Cải cách thể chế kinh tế: Yêu cầu bức thiết

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 được xác định "thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ phù hợp với các vùng; thúc đẩy cơ cấu lại doanh nghiệp và điều chỉnh chiến lược thị trường; tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế".

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 được xác định "thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ phù hợp với các vùng; thúc đẩy cơ cấu lại doanh nghiệp và điều chỉnh chiến lược thị trường; tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế".

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 cũng đề ra mục tiêu: Cơ cấu lại nền kinh tế phải gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; trước mắt cần tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng: Tái cơ cấu đầu tư công; thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Trước nhất, để làm được điều đó, phải cải cách thể chế kinh tế theo hướng phân định rõ vai trò, chức năng của Nhà nước và của thị trường; giảm thiểu các rào cản, tạo động lực khuyến khích chuyển dịch, phân bổ và sử dụng các nguồn lực hợp lý; thực hiện bình đẳng, không phân biệt đối xử các thành phần kinh tế và đánh giá hiệu quả dựa trên cơ sở năng suất, chất lượng, tính cạnh tranh.

Tuy nhiên, nếu soi xét các mục tiêu nêu trên và hiệu quả thực tế, rất dễ nhận thấy trong 2 năm qua kết quả đạt được còn rất hạn chế và nước ta vẫn đang đối mặt với bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát khó lường (cao và thấp), các "điểm nghẽn" nền kinh tế vẫn chưa khai thông (nợ xấu, bất động sản đóng băng, tồn kho cao, doanh nghiệp đổ vỡ hàng loạt...).

Tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta năm 2012 đạt mức thấp nhất trong hơn 10 năm nay và xu thế này còn tiếp diễn trong năm 2013. Cùng chịu tác động chung trong bối cảnh kinh tế thế giới xấu đi, nhưng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực và không còn trong nhóm 20 quốc gia có mức độ tăng trưởng nhanh nhất hành tinh.

Điều đáng nói, Việt Nam đã mất thứ hạng cạnh tranh, đang đánh mất hình ảnh về một nền kinh tế năng động, điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.

Tình thế hiện nay đòi hỏi phải đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế, mà yếu tố quyết định là xác định lại nhiệm vụ Nhà nước phù hợp với quá trình cải cách kinh tế-xã hội, từ đó xác định những bước đi và giải pháp cụ thể để tái cơ cấu nền kinh tế.

Cần xác định nhiệm vụ, rà soát lại chức năng của các bộ, ngành; loại bỏ chức năng đại diện sở hữu tại các bộ, hình thành cơ quan quản lý tài sản công với chức năng đại diện chủ sở hữu trong tất cả lĩnh vực; giao nhiệm vụ cung cấp một số dịch vụ công cho các tổ chức kinh tế-xã hội thực hiện theo hướng xã hội hóa một số dịch vụ nhà nước.

Trên cơ sở thiết kế lại cơ cấu tổ chức chính phủ, cần rà soát lại chức năng quản lý nhà nước theo hướng phân cấp nhiệm vụ cho cấp tỉnh, thành, bộ máy trung ương chỉ giữ lại những nhiệm vụ mà cấp tỉnh, thành không thực hiện được.

Bên cạnh đó cần sớm ban hành Luật Đầu tư công để quản lý hiệu quả nguồn vốn đầu tư nhà nước, bao gồm vốn ngân sách, trái phiếu, tín dụng đầu tư; tăng cường tính kỷ luật, minh bạch và trách nhiệm giải trình để khắc phục tầm nhìn và tư duy cục bộ địa phương, lợi ích nhiệm kỳ, lợi ích nhóm trong việc quyết định và sử dụng nguồn vốn nhà nước.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) nêu rõ: "Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế trong đó các thiết chế, công cụ và nguyên tắc vận hành kinh tế thị trường được tự giác tạo lập và sử dụng để giải phóng triệt để sức sản xuất, từng bước cải thiện đời sống nhân dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

Với các chủ trương, định hướng Nhà nước đề ra và với thực tế nền kinh tế đang trong giai đoạn suy thoái chưa có điểm dừng, ngay trong năm 2013 cần ưu tiên triển khai, thực hiện cải cách thể chế một cách thực chất, tạo luồng sinh khí mới góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; tạo đột phá nâng cao niềm tin của nhân dân và giới doanh nghiệp, các nhà đầu tư nhằm thúc đẩy thực sự quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Các tin khác