Các nhà khoa học cho biết, các phòng thí nghiệm an ninh tối tân được sử dụng để thực hiện các nghiên cứu sinh học nguy hiểm nhất đã gia tăng trong thập kỷ qua, đồng thời cảnh báo rằng việc kiểm soát lỏng lẻo ở một số địa điểm có thể dẫn đến một đại dịch khác.
Ít nhất 59 phòng thí nghiệm an toàn sinh học tối tân cấp 4 (BSL-4) đã được lên kế hoạch, đang xây dựng hoặc đang hoạt động trên khắp thế giới, trải dài 23 quốc gia bao gồm Anh, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Gabon và Côte d’Ivoire.
Chúng bao gồm cơ sở của Trung Quốc tại Viện Virus Vũ Hán, hiện là trung tâm một cuộc điều tra tình báo mới của Hoa Kỳ về việc liệu Covid-19 có thể đã bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm của họ hay không.
Gregory Koblentz, phó giáo sư về an toàn sinh học tại Đại học George Mason và Filippa Lentzos tại Đại học King’s College London, người lập bản đồ các cơ sở, nhận thấy rằng trong số 42 phòng thí nghiệm có dữ liệu quy hoạch, một nửa được xây dựng trong thập kỷ qua.
Ba phần tư của tất cả các phòng thí nghiệm BSL-4 nằm ở trung tâm đô thị. Và chỉ ba trong số 23 nước có chính sách quốc gia giám sát cái gọi là nghiên cứu lưỡng dụng, nơi các thí nghiệm được tiến hành cho mục đích dân sự cũng có thể được điều chỉnh cho mục đích quân sự.
Sự mở rộng nhanh chóng của các cơ sở như vậy, đặc biệt là ở các nước như Trung Quốc, đã làm gia tăng mối lo ngại về việc rò rỉ các chất và virus nguy hiểm.
Richard Ebright, giáo sư sinh học hóa học tại Đại học Rutgers, cho biết: “Số lượng tổ chức và số lượng cá nhân tiếp cận với các tác nhân nguy hiểm này càng lớn thì nguy cơ càng lớn.
Các quan chức tình báo Mỹ hiện đang điều tra xem liệu Viện Vũ Hán có thể đóng bất kỳ vai trò nào trong nguồn gốc của Covid-19 hay không.
Cơ sở của Trung Quốc là 1 trong không quá 6 phòng thí nghiệm BSL-4 trên thế giới đã tiến hành nghiên cứu “đạt được chức năng” gây tranh cãi về các mầm bệnh liên quan đến dơi trước đại dịch, theo Ebright.
Theo Chỉ số An ninh Y tế Toàn cầu, được tham khảo bởi Koblentz và Lentzos, chỉ dưới một phần tư các quốc gia có phòng thí nghiệm hoạt động tại BSL-4 có mức độ chuẩn bị an toàn sinh học “cao”, chẳng hạn như Hoa Kỳ và Vương quốc Anh.
Khoảng một phần ba, bao gồm cả Trung Quốc, có mức "trung bình", trong khi 41% có mức "thấp", chẳng hạn như Nam Phi.
Nghiên cứu của Lentzos và Koblentz làm tăng thêm nỗi lo hiện tại của nhiều nhà khoa học về số lượng các vụ tai nạn liên quan đến nghiên cứu y sinh vốn đã cao, ngay cả tại những cơ sở an toàn nhất.
Tại Mỹ, bộ y tế và Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh cùng giám sát việc sử dụng 67 loại chất độc khác nhau và các vật liệu tiềm ẩn nguy hiểm khác.
Báo cáo mới nhất của họ cho thấy ở Mỹ vào năm 2019, các chất như vậy đã bị mất đi 13 lần và vô tình phát tán 219 lần. Điều này dẫn đến hơn 1.000 người phải kiểm tra y tế và một số dùng thuốc phòng ngừa. Tuy nhiên, không ai mắc các bệnh đã xác định.
Việc giám sát của Hoa Kỳ đối với các cơ sở trong nước của họ được tăng cường sau năm 2001, khi một kẻ tấn công giết chết 5 người bằng cách gửi bệnh than được cho là từ phòng nghiên cứu y tế của quân đội Hoa Kỳ tại Fort Detrick tới một số hãng truyền thông và hai thành viên Quốc hội.
Các cuộc tấn công bệnh than năm 2001 không phải là ví dụ duy nhất về sự thất bại của bảo mật phòng thí nghiệm trong những thập kỷ gần đây.
Năm 2004, chín người bị nhiễm Sars và một người chết sau khi hai nhà nghiên cứu tiếp xúc riêng với vi rút khi làm việc tại Viện Vi rút Trung Quốc ở Bắc Kinh.
Vào tháng 11 năm 2019, chỉ một tháng trước khi trường hợp đầu tiên được xác nhận là Covid-19, hơn 6.000 người ở Tây Bắc Trung Quốc đã bị nhiễm brucella, một bệnh do vi khuẩn có các triệu chứng giống cúm, sau một vụ rò rỉ tại một nhà máy vắc xin.
Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng nhiều phòng thí nghiệm an ninh tối đa hơn để tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học của mình.
Bai Chunli, cựu chủ tịch của Học viện Khoa học Trung Quốc trực thuộc nhà nước, đã viết một bài báo vào năm ngoái cảnh báo về “những thiếu sót rõ ràng” của đất nước về số lượng các phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp cao so với Mỹ.
Vào tháng 5, tỉnh Quảng Đông đã thông báo rằng họ có kế hoạch xây dựng từ 25 đến 30 phòng thí nghiệm cấp 3 an toàn sinh học và một phòng thí nghiệm BSL-4, trong 5 năm tới.
Nhưng một số quan chức Trung Quốc đã cảnh báo về tình trạng an ninh kém tại các cơ sở hiện có.
Vào năm 2019, Yuan Zhiming, giám đốc phòng thí nghiệm BSL-4 của Viện Virus Vũ Hán, đã viết một bài đánh giá về những thiếu sót an toàn trong các phòng thí nghiệm của Trung Quốc.
Yaun viết: “Một số BSL cấp cao không có đủ kinh phí hoạt động cho các quy trình thường xuyên nhưng quan trọng", và nói thêm rằng chi phí bảo trì “thường bị bỏ qua”.
Ông nói: “Do nguồn lực hạn chế, một số phòng thí nghiệm BSL-3 hoạt động với chi phí vận hành cực kỳ tối thiểu hoặc trong một số trường hợp là không".
Vào năm 2020, chính phủ trung ương đã thông qua luật mới để cải thiện các tiêu chuẩn an toàn sinh học quốc gia.
Các nhà phê bình cho rằng việc Trung Quốc giữ bí mật về các hoạt động tại các cơ sở như vậy khiến khó có thể biết được mức độ an toàn của chúng.
Vào tháng 1 năm 2020, Bắc Kinh nói với các phòng thí nghiệm an toàn sinh học làm việc trên các mẫu Sars-Cov-2 rằng họ cần chính phủ cho phép để tiết lộ bất kỳ thông tin nào về vi rút.
Nhiều nhà khoa học cho biết cách tiếp cận của Trung Quốc đối với cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của Covid-19 đã cho thấy những vấn đề của việc thực hiện các thí nghiệm có rủi ro cao ở nước này.
Vào tháng 3, 13 quốc gia đã chỉ trích Trung Quốc vì không cho phép các chuyên gia quốc tế tiếp cận đầy đủ dữ liệu và các mẫu liên quan đến thời điểm bắt đầu đại dịch.
Lentzos nói: “Những gì chúng tôi thấy cho đến nay liên quan đến Viện Virology Vũ Hán là một phòng thí nghiệm không công khai minh bạch về các loại công việc mà nó đang làm. Khi bạn có những loại phòng thí nghiệm này, bạn phải đảm bảo rằng chúng công khai, minh bạch và bạn phải hợp tác với các đồng nghiệp của mình".