Xếp hàng dài chờ đổ xăng ở Lebanon
Chuyển đổi từ khí tự nhiên sang dầu
Cả hai loại dầu chủ chốt trên đều tăng khoảng 20% kể từ đầu tháng 9-2021, với giá dầu thô WTI đã tăng trong 9 tuần liên tiếp, trong khi dầu Brent đã tăng trong 7 tuần. Cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng toàn cầu tiếp tục cho thấy sức ảnh hưởng của nó. Theo giới phân tích, giá dầu có khả năng tiếp tục kéo dài đà tăng trong tuần này.
Sau hơn một năm nhu cầu nhiên liệu giảm sút do đại dịch Covid-19, mức tiêu thụ xăng và sản phẩm chưng cất đã trở lại mức trung bình trong 5 năm tại Mỹ - quốc gia tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng giá dầu hiện nay, trong số đó nguyên nhân lớn xuất phát từ sự chuyển đổi nhiên liệu.
Sau thời gian ngừng hoạt động để ngăn chặn đại dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ năng lượng bắt đầu phục hồi khiến cho chuỗi cung ứng quá tải và giá cả tăng vọt. Giá dầu tăng cũng do những lo ngại về tình trạng thiếu hụt than và khí đốt ở Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu, đã thúc đẩy chuyển sang sử dụng dầu diesel và dầu nhiên liệu để sản xuất điện. Nguồn cung hạn chế đang làm cạn kiệt các kho dự trữ toàn cầu. Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co (Mỹ) cho biết, các công ty năng lượng Mỹ trong tuần trước đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu và khí đốt hoạt động lần đầu tiên trong 7 tuần, ngay cả khi giá dầu giảm.
Theo Goldman Sachs, nhu cầu dầu toàn cầu phục hồi mạnh mẽ có thể đẩy giá dầu Brent lên trên mức dự báo cuối năm là 90 USD/thùng. Ngân hàng này ước tính việc chuyển đổi từ khí sang dầu có thể giúp nhu cầu dầu tăng ít nhất 1 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo, sẽ có một số điều chỉnh trong vài tuần tới, khi giá dầu tăng mạnh dẫn đến tâm lý thận trọng gia tăng.
Tìm kiếm các giải pháp năng lượng mới
Trong nhiều tháng trở lại đây, Trung Quốc hứng chịu tình trạng cắt điện luân phiên trên diện rộng, khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ do chính quyền địa phương yêu cầu doanh nghiệp hạn chế tối đa việc sử dụng điện. Sau đợt cắt điện luân phiên xảy ra ở hơn 20 tỉnh, thành của Trung Quốc, kể từ giữa đến cuối tháng 9 vừa qua, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) phải thông báo để đảm bảo nhu cầu sử dụng than trong mùa đông và mùa xuân tới đây. Các cơ quan liên quan sẽ thực hiện nhiều biện pháp tăng sản lượng cung ứng than.
NDRC cũng cho biết, sẽ điều tra các cáo buộc về việc một số nhà cung cấp thông tin năng lượng, trong đó có ngành than, đã sử dụng giá giao dịch sai, công bố thông tin không chính xác và dữ liệu giá hư cấu để thao túng chỉ số giá, khiến cho giá than đã hoàn toàn lệch khỏi nguyên tắc cung - cầu, gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia.
Trong khi đó, Singapore, quốc gia có khoảng 95% sản lượng điện được sản xuất từ khí đốt tự nhiên nhập khẩu chủ yếu từ Indonesia và Malaysia, sẽ bắt đầu thử nghiệm nhập khẩu điện để giải quyết các vấn đề liên quan đến kỹ thuật và quy định đối với hoạt động mua bán điện xuyên biên giới, như kế hoạch nhập khẩu 100MW điện từ nước láng giềng Malaysia và 100MW điện sản xuất từ năng lượng mặt trời từ Pulau Bulan ở Indonesia.
Bộ trưởng Gan Kim Yong cho biết, các đợt nhập khẩu điện thử nghiệm đó sẽ cho phép Singapore học hỏi và cải thiện hệ thống, cũng như giúp nước này nhập khẩu nhiều loại năng lượng carbon thấp khác nhau từ các nước trên thế giới nhằm đa dạng hóa nguồn năng lượng và tăng cường an ninh năng lượng.
Ngoài nhập khẩu điện, Singapore đang tìm kiếm các giải pháp năng lượng mới để đáp ứng nhu cầu dài hạn và cắt giảm lượng khí thải. Song song đó, các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang phối hợp để triển khai mạng lưới điện khu vực. Bộ trưởng Nhân lực Singapore Tan See Leng cho biết, 100MW điện đầu tiên trong dự án kết hợp điện Lào - Thái Lan - Malaysia - Singapore dự kiến được hòa vào mạng lưới điện trên trong năm 2022.
Các nước châu Âu cũng đang đẩy nhanh biện pháp ngắn và trung hạn để ứng phó với giá điện, khí đốt tăng cao kỷ lục gần đây, trong đó có nhóm phương án được gọi là “hộp công cụ” mà Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố.
Theo đó, 20 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí các biện pháp khẩn cấp, bao gồm cắt giảm thuế năng lượng và trợ cấp cho các gia đình khó khăn. EU đang trong quá trình thống nhất một gói chính sách lớn nhằm chống biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi nhanh chóng sang năng lượng sạch được EC xem là biện pháp hiệu quả nhất trước những đợt tăng giá đột biến của nhiên liệu hóa thạch trong tương lai, cũng như giảm thiểu rủi ro vì phải phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.
Còn tại châu Á, Ấn Độ - quốc gia tiêu thụ than đá lớn nhất thế giới sau Trung Quốc, cũng không thoát khỏi xu thế chung của cuộc khủng hoảng năng lượng trên toàn cầu. Những ngày qua, việc thiếu hụt nguồn cung nhiên liệu than đá để sản xuất điện khiến Ấn Độ cũng đang phải gặp phải tình trạng mất điện diện rộng tương tự như Trung Quốc. Khác với Trung Quốc, Ấn Độ - nước thải ra lượng khí thải nhiên liệu hóa thạch lớn thứ 3 thế giới, hiện vẫn phải dựa nhiều vào than đá và chưa dám công bố thời hạn đưa mức khí thải carbon ròng về 0.