PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, CPTPP có hiệu lực các doanh nghiệp (DN) có lợi ích gì về thuế quan và Chính phủ cũng như các bộ ngành đang có những chuyển động ra sao để phù hợp với những nguyên tắc của CPTPP?
Ông VŨ XUÂN HƯNG: - Xét góc nhìn của DN, khi nói đến CPTPP nhiều người sẽ nghĩ ngay đến các lợi ích về thuế quan mà DN xuất khẩu sẽ được hưởng. Tuy nhiên, trong 11 nước thành viên CPTPP đã có 7 nước có Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, nên các DN có thể đã được hưởng lợi ích từ trước đó.
Do vậy, khi có CPTPP thì DN cần lưu ý tìm hiểu để so sánh thuế suất như đã cam kết trong các hiệp định và CPTPP cái nào có lợi hơn thì chọn. Với 3 nước Canada, Mexico và Peru Việt Nam chưa có Hiệp định thương mại tự do nên được dự báo sẽ có nhiều thuận lợi hơn.
Tuy vậy, nếu phân tích sát sườn hơn thì sẽ thấy Mexico cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong ngành dệt may, Peru cơ cấu hàng hóa khá tương đồng, còn Canada trong nhiều năm qua cũng cho Việt Nam hưởng ưu đãi GSP nên về mặt ưu đãi thuế quan cũng không tác động quá lớn. Chính vì thế, nhiều phân tích cũng đã chỉ ra rằng, lợi ích lớn nhất mà Việt Nam được hưởng chính là động lực cải cách thể chế cũng như môi trường đầu tư, kinh doanh của mình.
Xét về động thái từ phía Nhà nước trong việc thực hiện các cam kết trong CPTPP, thời gian qua ngay cả khi CPTPP chưa có hiệu lực, các luật của Việt Nam cũng được chỉnh sửa nhiều theo hướng tạo thuận lợi thương mại, tương thích với thông lệ và các cam kết quốc tế.
Kể từ khi CPTPP có hiệu lực, chúng ta tiếp tục rà soát và điều chỉnh tiếp cho phù hợp. Theo đó, đã có nhiều văn bản được ban hành liên tục với những chỉ đạo hết sức tích cực. Chẳng hạn khi Nghị quyết 72/2018/QH14 do Quốc hội ban hành về phê chuẩn CPTPP; Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định 121/QĐ-TTg về kế hoạch thực hiện CPTPP.
Theo đó, quy định rõ trong phụ lục về một số công việc cụ thể triển khai thực hiện Hiệp định CPTPP, các bộ ngành nào phải làm những công việc gì với mốc ấn định thời hạn hoàn thành cụ thể. Tất nhiên cũng còn những luật như Luật Sở hữu trí tuệ, Công đoàn, Lao động… chúng ta chưa thể sửa ngay, mà cần có thời gian theo kế hoạch đã nêu trong Quyết định 121/QĐ-TTg, điều này hoàn toàn phù hợp với thời gian Việt Nam đang bảo lưu về độ trễ áp dụng về các vấn đề có liên quan khi tham gia CPTPP.
- Như ông nói Việt Nam đang chuyển động rất tích cực song khó tránh khỏi những nút thắt. Liệu việc này có khiến Việt Nam phải đối mặt với cơ chế nhà đầu tư nước ngoài kiện nhà nước, địa phương?
- Cơ chế giải quyết tranh chấp trong CPTPP quy định về giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với nước sở tại thông qua trọng tài quốc tế độc lập với tòa án, sẽ tạo sức ép rất tốt để chính quyền các cấp phải thay đổi trong việc ban hành và áp dụng chính sách, pháp luật có liên quan đến đầu tư theo hướng chuẩn hóa, minh bạch, nhất quán về mặt chính sách, tránh việc ban hành chính sách tùy tiện.
CPTPP có những quy định rất chi tiết về cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài về phạm vi và điều kiện khởi kiện. Quy định rõ chủ thể nào được quyền khởi kiện và chủ thể nào bị kiện; căn cứ khởi kiện...
Thủ tục tố tụng có quy định về thủ tục chọn trọng tài, mỗi bên tranh chấp chọn một trọng tài viên của mình, trọng tài viên thứ ba phải do cả hai bên thống nhất lựa chọn... Điều đó cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài muốn khởi kiện cũng phải thực hiện đúng quy trình, phải chứng minh được những hành xử không phù hợp theo cam kết của nước mà mình đến đầu tư, việc mình bị ảnh hưởng ra sao...
- CPTPP là hiệp định hiếm hoi cho DN tự tuyên bố xuất xứ hàng hóa. Đây là điểm lợi nhưng cũng hàm chứa những rủi ro. Ông có thể phân tích thêm về điều này?
- CPTPP yêu cầu áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, trong đó đối tượng được tự chứng nhận xuất xứ bao gồm cả người nhập khẩu, người xuất khẩu và người sản xuất, điều này khá mới với Việt Nam khi chúng ta chỉ đang áp dụng thí điểm cơ chế nhà xuất khẩu đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN, và cơ chế DN chứng nhận xuất xứ cho hàng xuất khẩu đi EU, Na Uy, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo đó, chúng ta chưa áp dụng cho đối tượng là nhà nhập khẩu đủ điều kiện để tự tuyên bố xuất xứ. Thực ra việc tự tuyên bố xuất xứ hàng hóa sẽ giúp DN xuất khẩu chủ động các thủ tục liên quan đến C/O, không mất thời gian chờ đợi và chi phí đi lại.
Tuy nhiên sẽ khó tránh khỏi việc một số DN có thể lợi dụng điểm này để gian lận trong xuất xứ hàng hóa nhất là trong trường hợp căng thẳng thương mại có liên quan đến biện pháp tăng áp thuế nhập khẩu giữa một số nước đang diễn biến phức tạp. Do vậy nếu nước nhập khẩu phát hiện sẽ yêu cầu xác minh, giải trình, đánh thuế cao mang tính trừng phạt, gây ảnh hưởng đến ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Chính vì thế đến nay Việt Nam khi tham gia CPTPP đã bảo lưu cơ chế này. Theo đó sẽ chia làm 2 mốc thời gian: Đối với hàng nhập khẩu, Việt Nam, Brunei, Malaysia, Mexico, Peru được phép bảo lưu chưa áp dụng hình thức nhà nhập khẩu tự chứng nhận xuất xứ trong vòng 5 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.
Đối với hàng xuất khẩu, các nước (trong đó có Việt Nam) có thể áp dụng song song hai hình thức cấp giấy chứng nhận xuất xứ, cấp qua Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) bởi cơ quan có thẩm quyền theo cách đang áp dụng, và cơ chế nhà xuất khẩu đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ trong 5 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực và có thể gia hạn thêm 5 năm nữa. Như vậy, với hàng xuất khẩu tổng cộng là 10 năm nếu có gia hạn.
Thực tế, xu thế nhà nhập khẩu đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa bắt nguồn từ thực tế tại Mỹ, họ nắm “kẻ có tóc”, trọng tâm hướng vào những nhà nhập khẩu đang kinh doanh trên chính nước họ. Nếu nhà nhập khẩu tuyên bố xuất xứ sai cho lô hàng thì cứ theo đó có chế tài thật nặng.
Nhưng hiện Việt Nam hướng vào DN xuất khẩu, với chế tài phạt liên quan tuyên bố xuất xứ sai ở Việt Nam hiện nay quá nhẹ, có những lô hàng vài triệu USD mà phạt có vài chục triệu đồng DN sẵn sàng làm sai. Đây cũng là lỗ hổng dễ dẫn đến gian lận khi áp dụng cơ chế tự tuyên bố xuất xứ hàng hóa. Để cải thiện việc này chúng ta nên tham khảo các quốc gia như Singapore, Mỹ…
- Xin cảm ơn ông.
Chúng ta cũng sẽ phải chủ động trong việc tuân thủ các cam kết, tránh các vụ việc kiện tụng, vì dù thắng hay thua thì thời gian và chi phí để theo đuổi các vụ kiện này cũng không hề nhỏ. |