Cải cách DNNN: Cần giải pháp đột phá

Vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là hỗ trợ và tạo động lực cho các thành phần kinh tế khác phát triển. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình phát triển có thể thấy DNNN giữ vị trí độc quyền, chi phối nền kinh tế ĐÃ hạn chế phát triển khu vực tư nhân... Điều này ảnh hưởng không tốt đến những đánh giá và nhìn nhận của xã hội về DNNN.

Vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là hỗ trợ và tạo động lực cho các thành phần kinh tế khác phát triển. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình phát triển có thể thấy DNNN giữ vị trí độc quyền, chi phối nền kinh tế ĐÃ hạn chế phát triển khu vực tư nhân... Điều này ảnh hưởng không tốt đến những đánh giá và nhìn nhận của xã hội về DNNN.

Những “rào cản” mâu thuẫn

DNNN được thành lập, đầu tư và tạo điều kiện để phát triển những ngành, lĩnh vực cung cấp sản phẩm dịch vụ thiết yếu, do đó đòi hỏi đầu tư lớn, ứng dụng công nghệ cao, nhằm tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực khác và toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, đến nay hiệu quả khu vực này vẫn hạn chế.

Từ năm 2004 đến nay có một số hướng mới về cải cách DNNN nhưng vẫn còn nhiều mâu thuẫn. Đó là mục tiêu cổ phần hóa DNNN và niêm yết trên TTCK; hay như thành lập Tổng công ty Kinh doanh và đầu tư vốn nhà nước (SCIC) nhằm để đại diện chủ sở nhà nước chuyên nghiệp hơn; rồi thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế (công ty mẹ con).

Thế nhưng từ nhận thức và thực tiễn, DNNN luôn tồn tại 2 vấn đề mang tính bản chất: Thứ nhất, xung đột lợi ích giữa ông chủ và người đại diện. Ông chủ là sở hữu nhà nước, nhưng người đại diện lại có nhóm lợi ích và lợi ích ấy không phải lúc nào cũng đồng nhất với lợi ích ông chủ (doanh nghiệp tư nhân, cổ phần, lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của ông chủ có thể có xung đột nhưng thường nhỏ hơn).

Tồn tại thứ hai, là rủi ro đạo đức. Theo đó các bên liên quan do thông tin bất đối xứng nên có động lực và hành vi khác nhau, dẫn đến thiệt hại. Vì vậy các DNNN lớn có thể làm liều, vì họ biết “tiền nhà nước” và kiểu gì cũng được cứu.

Đối với DNNN có 3 tư duy lớn nhất cần có cuộc cách mạng triệt để thay đổi. Thứ nhất, nếu như trước đây cho rằng DNNN giữ vai trò chủ đạo, thì hiện nay kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, DNNN là bộ phận cực kỳ quan trọng của kinh tế nhà nước, giữ vai trò then chốt hoặc nòng cốt. Nhưng nếu DNNN giữ vai trò nồng cốt liệu có mâu thuẫn với hiến pháp và thị trường, tức có tạo ra sân chơi công bằng và cạnh tranh?

Thứ hai, Nhà nước độc quyền một số lĩnh vực nhưng không biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp. Tư duy này vẫn còn nhiều tranh cãi bởi mâu thuẫn trong ứng xử của DNNN. Thứ ba, DNNN là công cụ rất quan trọng để điều tiết vĩ mô (điện, xăng…).

Có thể DNNN giữ vai trò cung cấp hàng hóa lưu động, công ích trong một số trường hợp đặc biệt như thiên tai, dịch họa cần huy động nhanh. Nhưng thực tế có nhiều tình huống tư nhân còn điều tiết tốt hơn và trong nhiều trường hợp DNNN làm lộn xộn thị trường chứ không giúp bình ổn.

Kinh tế vĩ mô không chỉ là các chỉ số đẹp như lạm phát thấp, tăng trưởng cao, cán cân thanh toán quốc tế và dự trữ ngoại tệ ổn định, thâm hụt ngân sách thấp… mà còn là lòng tin của thị trường. Thí dụ, việc điều chỉnh giá xăng dầu vừa qua đã làm lòng tin của thị trường xuống thấp.

Giải pháp tháo “nút thắt”?

Đến nay đã giảm đáng kể số lượng DNNN thua lỗ, nhưng nhìn chung hiệu quả kinh doanh của DNNN còn hạn chế, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư. Thống kê cho thấy khoảng 12 DNNN bị lỗ, bình quân cao gấp 12 lần so với doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu khu vực DNNN cao hơn so với mức trung bình trong nước, nhưng thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động trung bình của NHTM và thấp hơn nhiều so với tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp nước ngoài.

Có thể thấy sự đổ vỡ hay sai phạm của DNNN đã xảy ra (Vinashin, Vinalines) và sẽ tiếp tục xảy ra nếu không có nhận thức rõ ràng để quản trị, điều hành DNNN. Đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa DNNN không phải là bán lấy tiền mà là tìm cho được cổ đông chiến lược để thay đổi quản trị chiến lược công ty. Việc chuyển DNNN thành công ty TNHH một thành viên nhưng không thay đổi về quản trị, điều hành doanh nghiệp, không hoạt động theo Luật Doanh nghiệp một cách thực chất, cải cách DNNN cũng chỉ là “bình mới rượu cũ”.

Đó là chưa tính những chi phí cơ hội DNNN được hưởng như tiếp cận tín dụng ưu đãi, nguồn lực đất đai, tài nguyên… Tổng hợp báo cáo một số ngành, địa phương cho thấy phần lớn lợi nhuận được tạo ra từ các ngành, lĩnh vực là do DNNN được hưởng lợi thế tự nhiên (khai khoáng, khoáng sản, dầu khí) hoặc thống lĩnh thị trường (viễn thông, tài chính tín dụng).

Đối với các ngành, lĩnh vực có sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các thành phần kinh tế khác như công nghiệp chế biến, thương mại, xây dựng, kinh doanh tài sản, dịch vụ tư vấn… hiệu quả hoạt động của DNNN thấp, chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư.

Hướng cải cách DNNN hiện nay nhìn từ bản đề án về cải cách DNNN trình Quốc hội vừa qua vẫn chưa có những bước đột phá. Theo tôi, muốn cải cách DNNN phải giải quyết dứt điểm các vấn đề cốt lõi: Thứ nhất, giám sát và minh bạch hóa thông tin. Điều này đã được nói rất nhiều và vừa rồi Quốc hội cũng thừa nhận công tác giám sát yếu, minh bạch hóa thông tin kém.

Sắp tới sẽ “ép” việc công bố minh bạch thông tin toàn bộ hoạt động của DNNN, nhưng có làm được hay không thì chưa rõ. Bởi vấn đề đặt ra là ai giám sát, cho đến nay vẫn chưa thấy rõ một cơ chế giám sát cụ thể các DNNN.

Thứ hai, đang có nhiều tranh cãi khác nhau về vấn đề đại diện chủ sở hữu nhà nước và quản lý DNNN, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”. Hiện nay vừa có bộ chủ quản, UBND, rồi SCIC.

Có ý kiến đề nghị tiến tới chỉ có một cơ quan đại diện nhưng bước đi phải có lộ trình. Cũng có ý kiến thành lập bộ đặc biệt để quản nhưng cũng chỉ đại diện. Phần lớn DNNN thuộc SCIC là DNNN nhỏ. Nếu SCIC đại diện, ai sẽ giám sát SCIC. Nếu SCIC định hướng lợi nhuận, bảo tồn vốn DNNN nhưng cũng có giai đoạn chúng ta dùng SCIC như công cụ để bình ổn thị trường (mua bán cổ phiếu trên TTCK).

Ngoài ra, bản thân SCIC là một định chế tài chính lớn nhất Việt Nam, hoạt động trong một thị trường hết sức phức tạp nhưng bộ máy quản trị của SCIC không có tính chuyên nghiệp…

Thứ ba, quản trị đối với DNNN. Theo đó phải có tiêu chí cho DNNN dựa trên các nguyên tắc của quản trị thông lệ tốt nhất. Các nước trên thế giới dùng theo quản trị của OECD. Trong khi việc bổ nhiệm vị trí giám đốc điều hành, nước ta đang làm theo cách giống như một ông công chức hơn một người lãnh đạo theo đúng nghĩa tổng giám đốc (CEO).

Nguyên tắc cơ bản của quản trị là để bản thân DNNN phát triển lành mạnh, ổn định. Nếu chỉ trông chờ các cuộc thanh tra của các tổ chức chuyên ngành, hệ thống thanh tra Chính phủ, hệ thống giám sát của Quốc hội để phát hiện những sai phạm của doanh nghiệp là không đủ.

Các tin khác