Vì sao buýt nhanh ở Hà Nội không hiệu quả?
Tuyến xe buýt nhanh (gọi tắt là BRT) số 1 từ bến xe Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa, đi qua địa bàn 4 quận: Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân và Hà Đông của thành phố Hà Nội, được đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Sau hơn 5 năm triển khai tuyến xe buýt “triệu đô” đã không đạt được mục tiêu giảm ùn tắc giao thông. Theo TS Đinh Thị Thanh Bình – Trưởng Bộ môn quy hoạch và quản lý giao thông vận tải – trường Đại học Giao thông Vận tải, có nhiều nguyên nhân khiến buýt nhanh BRT không đạt được mục tiêu. Nguyên nhân thứ nhất phải kể đến đó là do tuyến buýt BRT số 1 có chiều dài hơn 14 km trong đó có 2,5 km là chung làn với các phương tiện khác, khoảng 300 - 400m lại có giao cắt trong khi những giao cắt này không được dành riêng tín hiệu. Vào giờ cao điểm thì những giao cắt này gần như kẹt cứng. Hành lang Lê Văn Lương - Láng Hạ nơi buýt BRT chạy qua có mật độ giao thông gần như đông nhất của Hà Nội.
Nguyên nhân thứ hai là do phương tiện cá nhân quá lớn nên không thể dành riêng làn đường cho buýt nhanh. Muốn giảm được phương tiện cá nhân thì hệ thống BRT và phương tiện công cộng phải đủ năng lực. Hiện nay, phương tiện công cộng ở Hà Nội mới chỉ đáp ứng đủ khoảng từ 17 - 18% nhu cầu đi lại của người dân, số còn lại vẫn phải tiếp tục sử dụng phương tiện cá nhân. Đây là 1 vòng luẩn quẩn rất khó giải quyết trong bối cảnh giao thông hiện nay ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Nguyên nhân thứ ba là do BRT hoạt động quá đơn độc, quá nhỏ bé so với mạng lưới giao thông của toàn thành phố. Nếu chỉ dành riêng được một vài đoạn dài vài kilômét và lượng hành khách không cao, tần suất chạy thấp, xe sức chứa nhỏ thì không mang lại hiệu quả. Trong quá trình triển khai BRT, chúng ta cũng dự kiến khoảng 2 năm nữa thì tuyến đường sắt đô thị số 2, số 3 rồi các tuyến BRT khác cũng đi vào hoạt động để bao phủ các trục chính cơ bản của thành phố. Khi đó buýt nhanh BRT và đường sắt đô thị sẽ tạo được mạng lưới vận tải khối lượng lớn và trung bình để có thể kết nối được tất cả các khu vực của thành phố. Thế nhưng, hiện nay chúng ta đang bị chậm tiến độ quá nhiều khiến buýt BRT hoạt động bị đơn độc và tuyến đường sắt đô thị chỉ có thể kết nối với buýt thường, do đó không thể đạt được kỳ vọng như mong muốn.
Buýt nhanh BRT: Khai tử hay tồn tại?
Tuy không đạt được mục tiêu như mong muốn nhưng chúng ta cũng phải nhìn vào những thành công mà buýt nhanh BRT đem lại. Theo thống kê, có khoảng từ 70 – 80% lượng khách thường xuyên đi buýt nhanh BRT là cán bộ, công nhân viên. Hầu hết hành khách đều thấy chất lượng phục vụ hơn hẳn buýt thường, chạy nhanh hơn, đúng giờ, xe gọn gàng sạch hơn, chỉ tiêu về chất lượng dịch vụ hơn hẳn. Hiện nay, tuyến buýt nhanh là một trong những tuyến buýt hiếm hoi có sản lượng cao nhất nhì của mạng lưới xe buýt Hà Nội. Khi xây dựng tuyến buýt nhanh, thành phố cũng mong muốn có tuyến buýt vận tải công cộng khối lượng trung bình mang tính biểu tượng để người dân Hà Nội biết đến một loại hình dịch vụ công cộng có chất lượng.
Nếu xét về mặt con số thì mọi người sẽ thấy vào giờ cao điểm BRT cũng chỉ chở được khoảng 70 – 80 hành khách mà chiếm hẳn 1 làn đường, như vậy quả là lãng phí. TS Đinh Thị Thanh Bình cho rằng, để giải quyết tình thế trước mắt có thể cho phép một số phương tiện đi vào làn BRT theo nguyên tắc phương tiện nào có sức chứa lớn thì ưu tiên trước hoặc ngoài giờ hoạt động của BRT như trước 5h sáng và sau 22h để tận dụng năng lực của toàn tuyến.
Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, thành phố cũng đã đầu tư nguồn kinh phí lớn để đầu tư một tuyến BRT theo tiêu chuẩn của thế giới, phải bóc cả hạ tầng đường cũ để thảm bằng bê tông, xây dựng hệ thống nhà chờ, nhà ga rất hiện đại. Vì vậy, theo TS Đinh Thị Thanh Bình, không thể “khai tử” buýt nhanh BRT. "Trong giai đoạn quá độ này, khi chưa phát triển được các trục chính thì chúng ta phải có giải pháp khai thác phù hợp và linh hoạt với điều kiện giao thông trong từng thời kỳ. Ví dụ cho xe khác đi vào làn BRT; đầu tư hệ thống vé. Hơn nữa, chúng ta cũng cần phải xem xét buýt BRT hoạt động ở những tuyến đường nào và trong điều kiện giao thông đang đạt được ở mức nào"- TS Bình đề xuất.
Việc triển khai buýt nhanh BRT là cần thiết, tuy nhiên không thể vội vàng. Cần phải có sự nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, triển khai một cách đồng bộ, đánh giá chi tiết về điều kiện hiện tại, hiện trạng, cơ sở hạ tầng và tổ chức giao thông trên toàn mạng lưới…từ đó đưa ra phương án phù hợp, đảm bảo tính kết nối. Có như vậy, buýt nhanh mới thực sự nhanh, mang lại hiệu quả.