỡ “chiếc khóa” thể chế, mà còn đặt lên vai doanh nhân trách nhiệm trở thành kiến trúc sư của mô hình tăng trưởng mới - tăng trưởng dựa trên công nghệ, giá trị xanh và năng lực cạnh tranh toàn cầu. Muốn xứng đáng là “động lực quan trọng nhất”, mỗi DN phải sớm hành động, minh bạch, liên kết và đổi mới không ngừng.
Luật sư NGUYỄN HỒNG CHUNG, Chủ tịch HĐQT DVL Ventures: Lời hiệu triệu cải cách trong thời đại hội nhập
Ngay sau khi Nghị quyết 68 được ban hành, nhiều ý kiến khẳng định là bước ngoặt lịch sử cho sự phát triển của khu vực KTTN. Thứ nhất, KTTN được khẳng định rõ ràng. Bộ Chính trị đã xác lập KTTN là động lực quan trọng nhất của nền KTTN, là sự chuyển dịch rõ ràng về mặt tư tưởng và chính trị.
Thực tế cho thấy, sau gần 40 năm đổi mới, khu vực tư nhân hiện chiếm 50% GDP, 30% thu ngân sách và tạo việc làm cho 82% lực lượng lao động cả nước. Việc đặt khu vực tư nhân vào vị trí trung tâm, đồng hành cùng kinh tế Nhà nước và kinh tế tập thể, không chỉ là sự công nhận mà còn là một cam kết chính trị về thúc đẩy phát triển toàn diện.

Thứ hai, Nghị quyết 68 là nghị quyết của sự “tự phê bình cấp cao”, dũng cảm xóa bỏ định kiến. Trong nghị quyết này, Bộ Chính trị thẳng thắn chỉ ra những rào cản đã và đang kìm hãm khu vực tư nhân, bao gồm định kiến, cơ chế “xin - cho”, chi phí tuân thủ cao, và sự bất bình đẳng trong tiếp cận đất đai, vốn, nhân lực, công nghệ.
Lần đầu tiên, Đảng nêu rõ yêu cầu “xóa bỏ triệt để định kiến”, “xem doanh nhân là chiến sĩ mặt trận kinh tế”, và “trao quyền sở hữu, quyền cạnh tranh thực chất cho KTTN”. Những cụm từ này không chỉ là ngôn từ chính trị, mà là lời hiệu triệu mạnh mẽ với chính hệ thống chính quyền và công luận.
Thứ ba, Nghị quyết 68 khẳng định vai trò “kiến tạo và phục vụ” của Nhà nước, thay cho mô hình quản lý hành chính nặng nề trước đây. Cụ thể, Nghị quyết yêu cầu cắt giảm ít nhất 30% thời gian, chi phí tuân thủ pháp luật và điều kiện kinh doanh trong năm 2025.
Đồng thời, Nghị quyết 68 yêu cầu hoàn thiện cơ chế hậu kiểm thay vì tiền kiểm để khuyến khích sáng tạo và giảm can thiệp hành chính; thực hiện nguyên tắc “kinh doanh mọi thứ mà pháp luật không cấm”, thay cho tư duy “không quản được thì cấm”. Đây là bước cải cách thể chế quan trọng, giúp thiết lập một môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch và thực sự bình đẳng.