Các nước quản lý xe công nghệ như thế nào?

(ĐTTCO)- Dưới đây là những cách quản lý và tỷ lệ chiết khấu của nhà cung cấp dịch vụ xe công nghệ với các lái xe.
Ảnh minh họa; nguồn: KT
Ảnh minh họa; nguồn: KT

Tại Australia, Uber là hãng taxi công nghệ phổ biến nhất. Uber bắt đầu xuất hiện tại Australia từ năm 2012 song phải mất 3 năm, chính quyền vùng lãnh thổ Thủ đô Canberra và tiếp sau đó là chính quyền bang New South Wales của Australia mới xác định cách thức quản lý đối với công ty này.

Và cho đến lúc này, 7/8 bang và vùng lãnh thổ của Australia đều cấp phép hoạt động cho Uber và xây dựng được bộ quy tắc hoạt động đối với doanh nghiệp này. Trong đó, Uber được coi như là một doanh nghiệp vận tải chứ không phải là một công ty công nghệ. Vì thế các cá nhân muốn trở thành đối tác, tài xế của Uber thì không chỉ cần có mã số thuế cá nhân mà còn cần phải đăng ký kinh doanh và có mã số thuế của doanh nghiệp nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế.

Khi mới xuất hiện tại Australia, Uber xác định tỷ lệ chiết khấu là 21%, tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, tức là sau 8 năm có mặt tại Australia, khi lượng khách hàng ngày càng đông thì tỷ lệ chiết khấu mà Uber quy định với các lái xe đã tăng lên tới 27,5%. Tuy vậy, vào dịp lễ, có nhiều khách như mùa Giáng sinh sắp tới, để khuyến khích tài xế lái xe, Uber đã hạ tỷ lệ chiết khấu trong đợt này xuống còn 13,5% nếu tài xế chạy nhiều chuyến vào thời điểm cuối tuần.

Về giá cước hiện tại, thuật toán của Uber tại Australia quy định giá cước dựa trên 2 yếu tố là nhu cầu và thời điểm. Vào giờ cao điểm, giá Uber sẽ tăng và ở những vùng đông khách thì giá cước cũng sẽ tăng. Thậm chí có những nơi tăng từ 2 đến gần 3 lần so với lúc vắng khách.

Về thuế VAT, tại Australia, tài xế sẽ là người phải đóng khoản thuế này và phải đóng 3 tháng/lần với mức thuế là 10%. Tuy vậy, tài xế Uber cũng được hưởng nhiều ưu đãi như việc được sở thuế trả 10% giá trị tiền mua xe hoặc giảm 10% cho tất cả các hoạt động dịch vụ liên quan đến chạy xe như tiền mua xăng, các loại bảo hiểm, phí đăng ký xe, phí đỗ xe, các dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng hay mua sắm các trang thiết bị cho xe….

Về nghĩa vụ thuế của công ty Uber đối với chính phủ Australia thì đang có nhiều nghi ngại. Mặc dù trong năm 2018, lợi nhuận gộp của Uber đạt tới 785 triệu AUD song đa phần số tiền này lại phải chi trả cho công ty Uber mẹ tại Mỹ vì thế Uber chỉ phải nộp khoản thuế là 8,5 triệu AUD cho chính phủ Australia. Cho đến lúc này, cơ quan thuế Australia chưa phát hiện ra các sai phạm tại Uber song việc có doanh thu tăng cao mà tiền nộp thuế lại ít nên Uber đang bị đưa vào tầm ngắm của các cơ quan thuế cùng với các công ty công nghệ khác như Google và Facebook.

Vì các tài xế không ký hợp đồng lao động, không phải bắt buộc thực hiện bất kỳ nhiệm vụ hay công việc nào mà Uber giao, thay vào đó các tài xế được tự quyết định khi nào làm việc và làm đến khi nào cũng như ngày nào sẽ đi làm và ngày nào nghỉ, vì thế Cơ quan thanh tra việc làm của Australia đã khẳng định, các tài xế Uber không phải là nhân viên của Uber.

Vì vậy, Uber không phải thực hiện bất kỳ nghĩa vụ gì về đảm bảo quyền lợi người lao động đối với các tài xế. Và như vậy, những tài xế Uber sẽ là các lao động tự do và các hộ kinh doanh cá thể, họ tự chịu trách nhiệm cho hoạt động của mình mà không nhận được sự hỗ trợ nào từ công ty Uber.

** Trong khi đó, kể từ lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2014, dịch vụ giao thông trực tuyến đã thay đổi cách di chuyển của người dân Indonesia, đặc biệt tại các thành phố lớn. Hầu hết người dân Jakarta (Indonesia) thừa nhận rằng dịch vụ này là một phương thức giao thông thay thế trong việc tránh ùn tắc thường xảy ra ở thủ đô. Ngoài ra, sự tiện lợi, linh hoạt và giá cả phải chăng là một số lý do chính khiến dịch vụ này phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây.

Là công ty siêu ứng dụng hàng đầu ở Indonesia, GOJEK cam kết mang lại lợi ích cho các đối tác tài xế từ khía cạnh thu nhập bền vững, mà còn về mặt quản lý tài chính tốt, cũng như phát triển kỹ năng và kiến. Về thu nhập, cả hai hãng xe công nghệ lớn của Indonesia là Gojek và Grab đều sử dụng hệ thống chia sẻ lợi nhuận.

Với Gojek một đơn hàng chia 80% cho các lái xe công nghệ và 20% cho nhà cung cấp dịch vụ. Còn Grab chia sẻ lợi nhuận theo tỉ lệ 90% và 10%. Ngoài ra, Gojek còn có hệ thống điểm thưởng quy ta tiền mặt, chẳng hạn như trong khu vực Jakarta và các thành phố vệ tinh thì cứ mỗi 5.000 Rupiah thì sẽ nhận được 12 điểm, 25.000 Rupiah 14 điểm cho tới 40.000 Rp được 20 điểm.

Ngày 16/3/2020, Bộ Giao thông Vận tải Indonesia đã điều chỉnh giá sàn cho xe ôm trực tuyến là 2.250 Rupiah (0,16 USD) cho mỗi Km ở giới hạn dưới và Rp 2.650 (0,19)cho mỗi KM ở giới hạn trên. Giá dịch vụ tối thiểu là 10.500 Rp (0.75). Hiệp hội các đối tác tài xế xe ôm trực tuyến đánh giá mức giá sàn mà chính phủ đưa ra là hợp lý, phù hợp với nguyện vọng của các tài xế công nghệ. Số lượng người dùng ứng dụng lớn cùng hệ thống tích điểm đem lại thu nhập tốt cho các tài xế Gojek thực sự muốn biến đây thành công việc chính của họ.

Ngoài ra, Gojek còn phối hợp với công ty bảo hiểm Allianz Utama để cung cấp bảo hiểm tai nạn cá nhân cho tất cả các tài xế của hãng này.

Trong 5 năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Joko Widodo, ông luôn quan tâm đến các tài xế công nghệ. Tổng thống Indonesia đánh giá, lựa chọn nghề xe ôm trực tuyến là dũng cảm thoát ra khỏi guồng quay công việc truyền thống nhưng vẫn mang lại sự thịnh vượng cho gia đình và đất nước. Chính phủ Indonesia đã ra Quy định số 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải liên quan đến Bảo vệ sự an toàn của người sử dụng xe máy cho lợi ích công cộng.

Trong đó có các điều khoản yêu cầu liên quan đến an toàn và bảo mật mà người lái xe và các công ty ứng dụng phải đáp ứng. Trong phạm vi của quy định, người lái xe có nghĩa vụ phải có giấy phép lái xe, không được chở quá một người và phải có Giấy chứng nhận lái xe cơ giới hợp lệ. Trong khi đó, đối với các công ty ứng dụng, có nghĩa vụ đưa danh tính của tài xế và hành khách vào ứng dụng, bao gồm số điện thoại của dịch vụ khiếu nại trong ứng dụng và hoàn thành đơn đăng ký bằng tính năng nút khẩn cấp.

Quy định của Bộ Giao thông vận tải cũng đưa ra công thức tính phí dịch vụ theo mức sàn trên, mức sàn dưới và giá dịch vụ tối thiểu để đảm bảo thu nhập cho các tài xế.

Đặc biệt, trong thời gian bùng phát dịch Covid-19, chính phủ Indonesia có nhiều chính sach hỗ trợ cho các tài xế như hoàn lại 50% tiền mặt cho xăng không trợ giá thông qua công ty dầu khí Pertamia, nới lỏng các khoản trả góp mua xe máy và ô tô cho các tài xế trực tuyến trong một năm, phân phối xã hội cho các lái xe công nghệ, cung cấp thiết bị y tế cho đối tác tài xế, có chính sách hỗ trợ cho các tài xế ở trong dạng cách ly nghi nhiễm hay mắc Covid-19.

Các tin khác